Thế giới

Vì sao hôn phu của Công chúa Nhật Bản bị dân chúng phản đối dữ dội?

Hôn lễ của Công chúa Mako dẫn cô tới văn phòng đăng ký hôn nhân tại Tokyo và trước mắt cô là cuộc sống ở nước ngoài.

Vì sao hôn phu của Công chúa Nhật Bản bị dân chúng phản đối dữ dội?
Công chúa Mako (phải) và hôn phu Kei Komuro (Ảnh: New York Times)

Lần cuối một người chị em gái của Nhật Hoàng tương lai kết hôn, hàng ngàn người dân đã có mặt trên các con đường ở Tokyo để chúc mừng cô dâu, Công chúa Sayako, rời khỏi Cung điện để tham gia các nghi thức truyền thống và đón khách ở một trong những khách sạn cao cấp nhất tại thủ đô Nhật Bản.

Tuy vậy đối với Công chúa Mako, 30 tuổi, cháu gái Nhật hoàng Naruhito và là chị gái của Thân vương Hisahito, người có thể sẽ kế vị ngai vàng trong tương lai, thủ tục kết hôn đơn giản chỉ là chuyến đi tới văn phòng đăng ký hôn nhân ở Tokyo, cùng đi là các đại diện Hoàng gia.

Trong buổi họp báo chiều 26/10, chú rể Kei Komuro nhìn vào camera và tuyên bố: "Tôi yêu Mako. Tôi muốn dành trọn đời mình với người mà tôi yêu".

Con đường dẫn tới khoảnh khắc đó không bình lặng chút nào. Sau khi Công chúa Mako và Kei Komuro tuyên bố đính hôn hồi năm 2017, công chúng Nhật Bản nhanh chóng đặt câu hỏi về sự lựa chọn của cô. Các tờ báo lá cải đưa tin mẹ Komuro nhận khoảng 4 triệu euro, tức 36.000 USD, từ một người tình cũ mà chưa trả lại, khiến những ý kiến chỉ trích cho rằng Komuro đang tìm cách "đào mỏ" Hoàng gia.

Cha của Công chúa Mako, Thân vương Fumihito rút lại tuyên bố ủng hộ hôn nhân của con gái, lấy lý do ý kiến công chúng. Thợ săn ảnh đeo bám Komuro, 30 tuổi, sau khi anh tới New York để học Trường luật Fordham, đưa tin về mái tóc hay những quầy ăn ưa thích của anh. Những chỉ trích không ngừng nghỉ trên mạng xã hội khiến Công chúa Mako bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn stress hậu sang chấn.

Khi Komuro trở về Nhật Bản hồi tháng trước và cách ly y tế để chuẩn bị cho hôn lễ, sự soi mói ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Truyền thông và công chúng bị sốc đơn giản vì anh để tóc đuôi gà. Anh bị chỉ trích vì mặc suit kẻ sọc, thay vì suit màu đen hay navy truyền thống để gặp cha mẹ vợ. Trong những cuộc khảo sát, có tới 80% người được hỏi phản đối cuộc hôn nhân.

Tuy vậy sau ba năm, Komuro đã hoàn thành chương trình học tại Mỹ và được một công ty luật ở New York tuyển dụng, cặp đôi đã có thể đăng ký kết hôn sáng 26/10.

Vì sao hôn phu của Công chúa Nhật Bản bị dân chúng phản đối dữ dội? - 1
Kei Komuro (giữa) (Ảnh: Getty)

Trong cuộc họp báo, được tổ chức tại một khách sạn cách Cung điện Hoàng gia Nhật Bản khoảng hơn 1km, cặp đôi ngồi cạnh nhau trên một chiếc bàn, đối mặt với đội ngũ phóng viên trang bị máy ảnh, camera.

Trong một phát biểu được chuẩn bị trước, Công chúa Mako nói: "Tôi thừa nhận có những ý kiến khác nhau về cuộc hôn nhân của chúng tôi. Tôi rất xin lỗi những người cảm thấy phiền phức vì chúng tôi. Tôi cảm ơn những người đã âm thầm lo lắng cho chúng tôi, những người đã tiếp tục ủng hộ cho chúng tôi mà không bị ảnh hưởng bởi những thông tin vô căn cứ".

Để tránh phải trả lời những câu hỏi khó chịu hay phải đính chính các thông tin sai sự thật, cặp đôi yêu cầu được trả lời bằng thư năm câu hỏi mà giới phóng viên đã đưa ra từ trước buổi họp báo. Để tránh bị chỉ trích lãng phí tiền thuế của người dân, cặp đôi tự trả tiền thuê phòng khách sạn tổ chức họp báo.

Theo New York Times, đằng sau những quan điểm ác ý về sự lựa chọn hôn phu của Công chúa Mako là nỗi lo ngại về Hoàng gia Nhật Bản, vốn là một biểu tượng của truyền thống ở nước này.

Hoàng gia Nhật Bản đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa kế đang tới gần, và cuộc hôn nhân của Công chúa Mako khiến người ta chú ý tới một vấn đề mà chính phủ Nhật Bản lâu nay chưa giải quyết.

Theo Luật Hoàng gia Nhật Bản, vốn bao gồm các quy định về kế vị ngai vàng, phụ nữ không được phép lên ngôi. Các quy định cũng yêu cầu Công chúa Mako phải từ bỏ địa vị Hoàng gia bởi cô kết hôn với một thường dân, và cô cũng sẽ trở thành một thường dân. Các con của cô trong tương lai không có quyền kế vị ngai vàng.

Đại đa số công chúng Nhật Bản cho rằng nên sửa đổi luật để các thành viên nữ của Hoàng gia, bao gồm Công chúa Aiko, con gái 19 tuổi của Nhật hoàng Naruhito - có thể kế vị ngai vàng. Thăm dò gần đây của Kyodo cho thấy gần 80% người được hỏi ủng hộ việc con của các thành viên nữ Hoàng gia như Công chúa Mako cũng được quyền kế vị.

Tuy vậy, cánh bảo thủ của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền phản đối các thay đổi cho phép thành viên nữ Hoàng gia được kế vị ngai vàng, hay con cái của họ được quyền kế vị.

Tuy vậy, Hoàng gia Nhật Bản hiện chỉ có ba người có thể kế vị ngai vàng: Hoàng thúc 85 tuổi của Nhật hoàng Naruhito; Thân vương Fumihito, 55 tuổi, cha của Công chúa Mako; và Thân vương Hisahito, 15 tuổi, em trai của Công chúa Mako. Để so sánh, Hoàng gia Anh hiện có hơn 20 người có thể kế vị ngai vàng, trong đó có nhiều thành viên nữ.

Khả năng giới chính trị phải chấp nhận sửa đổi luật đồng nghĩa với việc công chúng Nhật Bản cảm thấy họ cần phải bày tỏ quan điểm về vị hôn phu của Công chúa Mako, trong trường hợp cô được trở lại Hoàng gia.

"Bởi chúng tôi vẫn chưa biết khi nào các thành viên nữ của Hoàng gia được quyền kế vị ngai vàng, người dân vẫn rất quan tâm tới hôn lễ của Công chúa," Hideya Kawanishi phó giáo sư sử học hiện đại và chuyên gia về hoàng gia Nhật Bản tại Đại học Nagoya nói.

Vì sao hôn phu của Công chúa Nhật Bản bị dân chúng phản đối dữ dội? - 2
Người dân Tokyo biểu tình phản đối hôn nhân của Công chúa Mako (Ảnh: AFP/Getty)

Công chúng Nhật Bản cho rằng Komuro không phù hợp trở thành hôn phu của công chúa do những nghi ngờ về gia đình anh này. Mẹ của anh góa bụa từ khi cha anh qua đời, và dính líu vào mối quan hệ với một người đàn ông sau này tố cáo bà không trả khoản nợ 36.000 USD.

Mẹ của Komuro cho biết bà tin rằng số tiền trên là quà tặng, nhưng sau khi công chúng phẫn nộ, Thân vương Fumihito đề nghị Komuro giải thích. Hồi tháng 04, Komuro ra thông báo dài 28 trang, nêu chi tiết các thỏa thuận tài chính để dàn xếp vụ việc.

Trong buổi họp báo hôm 26/10, Komuro nói thẳng vào vấn đề ngây tranh cãi này, giải thích rằng mẹ anh mắc bệnh tâm lý và anh đã đề nghị dàn xếp với người tình cũ của bà.

Vụ việc gây tranh cãi khiến công chúng Nhật Bản vẫn còn nghi ngờ gia đình anh. Ở Nhật, "một cuộc hôn nhân vẫn là kết hôn giữa các gia đình," phó giáo sư Michiko Ueda thuộc Đại học Waseda ở Tokyo nói.

Những tin đồn ảnh hưởng tới hình ảnh của Komuro trong mắt công chúng. Những ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội coi anh là kẻ lừa đảo hay đào mỏ. Truyền thông Nhật Bản đưa tin tiểu sử của anh trên trang web của công ty luật Lowenstein Sandler, đơn vị nơi anh làm việc ở New York, liệt kê những giải thưởng tưởng tượng. Phát ngôn viên của Trường luật Fordham khẳng định Komuro đã giành được những giải thưởng này, không có gì là bịa đặt.

Giới chuyên gia cho rằng Komuro không phù hợp với mong muốn truyền thống về đàn ông Nhật Bản, và việc anh bị đối xử như thế nào phản ánh nghi ngờ về thế giới bên ngoài.

"Một phần lý do là vì Komuro không tuân theo các giá trị Nhật Bản, bởi anh ta học ở một trường quốc tế, nói tiếng Anh thành thạo và bỏ việc ở một ngân hàng Nhật Bản," giáo sư xã hội học Kumiko Nemoto thuộc Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Kyoto nói.

"Trong xã hội Nhật Bản, người ta thích những người tự hy sinh bản thân vì xã hội, vì cộng đồng và gia đình," bà Nemoto nói thêm.

Trong khi đó, Komuro "cá nhân hơn, cố gắng chứng minh bản thân bằng cách đạt được những thành tựu về chuyên môn".

Sau khi kết hôn, Công chúa Mako sẽ trở thành Mako Komuro, và có thể sẽ chuyển tới New York sinh sống cùng chồng. Cô đã từ chối số tiền hồi môn 1,4 triệu USD, do đó cặp đôi sẽ phải sống dựa vào lương của Komuro trong thời gian đầu.

Công chúa có bằng thạc sĩ bảo tàng và phòng tranh học do Đại học Leicester (Anh) cấp, đã có kinh nghiệm làm việc ở một bảo tàng tại Tokyo trong hơn năm năm, do đó cô có thể sẽ tìm được việc làm trong thế giới nghệ thuật ở New York.

Quyết định rời Nhật Bản tới Mỹ sinh sống có thể là một trong những lý do khiến công chúng chĩa mũi dùi về phía vợ chồng Công chúa Mako, theo New York Times. Ngay cả khi cô rời khỏi Hoàng gia, Mako vẫn được kỳ vọng sẽ tuân thủ trách nhiệm truyền thống.

"Hoàng gia từng được coi như các vị thân, đẹp đẽ và không thể với tới," Hanako Onodera, 59 tuổi, nói.

"Có lẽ thế hệ ngày nay đã dám nói rõ ràng hơn, đòi hỏi những gì họ muốn hơn so với thế hệ trước đây. Họ không cảm thấy áp lực đặt nhu cầu của đất nước lên trên nhu cầu của bản thân," Onodera nói thêm.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên chiều 26/10, Mako Komuro cho biết cô không muốn tiếp tục trả lời phỏng vấn truyền thông trong tương lai, chỉ hy vọng "sẽ sống yên bình ở môi trường mới".

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/vi-sao-hon-phu-cua-cong-chua-nhat-ban-bi-dan-chung-phan-doi-du-doi-tintuc793237