Thế giới

Vì sao cảnh sát bị chỉ trích dữ dội trong thảm họa dẫm đạp khiến 125 người chết ở Indonesia?

Cảnh sát Indonesia hứng chỉ trích sau khi 125 người thiệt mạng trong thảm kịch dẫm đạp tại sân vận động ở thành phố Malang, nơi các sĩ quan phóng lựu đạn hơi cay để kiểm soát cổ động viên.

CĐV của Arema FC tràn xuống sân sau khi đội nhà thua 2-3 trước Persebaya Surabaya. Cảnh sát cho biết họ đã cố gắng yêu cầu CĐV trở lại các khán đài, nhưng sau đó buộc phải sử dụng lựu đạn hơi cay sau khi hai cảnh sát thiệt mạng.

Nhiều nạn nhân bị dẫm đạp hoặc chèn ép ngạt thở tới chết, theo giới chức địa phương.

HLV Javier Roca của Arema hôm 02/10 cho biết một số cầu thủ chứng kiến "CĐV chết trên tay họ", sau khi một số thành viên đội bóng ở lại sân hỗ trợ công tác cứu hộ.

"Trở lại sân sau họp báo, tôi đã chứng kiến một bi kịch," Roca nói, bổ sung rằng ông thấy "các cầu thủ đã khiêng nạn nhân đi qua".

"Tôi nghĩ cảnh sát đã quá mạnh tay, dù tôi không ở đó và không phải chịu hậu quả," chiến lược gia Chile nói với đài Cadena Ser.

Vì sao cảnh sát bị chỉ trích dữ dội trong thảm họa dẫm đạp khiến 125 người chết ở Indonesia?
Cảnh sát đụng độ với cổ động viên trên SVĐ Kanjuruhan (Ảnh: AP)

Những người sống sót kể lại rằng nhiều CĐV đã hoảng loạn chen lấn sau khi lựu đạn hơi cay được phóng về phía họ.

"Cảnh sát phóng lựu đạn hơi cay, khiến mọi người cố gắng tháo chạy, xô đẩy nhau và khiến nhiều người thiệt mạng," Doni, 43 tuổi nói với AFP.

"Khi đó không có vấn đề gì, không có bạo động. Tôi không biết vấn đề gì đã xảy ra, bỗng nhiên lựu đạn hơi cay được phóng ra. Đó là điều khiến tôi bị sốc. Họ không nghĩ tới trẻ em, phụ nữ sao?," Doni nói thêm.

Hơi cay gây cảm giác bỏng mắt, miệng, mũi, phổi và da của nạn nhân, được coi là vũ khí có thể ảnh hưởng tới một nhóm người lớn. Những người có thể di chuyển thường sẽ bỏ chạy, theo New York Times.

Owen West, giảng viên cảnh sát tại Đại học Edge Hill (Anh) cho rằng việc sử dụng hơi cay tại các khu vực khép kín, nơi các nạn nhân không có nhiều không gian di chuyển sẽ gây ra nguy cơ rất lớn.

"Việc sử dụng chiến thuật phân tán như hơi cay ở trường hợp này là hết sức nguy hiểm. Đó là một loại vũ khí khoảng cách, được dùng để tạo khoảng cách giữa đám đông và cảnh sát. Đó là loại vũ khí để phân tán đám đông. Một khi sử dụng nó, cảnh sát phải đoán trước đám đông sẽ phân tán đi đâu," West nhấn mạnh.

Hơi cay là yếu tố gây ra một số thảm họa tại các sân vận động trong quá khứ, khi đám đông hoảng loạn tìm cách trốn chạy dẫm đạp, chen chúc tìm lỗi thoát. Trong các quy định an toàn sân vận động, FIFA đã cấm nhân viên an ninh và cảnh sát "sử dụng hơi cay kiểm soát đám đông" ở các trận bóng.

Owen West cho rằng phản ứng của các CĐV ở Indonesia có thể được coi là "hoảng loạn", nhưng hoàn toàn hợp lý do ảnh hưởng của hơi cay.

"Bỏ chạy trước vũ khí gây tổn hại tới hơi thở, mắt và sức khỏe là một quyết định hợp lý," West phân tích.

Bên cạnh đó, West cũng cho rằng việc cảnh sát mặc đồ bảo hộ chống bạo động và mang theo vũ khí kiểm soát đám đông như lựu đạn hơi cay do lo ngại bạo loạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

"Nó giống như một lời tiên tri tự ứng nghiệm," West nói, bổ sung rằng tại nhiều nơi trên thế giới, việc cảnh sát quá hăng hái, mặc nhiều đồ bảo hộ thường được coi là nguyên nhân gây ra phản ứng thù địch từ đám đông.

Hà An (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-canh-sat-bi-chi-trich-du-doi-trong-tham-hoa-dam-ap-khien-125-nguoi-chet-o-indonesia-a360579.html