Thế giới

Vây cá mập: Món ăn nghìn năm của người Hoa và thị trường tỷ USD

Vây cá mập, thứ nguyên liệu nấu súp nổi tiếng nhờ truyền thống của người Trung Hoa, là món hàng có giá thứ ba trên thị trường "chợ đen", sau vàng, súng và xếp trên cả ngà voi.

Các nhà khoa học không tranh cãi về tầm quan trọng của cá mập đối với hệ sinh thái và sự thật rằng món lợi khủng từ vây cá mập đang giết chết hàng chục triệu cá thể của loài động vật này mỗi năm. Dù vậy, trong khi việc lấy vây cá mập đã bị cấm ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, các nhà hoạch định chính sách vẫn bế tắc trong việc kiểm soát việc săn bắt cá mập lấy vây trên vùng biển quốc tế hoặc kiểm soát thị trường toàn cầu với trị giá lên đến hàng tỷ USD này.

Ngành công nghiệp tỷ USD và giới trung lưu mới nổi

Việc lấy vây cá mập thường không diễn ra ở các bến cảng. Ngư dân bắt lấy cá, cắt vây rồi thả con vật trở lại biển. Mất vây, cá mập không thể bơi bình thường, chúng đối diện với nguy cơ bị chìm xuống đáy biển và trở thành mồi của các loài sinh vật khác.

Trong khi đó, những chiếc vây vừa được cắt ra khỏi thân thể cá mập sẽ từ những con thuyền gỗ cũ kỹ của các ngư dân, trải qua nhiều đợt trung chuyển để đến những thị trường chính như Trung Quốc, Singapore, Hong Kong hay Đài Loan.

Vây cá mập: Món ăn nghìn năm của người Hoa và thị trường tỷ USD
Vây cá mập được phơi công khai trên đường phố Hong Kong vào năm 2014. 

Vì nhiều hãng hàng không đã cấm việc mang theo vây cá, 90% số vây cá được chuyển đến Hong Kong, thị trường lớn nhất thế giới đối với mặt hàng này, bằng đường biển.

Dù vây cá mập thường mang lại cho các ngư dân nhiều tiền hơn so với các loài sinh vật họ thường đánh bắt khác, số tiền trả cho các ngư dân là một khoản rất nhỏ so với tổng giá trị của ngành buôn bán vây cá mập. 

Diplomat dẫn lời ông Tre’ Packard của PangeaSeed, một nhóm hoạt động tăng cường nhận thức về vây cá mập, nói rằng đây là món hàng mang lại lợi nhuận lớn thứ ba trên thị trường "chợ đen", chỉ sau vàng, súng và vượt cả ngà voi. Giá trị của thị trường buôn bán vây cá mập toàn cầu ước tính đạt khoảng 450 triệu-1,2 tỷ USD (năm 2007).

Vây cá mập: Món ăn nghìn năm của người Hoa và thị trường tỷ USD - 1
Người ta có thể tìm mua vây cá mập tại Hong Kong với mọi kích cỡ, giá cả và chủng loại. 

Báo cáo của Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động, Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) năm 2017 cho biết Hong Kong là thị trường vây cá mập lớn nhất thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 45 triệu USD và nhập khẩu đạt 170 triệu USD.

Các ước tính cho thấy khoảng 1/2 số vây cá được tiêu thụ mỗi năm phải đi qua Hong Kong. Singapore là thị trường lớn thứ hai, với tổng giá trị xuất - nhập khẩu lần lượt là 40 triệu USD và 51,4 triệu USD (giai đoạn 2012-2013).

Guardian miêu tả thị trường vây cá mập ở Hong Kong là nơi người ta có thể tìm thấy sản phẩm ở mọi nơi và mọi số lượng, phù hợp với mọi loại nhu cầu. Vây cá mập có mặt từ những cửa tiệm thức ăn đến hiệu thuốc và làng chài, được bán ra từ những loại nhỏ đặt trong túi nylon cho đến những chiếc vây to được quấn ruy băng đỏ.

Trong quan niệm truyền thống của người Hoa, hiếm có thứ gì được nhìn gần gũi với tiền bạc như vây cá mập. Vào thời Bắc Tống, Tống Thái Tổ (trị vì từ năm 960-976) đã tạo ra món súp vây cá mập để thể hiện quyền lực, sự giàu có và hào phóng của nhà vua.

Trong một tiệc cưới của người Hoa, chén súp vây cá mập dọn lên mời quan khách chính là bảo chứng cho sự giàu sang của gia chủ. Họ cũng thích mời đối tác làm ăn đến những nhà hàng có súp vây cá mập để thể hiện tiềm lực tài chính. Sự bùng nổ tầng lớp người giàu mới tại Trung Quốc trong vài thập niên qua đã kéo theo nhu cầu vây cá mập tăng mạnh.

Vây cá mập: Món ăn nghìn năm của người Hoa và thị trường tỷ USD - 2
Súp vây cá mập là một món ăn phổ biến trong các nhà hàng sang trọng của người Hoa.

Trong khi đó, các ngư dân săn vây cá mập ở Tây Phi thường vướng vào vòng tròn luẩn quẩn nợ nần với các tay buôn vây cá từ Đông Nam Á. Vì số lượng cá thể cá mập trong vùng suy giảm, họ phải đóng thuyền to hơn để đến những vùng biển ở xa, đó là khi những ngư dân này phải vay tiền của các tay buôn. Số cá mập càng giảm, ngư dân càng khó trả nợ. 

Những lệnh cấm không đủ tác dụng

Một bài báo của Guardian vào năm 2014 cho biết 98% số lượng cá thể cá mập trên thế giới đã biến mất trong 15 năm trước đó và nhu cầu đối với vây cá là một nguyên nhân. Khoảng 100 triệu con cá mập bị giết mỗi năm và 73 triệu trong số đó chết vì chiếc vây của mình.

Ít nhất 27 nước, bao gồm Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU) đã cấm việc lấy vây cá mập. Dù vậy, vùng biển quốc tế lại không bị các luật lệ chi phối và không phải nước nào cũng có đủ cơ sở hạ tầng để quản lý việc đánh bắt của ngư dân họ.

Một số nước đang cân nhắc việc cấm đánh bắt và lấy vây cá mập ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Việc này đã bị cấm ở Đông Thái Bình Dương nhưng tiếp tục diễn ra không bị kiểm soát ở phần lớn diện tích của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Một số nơi như EU, Chile, Venezuela, Đài Loan,... cho phép việc săn bắt cá mập nhưng cá phải được cập cảng nguyên vẹn và không bị mất phần vây. Trung Quốc và Hong Kong cấm món súp vây cá trong các sự kiện của chính quyền. 

Việc buôn bán vây cá mập lại là hợp pháp, ngay tại một số nước có lệnh cấm lấy vây cá mập trong vùng biển họ kiểm soát. Quốc hội Mỹ đang cân nhắc ban hành lệnh cấm buôn bán trên toàn quốc. Ở cấp bang, việc buôn bán vây cá mập bị cấm tại California, Illinois, Massachusetts, Washington, New York...

Vây cá mập: Món ăn nghìn năm của người Hoa và thị trường tỷ USD - 3
Một cuộc biểu tình kêu gọi sự chú ý đối với tình trạng cá mập chết vì bị săn bắt, lấy vây ở Hong Kong vào năm 2016.

David Shiffman, nhà hải dương học nghiên cứu về cá mập tại Đại học Simon Fraser, Canada, lập luận rằng việc đánh bắt cá mập ở Mỹ đang diễn ra ở tốc độ ổn định và bền vững sau khi việc lấy vây cá bị cấm, nếu Mỹ tiếp tục cấm cả việc buôn bán cá mập, họ sẽ khó thuyết phục các nước khác đưa ra chính sách tương tự, cấm lấy vây cá mập.

Ngoài ra, nếu Mỹ ra lệnh cấm buôn bán vây cá mập và không cho phép nhập khẩu vây cá mập từ nước khác, họ sẽ vi phạm điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc không phân biệt đối xử trong thương mại. Các đối tác thương mại có thể kiện Mỹ trước tòa trọng tài của WTO hoặc tăng giá một số mặt hàng xuất khẩu qua Mỹ.

Dù vậy, hàng trăm nhà khoa học đã ký vào một lá thư mở đề nghị chính phủ Mỹ hãy rút nước này hoàn toàn khỏi ngành công nghiệp liên quan đến cá mập.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)