Thế giới

Văn hóa làm việc đến chết - kẻ giết người thầm lặng tại Hàn Quốc

Hàng trăm trường hợp người Hàn Quốc tử vong vì làm việc quá sức trong thời gian dài đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và đòi hỏi thay đổi nhận thức cũng như chính sách của nước này.

Park Huyn Suk, người phụ nữ có chồng qua đời vì làm việc quá sức, phải mất rất lâu mới có thể tìm được bức ảnh chung của hai người. “Tôi vẫn nghĩ chúng tôi đã chụp vài kiểu ảnh, hình như là trong chuyến đi đó thì phải”, cô Park vừa nói vừa tìm trong điện thoại.

Sau khi được con gái gợi nhắc, cuối cùng cô cũng tìm thấy một tấm ảnh của người chồng quá cố, anh Chae Soo Hong, trong quần áo bảo hộ trắng và mũ trùm đầu.

Anh Chae từng làm việc cho một công ty thực phẩm chuyên sản xuất thịt lợn hộp. Nhiệm vụ chính của anh là đảm bảo tiến độ sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Văn hóa làm việc đến chết - kẻ giết người thầm lặng tại Hàn Quốc
Anh Chae Soo Hong trong quần áo bảo hộ trắng và mũ trùm đầu. Ảnh: CNN.

Các ngày trong tuần anh đều tới nhà máy để giám sát tình hình. Vào thứ 7, anh đến văn phòng chính để làm công việc giấy tờ. Thậm chí ngay cả khi về đến nhà, anh vẫn còn việc phải làm: giúp đỡ đồng nghiệp người nước ngoài thích nghi với cuộc sống tại Hàn Quốc.

Anh Chae có nhiều việc phải làm đến mức khi về tới nhà đã quá mệt mỏi và dành hầu hết thời gian để ngủ. “Khi anh ấy bắt đầu vào làm việc năm 2015, công ty có khoảng 30 người. Đến khi anh ấy qua đời, số nhân viên đã lên đến 80. Khối lượng công việc của chồng tôi cũng cứ thế tăng lên”, cô Park nói với CNN.

Anh Chae qua đời lúc 19 giờ tối một ngày thứ 7, tháng 8/2017. Đồng nghiệp của anh Chae thấy anh ngất xỉu trên sàn phòng làm việc. Nguyên nhân cái chết vẫn chưa được xác định.

Sáng hôm đó khi chuẩn bị đi làm như mọi ngày khác, anh than phiền rằng cảm thấy mệt nhưng cô Park không nghĩ gì nhiều, bởi chồng cô lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi. “Tôi nên nhận ra dấu hiệu bị bệnh của anh ấy từ sáng. Tối hôm đó chồng tôi đã không trở về nhà được nữa”, cô Park nói.

Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, anh Chae là một trong số hàng trăm trường hợp tử vong vì làm việc quá sức trong năm 2017. Trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người lao động Hàn Quốc có số giờ làm việc nhiều hơn mức trung bình của hầu hết quốc gia khác.

Trận chiến đòi tiền bồi thường

Khi anh Chae qua đời, cô Park đã mong rằng công ty sẽ trả tiền bồi thường vì nguyên nhân tử vong có liên quan đến công việc.

Nhưng sau đó cô sớm nhận ra rằng tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều những gì mình nghĩ. Cơ quan Bồi thường Tai nạn Lao động và Phúc lợi Hàn Quốc (COMWEL) yêu cầu cô Park phải chứng minh được rằng anh Chae qua đời vì công việc.

“Điều này thực sự làm khó tôi. Anh ấy thường rời nhà lúc 7 giờ sáng và trở về lúc 22 giờ tối, nhưng không máy móc nào xác thực được số giờ làm việc của chồng tôi cả”, cô Park nói.

Văn hóa làm việc đến chết - kẻ giết người thầm lặng tại Hàn Quốc - 1
Hình ảnh hiếm hoi của anh Chae cùng với vợ. Ảnh: CNN

Sau đó cô phát hiện ra tại trạm thu phí đường cao tốc mà anh Chae đi qua hàng ngày có camera giám sát ghi lại mốc thời gian. Nhưng do ngày thứ 7 anh Chae đi đường khác tới văn phòng nên cô Park không có chứng cứ xác thực.

Luật pháp Hàn Quốc không chính thức công nhận nguyên nhân tử vong vì làm việc quá sức, tuy nhiên Cơ quan Bồi thường Tai nạn Lao động và Phúc lợi Hàn Quốc (COMWEL) cho rằng nếu người lao động tử vong vì đau tim hoặc đột quỵ do phải làm việc hơn 60 giờ một tuần trong ba tháng, thì có thể coi là tai nạn lao động và nhận được bồi thường. Đây là khoản tiền có ý nghĩa rất lớn đối với những gia đình đột ngột mất đi trụ cột.

Ngay cả vậy, cô Park vẫn có thể chứng minh được chồng mình đã làm việc hơn 180 giờ trong vài tuần trước khi qua đời. Chính vì vậy gia đình cô Park là một trong số ít trường hợp may mắn được Cơ quan Bồi thường Tai nạn Lao động và Phúc lợi Hàn Quốc (COMWEL) công nhận và bồi thường thiệt hại.

Nỗi ám ảnh chết người

Sau khi anh Chae qua đời, mỗi tháng một lần cô Park và hàng chục người khác đều tụ họp trong căn phòng nhỏ phía nam sông Hàn. Họ là những người đã mất đi người thân vì công việc quá tải.

Kang Min Jung đã lập ra nhóm này sau khi bác của cô qua đời vì lí do tương tự. “Khi ông ấy mất, tôi đã tự hỏi vì sao ông phải làm việc nhiều đến mức như vậy. Sau đó tôi quyết định đến Nhật Bản để nghiên cứu về các trường hợp tử vong do công việc quá tải”, cô Kang nói.

Nhật Bản đã nghiên cứu hiện tượng này từ những năm 1980 để hiểu rõ về văn hóa “làm việc đến chết” của nước này. Đây cũng là quốc gia duy nhất có điều luật ủy quyền cho chính phủ nghiên cứu và khắc phục vấn đề.

Khi cô Kang trở lại Hàn Quốc, cô bắt đầu tổ chức các buổi gặp mặt như thế này. Nhưng khi mới được lập ra, nhóm chỉ có 3 người tham dự. Họ hoàn toàn không ý thức được vấn đề và rằng họ có thể được bồi thường theo quy định của luật lao động.

Lao vào làm việc một cách mù quáng hết ngày này tới ngày khác khiến rất nhiều người lao động đối mặt với nguy cơ tử vong, giống như anh Chae.

“Anh Chae coi việc lao động quá sức như vậy là điều bình thường. Chồng tôi được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số. Những người thuộc thế hệ của anh đều coi trọng công việc và muốn thực hiện nghĩa vụ của người đàn ông trong gia đình".

Văn hóa làm việc đến chết - kẻ giết người thầm lặng tại Hàn Quốc - 2
Người Hàn Quốc đang rơi vào vòng xoáy công việc với áp lực quá lớn. Ảnh: Getty.

"Anh ấy không than phiền và cũng không ngơi nghỉ. Xã hội Hàn Quốc đòi hỏi người lao động phải làm việc quá sức. Họ nghĩ rằng làm quá giờ đồng nghĩa với làm tốt và hiệu quả”, cô Park nói.

Tuy nhiên theo số liệu thống kê giữa các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là nước có hiệu xuất công việc xếp gần cuối danh sách.

Hồi chuông báo động

Jeong Hak Dong, một nhân viên giao hàng bưu điện tại thành phố Ilsan, phía tây bắc thủ đô Seoul, nói rằng hầu như mọi ngày trong tuần ông đều làm việc khoảng 12 giờ đồng hồ, “và ngay cả vậy thì tôi vẫn chưa hoàn thành công việc”. Ông nói rằng sẽ rất nguy hiểm nếu người lái xe cố gắng đi nhanh để hoàn tất việc chuyển phát bưu kiện.

Năm ngoái, một nhân viên bưu điện bị thương trong vụ tai nạn giao thông vẫn bị yêu cầu phải hoàn thành công việc. Người này đã để lại lời nhắn cho rằng anh bị đối xử vô nhân đạo và sau đó tự vẫn.  Vào tháng 7, một nhân viên bưu điện khác đã tự thiêu tại phòng làm việc. Đó là trường hợp tử vong thứ 3 trong hai tháng tại đây, được cho là có liên quan đến tình trạng làm việc quá sức.

Cái chết của 3 người khiến tổ chức công đoàn bưu điện kêu gọi cùng tuyệt thực tại quảng trường Gwanghwamun, trung tâm thủ đô Seoul. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch gây sức ép buộc chính phủ phải chấm dứt quy định làm việc 6 ngày một tuần và tuyển thêm người làm để cải thiện điều kiện lao động, cũng như cho phép nhân viên về nhà đúng giờ.

Đến tháng 8/2017, Nhà Xanh đã làm trung gian cho một ủy ban giữa Bưu điện Hàn Quốc và công đoàn công nhân bưu chính cùng các chuyên gia nghiên cứu độc lập để xem xét điều kiện lao động của ngành này.

Theo báo cáo được công bố mới đây, gần 2.000 nhân viên bưu chính đang phải làm việc hơn 3.000 giờ một năm, tương đương hơn 58 giờ mỗi tuần, và mức độ áp lực công việc còn lớn hơn so với y tá, lính cứu hỏa và phi công chiến đấu.

Báo cáo này cũng nói rằng Bưu điện Hàn Quốc đã đồng ý tới cuối năm 2020 sẽ hoàn tất việc tuyển thêm hai nghìn nhân viên. Công đoàn công nhân bưu chính hoan nghênh quyết định này và tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động biểu tình tuyệt thực.

Văn hóa làm việc đến chết - kẻ giết người thầm lặng tại Hàn Quốc - 3
Nhân viên Bưu điện Hàn Quốc đã liên tục gây sức ép để đòi quyền lợi. Ảnh: CNN.

Tín hiệu tích cực

Kim Woo Tark, một luật sư tham gia nhóm của cô Kang để giúp đỡ các gia đình nạn nhân, nói rằng văn hóa làm việc quá sức là tàn dư từ cuộc chiến tranh Triều Tiên với tầm ảnh hưởng trên nhiều khía cạnh cuả xã hội Hàn Quốc hiện đại.

“Sau cuộc chiến, Hàn Quốc phải nhanh chóng lấy lại vị thế, do đó văn hóa này được hình thành buộc mỗi người lao động phải làm việc đến mức tối đa”, anh Kim nói với CNN.

Vào tháng 7, chính phủ nước này đã xây dựng điều luật giảm số giờ làm việc tối đa từ 68 giờ xuống còn 52 giờ một tuần (bao gồm cả thời gian làm ngoài giờ). Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói rằng đây là “cơ hội quý giá để đẩy lùi tình trạng làm việc quá sức và thúc đẩy người dân dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”.

“Đây sẽ là giải pháp nền tảng để bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân bằng cách giảm thiểu trường hợp tử vong vì công việc quá tải, tai nạn lao động và tai nạn giao thông vì lái xe ngủ gật”, ông Moon nói.

Quy định làm việc 52 giờ một tuần có hiệu lực kể từ tháng 1 năm nay, nhưng chỉ thực sự được áp dụng với các công ty có quy mô hơn 300 nhân viên kể từ tháng 1/2019.

Một trong những tập đoàn thực thi điều luật này là KT. Giờ đây người lao động có thể nhìn thấy đồng hồ đếm ngược trên màn hình và các quản lý cũng khuyến khích họ không làm việc quá giờ mà nên trở về nhà sớm.

Kim Jung Jun, nhân viên quan hệ công chúng của KT, nói rằng người giám sát của anh sẽ rung chuông mỗi ngày và thông báo “đã đến giờ về nhà, mọi người kết thúc công việc của mình thôi”. Trong 3 tháng kể từ khi quy định được áp dụng, anh Kim nói anh có nhiều thời gian để ngủ và dành cho gia đình cũng như bạn bè hơn.

Điều luật cũng mang lại lợi ích lớn hơn nữa cho người dân Hàn quốc: Vào tháng 8, Bộ Lao động nước này tuyên bố có thêm khoảng 43.000 việc làm mới vì các tập đoàn buộc phải tuyển thêm nhân viên thay vì buộc người lao động phải làm việc thêm giờ.

Tuy nhiên đối với những gia đình đã mất đi người thân, có vẻ như các quy định này được đưa ra quá muộn, và nỗi đau vẫn tiếp diễn.

Mỗi tháng, cô Park Huyn Suk nhận được khoản tiền bồi thường cho người chồng quá cố. Đây là sự hỗ trợ cần thiết nhưng cũng khiến cô đau đớn nhớ lại cái chết của anh Chae. Cô Park rất ủng hộ những thay đổi trong luật lao động này, nhưng cũng không ngừng tự hỏi nếu mọi thứ diễn ra sớm hơn thì liệu chồng cô có phải bỏ mạng như vậy.

“Tôi chắc chắn rằng không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai có người thân ‘làm việc đến chết’ đều cảm thấy bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi. Giá mà tôi có thể nhận ra dấu hiệu bị bệnh của chồng. Giá mà tôi đã phản ứng nhạy hơn thì mọi chuyện đã không như vậy. Cảm giác tội lỗi luôn khiến người ta đau đớn và dù cho tôi cố sống tiếp, nó vẫn nằm một góc trong trái tim tôi”, cô Park nói.

Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)