Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Vaccine dạng hít của Trung Quốc có hiệu quả ngang vaccine dạng tiêm

Tất cả các loại vaccine ngừa Covid-19 được phê duyệt để sử dụng hiện nay đều là dạng tiêm, tuy vậy giới khoa học đang thử nghiệm vaccine dạng uống và dạng hít.

Trong số hơn 100 vaccine Covid-19 đang trải qua giai đoạn nghiên cứu lâm sàng được WHO nhìn nhận, có tám loại là vaccine dạng hít.

Những loại vaccine này được phát triển nhắm mục tiêu vào niêm mạc mũi và họng, nơi virus corona thâm nhập vào cơ thể, để tạo ra phản ứng miễn dịch khác so với vaccine dạng tiêm.

Vaccine dạng hít của Trung Quốc có hiệu quả ngang vaccine dạng tiêm

Tuần trước, hãng dược Trung Quốc CanSino Biologics công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy phiên bản dạng hít của vaccine Ad5-nCov do hãng này sản xuất đã tạo được phản ứng miễn dịch mà không gây phản ứng phụ nghiêm trọng.

Vaccine Ad5-nCov dạng tiêm chỉ có một liều, đã được Trung Quốc, Pakistan và Mexico phê duyệt sử dụng.

Phiên bản dạng hít có hai liều, được chỉ định sử dụng cách nhau 28 ngày, tạo ra mức độ kháng thể vô hiệu hóa virus ngang bằng với một liều vaccine dạng tiêm, theo nghiên cứu đã được bình xét của Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và CanSino.

Khoảng 130 tình nguyện viên Trung Quốc tham gia thử nghiệm được tiêm một liều vaccine phiên bản dạng tiêm, sau 28 ngày được sử dụng dạng ít bổ sung. Theo nghiên cứu, nhóm tình nguyện viên này đều có phản ứng kháng thể mạnh.

"Tóm lại, vaccine Ad5-nCoV dạng ít không gây đau đớn, đơn giản, không gây tổn hại và sản sinh miễn dịch tốt," các tác giả nghiên cứu viết trên tuần san y khoa The Lancet hôm 02/08.

Các nhà cho biết dữ liệu trên là đủ để tiếp tục thử nghiệm giai đoạn hai và giai đoạn ba.

Theo SCMP, vaccine dạng tiêm giúp cơ thể người tạo ra kháng thể miễn dịch không nhắm mục tiêu vào khu vực xâm nhập nào của mầm bệnh. Trong khi đó, vaccine dạng hít nhắm mục tiêu vào bề mặt niêm mạc mũi và họng, nơi mần bệnh xâm nhập cơ thể, để tạo ra miễn dịch khu biệt.

Những nghiên cứu thập niên 1960 và 1970 cho thấy vaccine sởi và cúm dạng hít có thể bảo vệ cơ thể trước mầm bệnh.

Vaccine dạng hít thường dễ bảo quản hơn dạng tiêm. Dạng tiêm cần được bảo quản nhiệt độ thấp, khi tiêm lại cần có nhân viên y tế đã được huấn luyện, điều có thể gây khó khăn cho các nước chưa phát triển hay những khu vực xa xôi, hẻo lánh.

Vaccine dạng hít dễ bảo quản hơn, sử dụng thiết bị dùng một lần mà không cần nhân viên y tế được huấn luyện, tạo điều kiện cho tiêm chủng diện rộng dễ dàng. Bên cạnh đó, vaccine dạng hít cũng dễ thuyết phục những người sợ kim tiêm.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)