Thế giới

Ủy ban Liên Hợp Quốc cáo buộc Triều Tiên lắp tên lửa ở sân bay dân sự

Báo cáo mật của Liên Hợp Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt Triều Tiên chưa hiệu quả và Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình tên lửa của mình.

Ủy ban Liên Hợp Quốc cáo buộc Triều Tiên lắp tên lửa ở sân bay dân sự
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 trước vụ phóng. Ảnh: KCNA.

"Chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên vẫn nguyên vẹn", AFP ngày 6/2 dẫn báo cáo của một ủy ban chuyên gia Liên Hợp Quốc. "Ủy ban nhận thấy Triều Tiên đang sử dụng các cơ sở dân sự, trong đó có các sân bay, để lắp ráp và thử nghiệm tên lửa đạn đạo với mục tiêu ngăn ngừa hiệu quả các đòn tấn công phủ đầu".

Báo cáo mật này được gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị có cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với hy vọng đạt được tiến bộ vững chắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mỹ là nước đã thúc đẩy Liên Hợp Quốc áp đặt một loạt lệnh cấm vận ngặt nghèo để gây sức ép tối đa với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, tên lửa năm 2017. Tuy nhiên, Triều Tiên được cho là vẫn tìm cách lách lệnh cấm vận, tiếp tục nhập khẩu dầu và xuất than đá trên biển để tránh các biện pháp giám sát của Liên Hợp Quốc.

"Những hành động vi phạm này khiến các lệnh cấm vận mới nhất nhắm vào dầu thô, xăng và than đá của Liên Hợp Quốc không phát huy hiệu quả", báo cáo có đoạn. Các lệnh cấm vận quy định Triều Tiên chỉ được nhập khẩu tối đa 4 triệu thùng dầu thô và 500.000 thùng sản phẩm dầu tinh lọc mỗi năm.

"Ủy ban nhận thấy các cảng biển, sân bay Triều Tiên vẫn được sử dụng để vi phạm trắng trợn nghị quyết Liên Hợp Quốc, từ nhập khẩu dầu trái phép, xuất khẩu than đá cho tới chuyển lậu ngoại tệ", báo cáo nhấn mạnh, bổ sung rằng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục vi phạm lệnh cấm vận vũ khí khi tìm cách cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Syria, phiến quân Houthi ở Yemen, Libya và Sudan.

Báo cáo của ủy ban này có nhiều điểm tương đồng với các bản đánh giá được tình báo Mỹ công bố rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình mà chỉ hạn chế phần nào nhằm đổi lấy việc được nới lỏng lệnh trừng phạt.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt đáng kể sau khi Trump và Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore năm ngoái. Tuy nhiên, hai nước không đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa kể từ sau cuộc gặp, do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun hôm nay sẽ có các cuộc trao đổi ở Bình Nhưỡng nhằm làm rõ những bước có thể được coi là thành công trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo khi lãnh đạo hai nước gặp thượng đỉnh lần hai vào cuối tháng này.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)