Thế giới

Tương lai ảm đạm của Thỏa thuận hạt nhân

Thỏa thuận hạt nhân ký từ năm 2015 giữa Iran và các cường quốc có khả năng sẽ sụp đổ ngay trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ tổ chức vào năm 2020 – giới chức Iran hôm 10/11 đưa ra cảnh báo.

Khả năng đổ bể

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), có thể sụp đổ ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm sau nếu không đạt được giải pháp nào trong vài tháng tới.

Iran cũng cảnh báo vẫn thực hiện các chính sách của mình cho dù bất kỳ ai được bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống tới tại Mỹ.

Cũng hôm trước đó, Iran tuyên bố nước này hiện đang làm giàu uranium tới 5%, sau khi tiến hành các bước rút dần cam kết theo JCPOA.

Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran cho biết thêm Iran có khả năng làm giàu uranium ở mức 5%, 20%, 60% hay bất kỳ mức độ nào khác. Mức làm giàu uranium 5% dù đã vượt ngưỡng quy định trong Thỏa thuận nhưng vẫn thấp hơn mức 20% mà Iran từng thực hiện và thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Tương lai ảm đạm của Thỏa thuận hạt nhân
Nhân viên kỹ thuật Iran làm việc tại cơ sở làm giàu Urani Isfahan cách thủ đô Tehran 420 km về phía Tây Nam.

Cơ quan hạt nhân Iran cũng xác nhận đã chuyển 2.000 kg khí uranium từ cơ sở Natanz sang Fordow, và lắp đặt 1.044 máy quay ly tâm vào vị trí mới. “Sau khi hoàn tất công đoạn chuẩn bị, việc bơm khí uranium vào các máy quay ly tâm đã được bắt đầu từ ngày 7/11 tại Fordow... Toàn bộ quá trình đều diễn ra dưới sự quan sát của các thanh sát viên LHQ” - AFP dẫn thông báo từ cơ quan này, cho hay.

Trong khi Iran kiên trì khẳng định cho đến nay nước này không hề vi phạm Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lo ngại về diễn biến mới, nhưng cho rằng các nước châu Âu nên thực thi cam kết của mình với Iran.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo sẽ “tăng cường áp lực” đối với Tehran. Đây là lần thứ tư nước Cộng hòa Hồi giáo thông báo không tôn trọng các cam kết. Nhưng theo Tổng thống Pháp, đây là lần đầu tiên Iran ra khỏi khuôn khổ hiệp định rõ ràng và không hạn chế, và là “một sự thay đổi sâu sắc”.

Ông Macron dùng đến những từ ngữ mạnh mẽ để chỉ trích Iran bởi Pháp đang cố gắng đóng vai trò trung gian giữa Iran và Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng trong vấn đề hạt nhân của Iran.

UAE kêu gọi đối thoại

Trong hôm 10/11, Quốc vụ khanh phụ trách Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar Gargash đã kêu gọi Iran nên ngồi vào bàn đàm phán với các cường quốc thế giới và các quốc gia Vùng Vịnh nhằm tìm kiếm một thỏa thuận mới mà có thể giảm căng thẳng khu vực và phục hồi nền kinh tế của nước này.

Căng thẳng tại Vùng Vịnh đã gia tăng kể từ khi xảy ra các vụ tấn công vào các tàu chở dầu trên tuyến hàng hải huyết mạch toàn cầu hồi mùa Hè vừa qua, trong đó có vụ tấn công xảy ra ở ngoài khơi bờ biển của UAE và một cuộc tấn công lớn vào các cơ sở lọc dầu của Arab Saudi.

Mỹ đã quy trách nhiệm cho Iran -quốc gia vốn đã phủ nhận việc đứng sau các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng toàn cầu.

Trong một bài diễn văn tại Abu Dhabi, Quốc vụ khanh Anwar Gargash nêu rõ: “Gia tăng căng thẳng ở thời điểm này không đem lại lợi ích cho ai cả và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng vẫn còn đủ không gian để các biện pháp ngoại giao có thể thành công”.

Ông Gargash cho rằng các cuộc đàm phán mới với Iran không chỉ nên giải quyết riêng vấn đề hạt nhân mà còn nhằm tháo gỡ những quan ngại về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran cũng như sự can thiệp vào khu vực thông qua các nhóm ủy nhiệm. Những chủ đề này đòi hòi các nước khu vực cần phải tham gia vào các cuộc thảo luận.

Ông Gargash nêu rõ: “Tôi tin tưởng rằng sẽ có một lộ trình đi đến một thỏa thuận với Iran mà tất cả các bên có thể sớm sẵn sàng để tham gia vào. Quá trình này sẽ kéo dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng can đảm”.

Theo Khánh Duy (Đại Đoàn Kết)




http://daidoanket.vn/quoc-te/tuong-lai-am-dam-cua-thoa-thuan-hat-nhan-tintuc452070