Thế giới

Trung Quốc tung 'cỗ máy' thúc đẩy luật an ninh Hong Kong

Các cơ quan tuyên truyền Trung Quốc đang hoạt động tích cực để thể hiện dự luật an ninh quốc gia là cần thiết.

Tác động của luật an ninh mới tới Hong Kong Luật an ninh Hong Kong 'đổ dầu vào lửa' Mỹ - Trung Vì sao Trung Quốc thúc đẩy luật an ninh Hong Kong? Lo ngại luật an ninh 'đánh dấu chấm hết cho Hong Kong'

Dự luật an ninh quốc gia ngày 22/5 được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc, trong đó cấm các hoạt động ly khai và lật đổ, can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố, mặc dù theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.

Trung Quốc tung 'cỗ máy' thúc đẩy luật an ninh Hong Kong
Màn hình ở Bắc Kinh chiếu phiên họp quốc hội Trung Quốc hôm 22/5. Ảnh: Reuters. 

Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hong Kong chỉ trích mạnh mẽ dự luật này, nói rằng nó đi ngược lại mô hình "một quốc gia, hai chế độ", theo đó Bắc Kinh cam kết duy trì các quyền tự do cho thành phố. Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, "gây nguy hiểm cho quyền và tự do" tại đây.

Trong khi đó, đối mặt với những ý kiến này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang thúc đẩy lập luận rằng những người biểu tình Hong Kong là thành phần cực đoan làm việc với nước ngoài để cố gắng lật đổ chính phủ.

Hãng thông tấn chính thức Xinhua gọi Hong Kong là "điểm yếu" trong an ninh quốc gia, nói rằng luật an ninh sẽ cứu Hong Kong khỏi "khủng bố" và "hỗn loạn" từ những người biểu tình "thông đồng với lực lượng nước ngoài để phá hoại đại lục".

"Sự thật cho thấy Hong Kong đã trở thành 'lá bài' cho các thế lực bên ngoài nhằm cản trở sự chấn hưng của Trung Quốc", một bài bình luận của Xinhua có đoạn viết.

Biểu tình bùng phát ở Hong Kong từ năm trước ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu đã rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.

Không có bằng chứng cho thấy người biểu tình Hong Kong làm việc với các nhóm ở nước ngoài. Nhiều người cho biết họ biểu tình vì lo ngại phải chịu sự giám sát của hệ thống pháp lý Trung Quốc đại lục.

Trong khi ngày càng nhiều người ở Trung Quốc ủng hộ quan điểm cần đưa ra luật nghiêm khắc hơn để ngăn chặn người biểu tình cực đoan, các chuyên gia cho rằng lập luận đó khó có thể được đồng tình bên ngoài đất nước.

"Luận điểm cho rằng các cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong do thế lực nước ngoài muốn lật đổ chính phủ gây ra bất hợp lý đến mức nó không thuyết phục được bất cứ ai ở ngoài Trung Quốc", Susan Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 thuộc Đại học California San Diego, nói.

Khi dự luật an ninh Hong Kong thu hút sự chú ý rộng rãi bên ngoài Trung Quốc, truyền thông trong nước tập trung vào ông Tập. Chủ tịch Trung Quốc đang sử dụng kỳ họp quốc hội để thể hiện sức mạnh vào thời điểm Bắc Kinh ngày càng đối mặt nhiều chỉ trích trên trường quốc tế.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV chiếu hình ảnh ông Tập cam kết bảo vệ sức khỏe của công dân Trung Quốc bằng mọi giá trong cuộc chiến chống Covid-19. Mặc dù không đề cập đến vấn đề Hong Kong, ông Tập nhấn mạnh trước các đại biểu trong phiên họp hôm 22/5 rằng hệ thống của Trung Quốc là "hiệu quả nhất" trong bảo vệ lợi ích cơ bản của người dân.

Các trang web Trung Quốc đăng những bài xã luận với giọng điệu gay gắt bảo vệ cách Trung Quốc xử lý tình trạng bất ổn ở Hong Kong. "Đừng đánh giá thấp quyết tâm giải quyết vấn đề Hong Kong của chính quyền trung ương", đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV nói trong một bản tin.

Báo đảng People's Daily đăng một video cho thấy các đại biểu tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vỗ tay ròn rã khi luật an ninh được đệ trình. Video được lồng thêm nhạc kịch tính, cho thấy "quyết tâm duy trì sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong!", People's Daily viết.

Chính phủ Trung Quốc cũng cố gắng hạn chế truyền thông nước ngoài đưa tin về luật an ninh. BBC hôm 22/5 phát bản tin về việc dự luật an ninh được đệ trình tại quốc hội. Stephen McDonell, phóng viên BBC tại Trung Quốc, đăng video trên Twitter cho thấy bản tin của BBC bị chuyển thành màu đen và tắt tiếng khi được phát ở Trung Quốc đại lục. 

Các nhà bình luận ở Trung Quốc đang kịch liệt chỉ trích quan chức Mỹ, khi họ đe dọa có biện pháp đáp trả Bắc Kinh. Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ phản ứng cứng rắn nếu Bắc Kinh ban hành luật an ninh.

Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, nói rằng Trung Quốc cũng sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Mỹ có biện pháp đáp trả. "Hong Kong thuộc về Trung Quốc, chứ không phải Mỹ", ông viết trên Twitter.

Một bài xã luận của Global Times hôm 22/5 viết rằng Trung Quốc có thể chống cự bất kỳ nỗ lực trả đũa nào của Mỹ. "Nếu Mỹ dám chơi thì Trung Quốc cũng không ngần ngại chơi lại", bài xã luận có đoạn viết. Truyền thông Trung Quốc cũng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc. Một số hãng tin đăng hình ảnh những người vẫy cờ Trung Quốc trước các tòa nhà chọc trời Hong Kong.

Trung Quốc và Mỹ đang đấu khẩu về cách Bắc Kinh xử lý Covid-19, vấn đề Hong Kong sẽ càng khoét sâu thêm căng thẳng giữa hai nước. Các quan chức đảng hàng đầu Trung Quốc tin rằng Mỹ và các đồng minh đang cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này.

"Nhiều người ở Trung Quốc đã kết luận rằng mối quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đến mức không thể tệ hơn nữa", Yik Chan Chin, giảng viên viên về truyền thông tại Đại học Tây Giao - Liverpool ở Tô Châu, cho biết. "Cách suy nghĩ này ngày càng trở nên phổ biến. Họ thật sự không bận tâm Tổng thống Mỹ nói gì".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/trung-quoc-tung-co-may-thuc-day-luat-an-ninh-hong-kong-4104550.html