Thế giới >> Biển Đông dậy sóng vì Trung Quốc

Trung Quốc lớn tiếng nói Mỹ 'thổi phồng' vấn đề quân sự hóa Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Mỹ "phớt lờ sự thật", dùng Biển Đông làm cái cớ để rút lại lời mời tập trận.

Trung Quốc lớn tiếng nói Mỹ 'thổi phồng' vấn đề quân sự hóa Biển Đông
Các tàu Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC ngày 13/6/2014. Ảnh: Zuma Press.

"Quyết định của Mỹ không mang tính xây dựng. Đóng lại cánh cửa đối thoại bất cứ lúc nào cũng đều không có ích cho việc thúc đẩy hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ", Reuters dẫn thông báo ngày 24/5 của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.

Bộ này cũng nói thêm rằng Mỹ đã "phớt lờ sự thật và thổi phồng cái gọi là 'quân sự hóa' ở Biển Đông, sử dụng nó như một cái cớ để không mời Trung Quốc tập trận.

Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Christopher Logan tuyên bố rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018 như một "phản ứng ban đầu" trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Đại tá Logan cũng khẳng định Mỹ có "bằng chứng mạnh mẽ về việc Trung Quốc triển khai các tên lửa chống hạm, hệ thống tên lửa phòng không và các thiết bị làm nhiễu điện tử tới những đảo mà nước này bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa", nhấn mạnh việc máy bay ném bom Trung Quốc diễn tập hạ cánh xuống đảo Phú Lâm "cũng làm gia tăng căng thẳng".

Trung Quốc hồi tháng một thông báo đã chấp nhận lời mời tham gia RIMPAC. Đây là cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức hai năm một lần. Cả Mỹ và Trung Quốc đều xem hoạt động này là cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng và giảm thiểu nguy cơ tính toán sai lầm nếu đụng mặt trong những tình huống ít thân thiện.

Trước thông báo của Bộ Quốc phòng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng chỉ trích Mỹ tư duy tiêu cực khi rút lại lời mời, gọi đây là hành động nông nổi, không mang tính xây dựng và không giúp ích gì cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuần trước, Trung Quốc cho một máy bay ném bom tầm xa H-6K thực hành diễn tập hạ cánh và cất cánh tại một đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền này. Lầu Năm Góc lên án đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông và là động thái gây bất ổn khu vực.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)