Thế giới

Trung Quốc hứng thảm họa kép đau đớn: Đang khủng hoảng than thì lũ lụt ập đến làm 'mất' luôn 60 mỏ

Nền kinh tế lớn nhất trong "vành đai rỉ sét" Trung Quốc ngày 11/10 cảnh báo tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ diễn ra tồi tệ hơn.

Reuters cho hay, cuộc khủng hoảng năng lượng hậu đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó nền kinh tế số 2 và nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Trung Quốc dự kiến chịu tác động đến hết năm nay.

Khủng hoảng điện ở đông bắc Trung Quốc trước mùa đông

Các nhà phân tích và thương mại ước tính mức sụt giảm 12% trong tiêu thụ điện công nghiệp vào Quý 4 do tình trạng khan hiếm than được dự báo trong mùa đông.

Tỉnh Liêu Ninh, nền kinh tế lớn nhất trong "vành đai rỉ sét" của Trung Quốc - gồm ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh - ngày 11/10 phát đi cảnh báo cấp 2 lần thứ 5 trong vòng hai tuần về tình trạng thiếu điện, lưu ý rằng mức thiếu hụt điện có thể lên tới gần 5 gigawatts (GW), bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm tăng cường nguồn cung than và quản lý lượng sử dụng điện.

Liêu Ninh đã chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng cắt điện diễn ra từ giữa tháng 9. Cảnh báo mức 2 được hiểu là mức thiếu hụt điện năng khoảng 10-20% so với tổng nhu cầu về điện.

Sự phục hồi các hoạt động kinh tế trên toàn cầu khi các biện pháp hạn chế ngừa Covid-19 được dỡ bỏ dần đã bộc lộ tình trạng thiếu nhiên liệu phát điện ở Trung Quốc và nhiều nước, khiến nhiều ngành công nghiệp và chính quyền xáo trộn khi miền bắc Trung Quốc bước vào mùa đông lạnh giá.

"Lượng thiếu điện lớn nhất có thể đạt 4.74 GW vào ngày 11/10," một văn bản của cơ quan chức năng tỉnh Liêu Ninh cho hay, đồng thời thông báo lệnh cắt giảm sử dụng điện được áp dụng từ 6h sáng ngày 10/10 (theo giờ địa phương).

Trung Quốc hứng thảm họa kép đau đớn: Đang khủng hoảng than thì lũ lụt ập đến làm 'mất' luôn 60 mỏ
Cảnh tối tăm trong một tiệm tạp hóa do cắt giảm tiêu thụ điện ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Tỉnh Liêu Ninh đã phát báo động mức 2 liên tiếp trong ba ngày cuối cùng của tháng 9, khi lượng thiếu điện hàng ngày đạt 5.4GW làm hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện và các nhà máy phải ngừng sản xuất.

Sự sụt giảm sản lượng của các nhà máy điện là hệ quả của nguồn cung thiếu hụt và giá than - khoảng sản dùng để sản xuất hơn 70% lượng điện trong khu vực - tăng cao.

Các trang trại điện gió cũng hoạt động kém hơn do sức gió giảm - theo truyền thông địa phương. Điện gió đóng góp khoảng 8.2% sản lượng điện của Liêu Ninh năm 2020.

Thiên tai "góp lửa" cho khủng hoảng thiếu than

Cuộc khủng hoảng năng lượng, dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu và mất điện ở một số nước, đã làm nổi rõ những khó khăn trong việc giảm phụ thuộc của kinh tế toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh các lãnh đạo thế giới khôi phục nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính nêu trong tuyên bố chung với Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/10 rằng nước này sẽ "quản lý chặt chẽ" các dự án điện than và "hạn chế nghiêm ngặt" sự gia tăng tiêu thụ than đá trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).

Các nhà phân tích của ING ngày 11/10 lưu ý rằng Trung Quốc đang đưa ra các biện pháp để làm dịu thị trường than quốc nội thông qua việc thúc đẩy các mỏ địa phương tăng sản lượng.

Tỉnh Sơn Tây và khu tự trị Nội Mông, hai vùng sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, đã yêu cầu hơn 200 mỏ ở địa phương mở rộng năng suất và ưu tiên cung cấp than cho các nhà máy điện ở vùng đông bắc, bao gồm Liêu Ninh.

Tuy nhiên, khoảng 60 mỏ than ở tỉnh Sơn Tây đã phải đóng cửa và một số tuyến đường sắt bị gián đoạn từ hôm 8/10 do mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng. Chính quyền Sơn Tây không tiết lộ số mỏ than này chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong sản lượng than.

Trung Quốc hứng thảm họa kép đau đớn: Đang khủng hoảng than thì lũ lụt ập đến làm 'mất' luôn 60 mỏ - 1
Cây cầu hư hỏng do lũ lụt ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, được sửa chữa hôm 7/10/2021 (Ảnh: Getty Images)

Dự báo u ám cho Trung Quốc

Trong khi đó, giá than cao tiếp tục gây áp lực cho các công ty. Các nhà phân tích của Citi cho biết hơn 70% nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc đang thua lỗ vì chi phí than cao.

Một báo cáo của Moody's nêu, "Cắt giảm điện ở Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng kinh tế và thêm gánh nặng cho tăng trưởng GDP trong năm 2022. Những rủi ro với dự báo GDP có thể lớn hơn khi gián đoạn với chuỗi cung ứng và sản xuất tiếp diễn."

Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước (NDRC), cơ quan hoạch định của Trung Quốc, ngày 11/10 cho biết đã thúc giục các công ty năng lượng tăng cường dự trữ than. Bắc Kinh sẽ đưa ra thông tin mới về thuế đối với nhiệt điện than vào hôm nay, 12/10.

Hồi tuần trước, Trung Quốc nói sẽ cho phép giá nhiệt điện than dao động đến 20% so với mức sàn, thay vì 10-15% như trước đó.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/trung-quoc-hung-tham-hoa-kep-dau-don-dang-khung-hoang-than-thi-lu-lut-ap-den-lam-mat-luon-60-mo-161211210105702721.htm