Thế giới

Trung Quốc gấp rút hoàn thiện tàu sân bay thứ 3

Thân tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đã hình thành ở nhà máy đóng tàu Giang Nam - bước tiến mới trong tham vọng cạnh tranh với Hải quân Mỹ.

Hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố cho thấy các khối thân tàu đang được lắp ráp tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải, Trung Quốc. Nó có thể được hạ thủy vào tháng tới, để bước vào quá trình chế tạo tiếp theo, Washington Post cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Trung Quốc hôm 13/9 nhận định với Hoàn Cầu thời báo rằng thời điểm hạ thủy cần được quyết định dựa trên quá trình đóng tàu thực tế và ông cho rằng rất có khả năng tàu sẽ được hạ thủy vào năm 2021, nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch.

Con tàu sẽ là tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, nhưng là hàng không mẫu hạm đầu tiên được trang bị công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, nó sử dụng phương pháp đóng tàu tiên tiến hơn là các bộ phận thân lớn được đóng ở nhiều nơi khác nhau rồi được chuyển tới nơi lắp ráp cuối cùng để lắp ráp thân tàu hoàn chỉnh.

Trung Quốc gấp rút hoàn thiện tàu sân bay thứ 3
Ảnh vệ tinh cho thấy khu vực đóng tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc. Ảnh: CSIS.

Hai tàu sân bay hiện có của Trung Quốc đều dựa trên thiết kế lỗi thời của Liên Xô. Dựa vào hình ảnh, các chuyên gia nhận định con tàu dài khoảng 300 m, rộng khoảng 39 m ở mặt nước.

Trung Quốc gấp rút hoàn thiện tàu sân bay thứ 3 - 1
Các khối thân tàu sân bay thứ 3 đang được lắp ráp lại với nhau ở ụ tàu khô. Ảnh: CSIS/Planet Labs.

Theo Matthew Funaiol, chuyên gia về Trung Quốc của CSIS, chưa rõ tàu sân bay mới có được trang bị máy phóng điện từ để giúp tiêm kích cất cánh hiệu quả hay không. USS Gerald R. Ford của Mỹ, hoạt động từ năm 2017, là tàu sân bay đầu tiên được trang bị máy phóng điện từ thay thế cho máy phóng hơi nước truyền thống.

Trung Quốc gấp rút hoàn thiện tàu sân bay thứ 3 - 2
Nhà máy đóng tàu Giang Nam đang mở rộng lưu vực dành cho các tàu quân sự cỡ lớn. Ảnh: CSIS/Maxar/Planet Labs.

Hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông đều đang áp dụng cơ chế cầu nhảy, với phần mũi tàu cong lên giúp tiêm kích tạo đà để cất cánh. Hạn chế của thiết kế này là không hỗ trợ các tiêm kích hạng nặng mang đầy đủ nhiên liệu và vũ khí, khiến chiến đấu cơ trên hạm bị hạn chế tầm hoạt động và khả năng tấn công.

Hồi tháng trước, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đang tăng tốc thực hiện tham vọng có ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân trong thập niên tới, nhưng giới quan sát cho rằng Trung Quốc còn mất nhiều thời gian huấn luyện nhân sự cần có để hiện thực hóa tham vọng.

Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)