Thế giới

Trung Quốc đưa nữ phi hành gia đầu tiên lên xây trạm vũ trụ

Rạng sáng 16/10, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu 13 đưa 3 phi hành gia, trong đó có một phụ nữ, vào không gian để tham gia quá trình xây dựng trạm vũ trụ của nước này.

Trung Quốc đưa nữ phi hành gia đầu tiên lên xây trạm vũ trụ
Tên lửa đẩy Trường Chinh - 2F rời bệ phóng rạng sáng 16/10. Ảnh: Reuters

Tên lửa đẩy Trường Chinh - 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu 13 đã rời bệ phóng của Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc lúc 0h23 ngày 16/10.

Theo Reuters, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung hồi tháng 4, khi cho phóng module Thiên Hòa, chiếc đầu tiên và cũng là lớn nhất trong 3 module của trạm, vào không gian. Với kích thước nhỉnh hơn một chiếc xe buýt thành phố đôi chút, Thiên Hòa sẽ là không gian sống của các phi hành gia làm việc trên trạm vũ trụ khi hoàn thành.

Thần Châu 13 là sứ mệnh có người lái thứ 2 trong tổng số 4 sứ mệnh đưa người lên không gian nhằm hoàn tất việc xây dựng trạm Thiên Cung vào cuối năm 2022. Trong sứ mệnh đầu tiên kết thúc vào tháng 9, ba phi hành gia đã lưu lại module Thiên Hòa trong 90 ngày.

Trung Quốc đưa nữ phi hành gia đầu tiên lên xây trạm vũ trụ - 1
Nữ phi hành gia Vương Á Bình (giữa) tham gia sứ mệnh Thần Châu 13. Ảnh: Xinhua

Trong sứ mệnh mới nhất, các phi hành gia sẽ sống và làm việc tại module Thiên Hòa trong 6 tháng, sứ mệnh dài ngày nhất trong không gian từ trước tới nay của các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc. Họ dự kiến sẽ thực hiện thử nghiệm các công nghệ trọng yếu và tính năng robot học cần thiết để lắp ráp trạm vũ trụ, xác thực các hệ thống hỗ trợ sự sống trên đó cũng như tiến hành một loạt thí nghiệm khoa học khác.

Chỉ huy sứ mệnh lần này là Trác Chí Cương, 55 tuổi, người thực hiện cuộc đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Trung Quốc trong sứ mệnh thám hiểm của tàu Thần Châu 7 năm 2008. Hai thành viên còn lại của phi hành đoàn là Diệp Quang Phú, 41 tuổi, người lần đầu tiên bay vào vũ trụ và Vương Á Bình, 41 tuổi, nữ phi hành gia đã bay vào không gian lần đầu năm 2013 nhưng chưa từng tham gia sứ mệnh xây trạm vũ trụ trước đây. 

Sau khi phi hành đoàn Thần Châu 13 trở về Trái đất vào tháng 4 năm sau, Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai thêm 6 sứ mệnh, bao gồm các chuyến vận chuyển module thứ 2 và module thứ 3 để lắp ghép trạm vũ trụ và hai sứ mệnh có người lái cuối cùng.

Do bị luật pháp Mỹ cấm hợp tác với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và mở rộng phạm vi hoạt động trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), Trung Quốc đã dành một thập kỷ qua để phát triển các công nghệ xây dựng trạm không gian của riêng nước này. Với việc ISS sẽ ngừng hoạt động trong vài năm tới, Thiên Cung của Trung Quốc sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo Trái đất.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/trung-quoc-dua-nu-phi-hanh-gia-dau-tien-len-xay-tram-vu-tru-783397.html