Thế giới

Trung Quốc đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương?

Hải quân Trung Quốc giờ đây là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và Bắc Kinh được cho là đã thay đổi cán cân quân sự ở châu Á theo những cách mà Mỹ chỉ mới bắt đầu nhận ra.

Hồi tháng 4, nhân kỷ niệm 69 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, tàu sân bay nội địa đầu tiên do nước này chế tạo xuất phát từ bến cảng tại thành phố Đại Liên nằm bên bờ biển Bột Hải để thử nghiệm khả năng hàng hải.

"Hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc mới chỉ di chuyển một chút mà đã làm cho Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cảm thấy lúng túng", một trang web tin tức quân sự viết, đề cập đến ba quốc gia mà Trung Quốc xem là đối thủ chính của họ.

Trước đó không lâu, những lời lẽ kiêu căng như vậy sẽ bị xem là hành động làm ra vẻ táo bạo của một quân đội hạng hai. Giờ điều đó đã thay đổi.

Chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, tập trung vào lực lượng hải quân và tên lửa, đã dịch chuyển cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương theo cách mà Mỹ và các đồng minh chỉ mới nhận ra.

Dù Trung Quốc đi sau trong việc triển khai sức mạnh trên quy mô toàn cầu, giờ đây nước này có thể thách thức ưu thế quân sự của Mỹ ở những nơi quan trọng nhất: vùng biển quanh đảo Đài Loan và Biển Đông.

Điều đó có nghĩa là một khu vực ngày càng lớn của Thái Bình Dương - nơi Mỹ đã hoạt động mà không gặp bất kỳ thách thức nào kể từ Thế chiến II - một lần nữa trở thành khu vực tranh chấp, với các tàu chiến và máy bay Trung Quốc thường xuyên đụng độ với Mỹ và các đồng minh.

Trung Quốc đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương?
Tàu sân bay Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, chạy trên biển hồi tháng 4.

Hải quân lớn nhất thế giới

Theo các quan chức và nhà phân tích theo dõi sự phát triển quân sự của Trung Quốc, để chiếm ưu thế ở các vùng biển này, Trung Quốc không cần đến quân đội có thể đánh bại Mỹ hoàn toàn mà đơn thuần là một lực lượng có thể khiến việc can thiệp vào khu vực trở nên quá đắt giá khiến Washington không thể dự liệu. Nhiều nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu đó.

Để làm như vậy, Trung Quốc đã phát triển khả năng "chống tiếp cận" sử dụng radar, vệ tinh và tên lửa để vô hiệu hóa lợi thế quyết định mà các nhóm tấn công tàu sân bay uy lực của Mỹ có được. Trung Quốc cũng nhanh chóng mở rộng lực lượng hải quân với mục tiêu trở thành hải quân "biển xanh" cho phép nước này bảo vệ những lợi ích ngày càng gia tăng ở các vùng biển cách xa lãnh thổ.

"Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống không chiến tranh với Mỹ", chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương thuộc quân đội Mỹ, đô đốc Philip S. Davidson, thừa nhận trong phát biểu bằng văn bản được đệ trình lên Thượng viện trong quá trình phê chuẩn vị trí của ông hồi tháng 3.

Ông mô tả Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh ngang hàng" đang tiến gần đến Mỹ không phải bằng cách cạnh tranh vũ khí mà bằng cách phát triển những "năng lực bất đối xứng" quan trọng, bao gồm với tên lửa chống hạm và trong chiến tranh tàu ngầm. "Không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ giành được phần thắng nếu xung đột với Trung Quốc trong tương lai", ông kết luận.

Năm ngoái, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, có nhiều tàu chiến và tàu ngầm hơn cả Mỹ, và Trung Quốc tiếp tục đóng các tàu mới với tốc độ đáng kinh ngạc. Mặc dù hạm đội của Mỹ vẫn có chất lượng vượt trội, tốc độ mở rộng lại kém hơn rất nhiều.

"Nhiệm vụ xây dựng một hải quân hùng mạnh chưa bao giờ khẩn cấp như hiện nay", Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố khi ông chủ trì sự kiện mở màn cho cuộc tập trận với sự tham gia của 48 tàu nổi và tàu ngầm ngoài khơi đảo Hải Nam của Trung Quốc hồi tháng 4. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ là lực lượng lớn nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.

Ngay cả khi Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, các tàu chiến và máy bay của Trung Quốc đã tăng cường hoạt động trên vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, Đài Loan và các đảo, bãi cạn và rạn san hô mà nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Khi hai tàu chiến Mỹ - khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam, đi vào vùng 12 hải lý xung quanh một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 5, các tàu Trung Quốc đã nhanh chóng thách thức những gì mà Bắc Kinh sau đó lên án là "hành động khiêu khích". Trung Quốc đã làm tương tự với ba tàu của Australia đi qua Biển Đông hồi tháng 4.

Chỉ ba năm trước, ông Tập đứng bên cạnh Tổng thống Barack Obama trong Vườn Hồng Nhà Trắng, cam kết sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các quan chức Trung Quốc sau đó đã thừa nhận việc triển khai tên lửa tại đây, nhưng cho rằng việc này là cần thiết vì Mỹ "xâm nhập" vùng biển của Trung Quốc.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến thăm Bắc Kinh vào tháng 6, ông Tập thẳng thừng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ "dù chỉ một tấc" lãnh thổ mà họ tuyên bố là của mình.

Trung Quốc đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương? - 1
Tên lửa đạn đạo tấn công tàu trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: Pool/Andy Wong.

"Chống tiếp cận/chống xâm nhập"

Việc mở rộng hải quân của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2000 nhưng nhanh chóng tăng tốc sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2013. Ông chuyển trọng tâm quân đội sang hải quân cũng như không quân và tên lửa chiến lược, cùng lúc trừng phạt các tướng lĩnh bị cáo buộc tham nhũng và cắt giảm các lực lượng trên bộ truyền thống.

Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã thực sự thu nhỏ để giải phóng nguồn lực cho một lực lượng chiến đấu hiện đại hơn. Kể từ năm 2015, PLA đã cắt giảm 300.000 binh lính và sĩ quan trong biên chế, đưa quân đội về mức 2 triệu nhân sự, so với 1,4 triệu của Mỹ.

Dù mọi thành phần trong lực lượng vũ trang Trung Quốc đều thua Mỹ về sức mạnh và kinh nghiệm, Trung Quốc đã đạt được những thành quả đáng kể về vũ khí bất đối xứng để triệt phá lợi thế của Mỹ. Một trọng tâm là những gì mà các nhà hoạch định quân sự Mỹ gọi là A2/AD, tức "chống tiếp cận/chống xâm nhập", hoặc như Trung Quốc gọi là "chống can thiệp".

Một trung tâm của chiến lược này là kho tên lửa đạn đạo tốc độ cao được thiết kế để tấn công các tàu đang di chuyển. Các phiên bản mới nhất, bao gồm DF-21D, và từ năm 2016 là DF-26, thường được gọi là "sát thủ tàu sân bay" vì chúng có thể đe dọa các tàu mạnh nhất trong hạm đội của Mỹ trước khi các tàu này tiến đến gần Trung Quốc.

DF-26, xuất hiện lần đầu trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào năm 2015 và được thử nghiệm ở biển Bột Hải năm ngoái, có phạm vi cho phép nó đe dọa các tàu và căn cứ xa như đảo Guam, theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc, công bố trong tháng này. Những tên lửa này hầu như không thể phát hiện và ngăn chặn, và được điều khiển nhằm vào mục tiêu di chuyển bởi một mạng lưới radar và vệ tinh ngày càng tinh vi của Trung Quốc.

Hồi tháng 4, Trung Quốc tuyên bố DF-26 đã đi vào hoạt động. Truyền hình nhà nước cho thấy các bệ phóng tên lửa mang theo 22 quả DF-26, mặc dù số lượng được triển khai hiện nay vẫn chưa rõ. Theo các bản tin, một lữ đoàn được trang bị tên lửa này có trụ sở tại tỉnh Hà Nam, ở miền Trung Trung Quốc.

Những tên lửa này đặt ra thách thức đặc biệt đối với các chỉ huy quân đội Mỹ bởi vì việc vô hiệu hóa chúng có thể cần đến một cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc, và đó sẽ là sự leo thang nghiêm trọng.

Văn phòng Nghiên cứu Quốc hội cảnh báo trong một báo cáo vào tháng 5 rằng Hải quân Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với một mối đe dọa như vậy trước đó, nói thêm rằng một số nhà phân tích xem các tên lửa là nhân tố làm "thay đổi cuộc chơi".

Số lượng "sát thủ tàu sân bay" đã được bổ sung với việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở Biển Đông năm nay. Số vũ khí này bao gồm tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B mới, với tầm bắn vươn đến hầu hết vùng biển giữa Philippines và Việt Nam.

Dù chiến tranh toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ dường như không thể xảy ra, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị cho "một cuộc xung đột quân sự hạn chế từ biển", theo một bài viết trên tạp chí Khoa học Chiến lược Quân sự vào năm 2013.

Lyle Morris, nhà phân tích của tổ chức RAND Corporation, nói rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa "sẽ làm thay đổi đáng kể cách quân đội Mỹ hoạt động" ở châu Á và Thái Bình Dương.

Ông cho rằng phản ứng tốt nhất của Mỹ sẽ là "tìm các phương pháp mới và sáng tạo" trong việc triển khai tàu ngoài phạm vi của họ. Tuy nhiên, với tầm bắn dài hơn của tên lửa đạn đạo, điều này là không thể "trong hầu hết tình huống bất ngờ" mà Hải quân Mỹ có thể sẽ phải đối mặt ở châu Á.

Trung Quốc đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương? - 2
Lính Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ảnh: Reuters.

Tham vọng "biển xanh"

Tàu sân bay được đưa ra biển hồi tháng 4 để chạy thử là tàu thứ hai của Trung Quốc, nhưng là tàu đầu tiên được chế tạo hoàn toàn trong nước. Đây là biểu hiện nổi bật nhất của một dự án hiện đại hóa nhằm đưa Trung Quốc lên hàng trên trong các cường quốc quân sự. Chỉ có Mỹ, với 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, đang vận hành nhiều hơn một tàu.

Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được đóng tại một cảng gần Thượng Hải. Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ đóng năm hoặc 6 tàu sân bay.

Quân đội Trung Quốc, theo truyền thống tập trung đẩy lùi xâm lược trên bộ, ngày càng hướng đến việc thể hiện sức mạnh ở các vùng "biển xanh" của thế giới để bảo vệ lợi ích kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương.

Các tàu sân bay thu hút sự chú ý nhất nhưng sự phát triển của hải quân Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều. Hải quân Trung Quốc - tên chính thức là Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân - đã đóng hơn 100 tàu chiến và tàu ngầm chỉ trong thập kỷ qua, vượt qua nhiều đội tàu hải quân của các quốc gia trên thế giới.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng giới thiệu tàu đầu tiên thuộc lớp tàu tuần dương hạng nặng thế hệ mới - còn gọi là "siêu khu trục hạm" - mà theo Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ, "có thể so sánh được với nhiều tàu chiến phương Tây hiện đại nhất". Truyền thông nhà nước cho hay thêm 2 tàu nữa được đưa ra từ Đại Liên hồi tháng 7.

Năm ngoái, Trung Quốc có 317 tàu chiến và tàu ngầm đang hoạt động, so với 283 tàu của Hải quân Mỹ, lực lượng về cơ bản là không có đối thủ trên các vùng biển kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Không giống như Liên Xô tiêu hao ngân khố của mình trong cuộc chạy đua vũ tranh thời Chiến tranh Lạnh, chi tiêu quân sự ở Trung Quốc là tỷ lệ phần trăm GDP có thể quản lý được của một nền kinh tế đang phát triển. Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh hiện đứng thứ hai chỉ sau Mỹ: khoảng từ 228 tỷ đến 610 tỷ USD, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Gốc rễ của việc Trung Quốc tập trung vào sức mạnh biển và chiến lược "chống xâm nhập" có thể xuất phát từ những gì mà nhiều người Trung Quốc coi là sự sỉ nhục vào năm 1995 và 1996. Khi Đài Loan chuyển sang tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, Trung Quốc đã bắn tên lửa gần đảo, khiến Tổng thống Bill Clinton điều hai tàu sân bay đến khu vực.

"Chúng ta đã tránh xa biển, xem nó như một cái hào nước, một hồ nhỏ vui vẻ với Trung Quốc", nhà phân tích hải quân Trần Quốc Cường viết trên tờ báo chính thức của Hải quân Trung Quốc gần đây. "Vì vậy, chúng ta không chỉ mất tất cả lợi thế trên biển mà lãnh thổ của chúng ta đã trở thành con mồi của các đế quốc".

Từ đó, sự phát triển của hải quân Trung Quốc rất đáng chú ý. Năm 1995, Trung Quốc chỉ có ba tàu ngầm. Hiện nước này có gần 60 với kế hoạch tăng lên gần 80 tàu, theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ tháng trước.

Trung Quốc đã mua hoặc tiếp nhận công nghệ từ phần còn lại của thế giới, một số trường hợp là bất hợp pháp. Đa số phần cứng quân sự của Trung Quốc có nguồn gốc từ Liên Xô hoặc dựa trên các thiết kế cũ thời Liên Xô, nhưng với mỗi làn sóng sản xuất mới, Trung Quốc lại đang triển khai nhiều khả năng tiên tiến hơn.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc ban đầu được Liên Xô hạ thủy vào năm 1988 nhưng không hề được sử dụng cho đến khi Liên Xô tan rã 3 năm sau. Ukraine đã bán nó với giá 20 triệu USD cho một nhà đầu tư Trung Quốc, người tuyên bố con tàu sẽ trở thành một sòng bạc nổi, dù thực ra người này thay mặt cho Bắc Kinh giao dịch. Trung Quốc đã tân trang lại tàu và đặt tên là Liêu Ninh.

Tàu sân bay thứ hai - chưa được đặt tên - phần lớn dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, nhưng được cho là có công nghệ cải tiến. Hồi tháng 2, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc tiết lộ rằng họ có kế hoạch đóng các tàu sân bay hạt nhân, có khả năng duy trì hoạt động lớn hơn nhiều so với những tàu cần phải dừng để tiếp nhiên liệu.

Quân đội Trung Quốc cũng gặp nhiều vấn đề đau đầu. Hai trong số đó là nạn tham nhũng mà ông Tập đã cam kết sẽ quét sạch và việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Là một lực lượng chiến đấu, họ vẫn chưa được kiểm chứng qua thực chiến.

Hồi tháng 1, Bắc Kinh muối mặt khi một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất của Trung Quốc bị phát hiện khi ở gần quần đảo tranh chấp được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc. Tàu ngầm tấn công đáng lẽ không bao giờ để bị phát hiện.

Tàu sân bay thứ hai dường như cũng có một số trục trặc. Chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên được công bố vào tháng 4 và sau đó bị trì hoãn mà không có lời giải thích. Không lâu sau khi các cuộc thử nghiệm diễn ra vào tháng 5, tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc bị điều tra vì "vi phạm luật pháp và kỷ luật nghiêm trọng", Tân Hoa Xã đưa tin, mà không nói chi tiết.

Trung Quốc đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương? - 3
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa phi pháp. Ảnh: DigitalGlobe/Getty.

Bảo vệ các tuyên bố chủ quyền

Tuy nhiên, những tiến bộ quân sự của Trung Quốc vẫn khiến giới lãnh đạo đất nước ngày càng táo bạo.

Truyền thông nhà nước tuyên bố tàu sân bay Liêu Ninh "đã sẵn sàng chiến đấu" trong mùa hè sau khi nó di chuyển cùng sáu tàu chiến khác qua eo biển Miyako chia tách quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và tiến hành các hoạt động bay đầu tiên ở Thái Bình Dương.

Nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh giờ đây thường xuyên đi vòng quanh Đài Loan. Máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Trung Quốc cũng vậy.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới của Trung Quốc đã thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đầu tiên trên biển vào tháng 5, trong khi máy bay ném bom chiến lược H-6 lần đầu tiên hạ cánh trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Từ sân bay ở đó hoặc từ các sân bay ở quần đảo Trường Sa, oanh tạc cơ này có thể tấn công tất cả các nước Đông Nam Á.

Báo cáo của Lầu Năm Góc gần đây lưu ý rằng các chuyến bay của H-6 ở Thái Bình Dương được tiến hành với mục đích chứng minh khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí xa như đảo Guam.

"Cạnh tranh là cách nhìn của người Mỹ", Li Jie, một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói. "Trung Quốc chỉ đơn giản là bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Thái Bình Dương".

Và lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng.

Năm 2017, Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, thuộc vùng Sừng Châu Phi, nói rằng căn cứ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ sứ mệnh của Bắc Kinh trong các cuộc tuần tra đa quốc gia chống cướp biển ngoài khơi Somalia.

Giờ đây, Bắc Kinh dường như đang lên kế hoạch giành quyền tiếp cận một mạng lưới cảng và căn cứ trên khắp Ấn Độ Dương. Theo một báo cáo mới của C4ADS, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, các dự án này đã đặt nền tảng cho một chuỗi thỏa thuận tiếp nhiên liệu và tiếp tế, sẽ "tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hải quân tầm xa của Bắc Kinh".

"Ví dụ, chẳng bao lâu nữa họ sẽ có thể cử một đội tàu đến một nơi nào đó, như là ở châu Phi, và có mọi khả năng hạ cánh để bảo vệ tài sản của Trung Quốc", Vassily Kashin, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Moscow, nói.

Nhu cầu này càng trở nên rõ ràng vào năm 2015 khi các tàu chiến Trung Quốc sơ tán 629 người Trung Quốc và 279 người nước ngoài khỏi Yemen khi cuộc nội chiến ở đất nước nổ ra tại Aden, một thành phố cảng phía nam.

Một trong những tàu khu trục nhỏ tham gia giải cứu, Lâm Nghi, đã được khắc họa trong bộ phim bom tấn về đề tài lòng yêu nước, "Chiến dịch Biển Đỏ".

"Người Trung Quốc sẽ có mặt nhiều hơn", ông Kashin nói thêm, "và mọi người phải làm quen với điều đó".

Trung Quốc đã đủ mạnh để thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương? - 4
Chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh ở biển Hoa Đông hồi tháng 4.

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)