Thế giới

Trump có được phép tiết lộ thông tin mật hay không?

Tổng thống Mỹ có quyền đơn phương chia sẻ thông tin tình báo tuy nhiên ông Trump có thể đối mặt với những rủi ro khi làm vậy. 

Tổng thống Mỹ có quyền đơn phương chia sẻ thông tin tình báo tuy nhiên ông Trump có thể đối mặt với những rủi ro khi làm vậy. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng. 

Mỹ đang trong cuộc tranh luận về việc Trump bị tố tiết lộ thông tin mật với các nhà ngoại giao cấp cao Nga. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích pháp lý và chuyên gia bảo mật, tổng thống Mỹ có quyền tiết lộ thông tin mật.

Mọi nhân viên chính phủ khác có thể bị buộc tội hình sự nếu tiết lộ thông tin mật mà không có sự cho phép trước. Trong khi đó, tổng thống Mỹ có quyền đơn phương tiết lộ bất cứ tài liệu nào, ngay cả những thông tin bí mật nhất, mà không phải đi qua bất cứ thủ tục chính thức nào, theo USA Today.

Tuy nhiên, quyết định của Trump là chia sẻ thông tin nhạy cảm trong một cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga Sergey Kislyak tại Nhà Trắng có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Mark Zaid, luật sư chuyên về an ninh quốc gia, vấn đề nghiêm trọng nhất là viễn cảnh các đồng minh sẽ mất niềm tin vào khả năng giữ bí mật của Washington và không còn chia sẻ thông tin giá trị với Mỹ.

"Nếu các đồng minh thân cận của chúng ta từ chối chia sẻ thông tin, đó sẽ là kết quả tồi tệ nhất có thể tưởng tượng được", Zaid nói.

Trump cho biết cuộc gặp với ngoại trưởng Nga "rất tốt"

Theo Washington Post, trong cuộc họp, Trump đã mô tả chi tiết với phía Nga cách Nhà nước Hồi giáo (IS) muốn biến máy tính xách tay thành bom trên các chuyến bay. Thông tin ông Trump chia sẻ với Nga được một đối tác Mỹ cung cấp theo các điều khoản của thỏa thuận chia sẻ thông tin. Danh tính của quốc gia cung cấp thông tin không được tiết lộ trong bài báo.

Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, nói: "Tổng thống có quyền giải mật các thông tin tình báo của chúng ta, nhưng ông ấy không có thẩm quyền đơn phương giải mật thông tin tình báo do các nước khác cung cấp".

Theo Zaid, mặc dù việc vi phạm thoả thuận chia sẻ thông tin không phải là hành vi phạm tội, nước vi phạm có thể hứng chịu lệnh trừng phạt từ các quốc gia, bao gồm việc hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận chia sẻ thông tin. Nếu như vậy, Mỹ có thể không được tiếp cận một loạt thông tin quan trọng, từ thông tin tình báo về các âm mưu khủng bố cho đến nơi ở của tội phạm mạng.

Ngoài ra, Trump có thể phải đối mặt với một số hậu quả cá nhân.

Theo Steven Aftergood, giám đốc của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu về Bảo mật của Chính phủ, các nghị sĩ có thể tìm cách luận tội Trump nếu họ cho rằng hành động của tổng thống là liều lĩnh. "Hành vi của ông ấy không phải là một câu hỏi cho Bộ Tư pháp Mỹ, đó là câu hỏi cho quốc hội Mỹ", Aftergood nói.

Theo phân tích năm 2013 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, cách giải quyết đối với những vấn đề như vậy có những khác biệt đáng kể tùy từng chính quyền.

"Các quy tắc về cách bảo vệ bí mật của quốc gia một cách tốt nhất, trong khi vẫn đảm bảo rằng công chúng Mỹ có thể tiếp cận thông tin về hoạt động của chính phủ đã có những thay đổi theo từng chính quyền ở Washington", báo cáo của CRS có đoạn viết.

"Trong 50 năm qua, ngoại trừ chính quyền Kennedy, mỗi khi một đảng giành lại quyền kiểm soát nhánh hành pháp, sắc lệnh mới về bảo mật thông tin sẽ được đưa ra. Sắc lệnh của các đời chính quyền có sự khác biệt với nhau, thậm chí đảo ngược hoàn toàn chính sách của chính quyền trước đó".

Tuy nhiên, ít hành động của chính quyền nào tạo ra phản ứng mạnh mẽ như vụ việc của Trump trong tuần này với người Nga.

"Nếu việc đó là đúng thì đây là một cái tát vào mặt cộng đồng tình báo", Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói. "Những rủi ro là không bào chữa được, đặc biệt là khi vụ việc liên quan tới người Nga''.

Theo P.Vũ (VnExpress.net)