Thế giới

Tranh cãi nảy lửa vì Scotland đòi trưng cầu dân ý tách khỏi Anh

Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon sau khi bà Sturgeon kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland tách khỏi Anh, cùng ngày quốc hội Anh thông qua dự luật rời EU (Brexit).

Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon sau khi bà Sturgeon kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland tách khỏi Anh, cùng ngày quốc hội Anh thông qua dự luật rời EU (Brexit).

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP), ngày 13/3 đã gây bất ngờ khi tuyên bố kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc Scotland độc lập khỏi Anh, trước khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Vào năm 2014, Scotland cũng đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự, với đa số phiếu phản đối.

Bà Sturgeon cho rằng mọi thứ đã thay đổi kể từ cuộc trưng cầu dân ý trước, và rằng người Scotland xứng đáng có một “cơ hội thực sự” về chuyện đi hay ở lại Anh. Theo đó, bà muốn Scotland tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần hai vào mùa thu năm 2018 hoặc mùa xuân năm 2019.

Tuyên bố của bà Sturgeon được đưa ra cùng ngày với việc quốc hội Anh thông qua dự luật Brexit cho phép chính phủ Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán chính thức kéo dài hai năm về việc rời khỏi EU.

Thủ tướng Anh Theresa May đã lên tiếng phản đối thời gian biểu của bà Sturgeon về một cuộc trưng cầu dân ý lần hai, cáo buộc lãnh đạo SNP là có “tầm nhìn hạn chế”. Bà May còn “tố” Thủ hiến Scotland là “chơi con bài chính trị với tương lai của đất nước”.

Bà Sturgeon đã ngay lập tức đáp trả bằng một các bình luận trên mạng xã hội Twitter. Trong một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai bên, lãnh đạo SNP đã giễu cợt Thủ tướng Anh là “không được ai bầu”.

Trì hoãn trưng cầu?

Phát biểu trong một cuộc họp nội các ngày 14/3, Thủ hiến Sturgeon cho hay kế hoạch về một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 “phải được thực hiện tại Scotland”, do quốc hội Scotland phác thảo.

“Nên để quốc hội Scotland quyết định về thời gian, quyền đi bầu và câu hỏi của cuộc trưng cầu dân ý. Không nên có các điều kiện gắn kèm, không có các cơ chế ngăn chặn và không có mệnh lệnh của phố Downing. Cuộc trưng cầu của Scotland phải được thực hiện tại Scotland”, bà Sturgeon nói.

Thủ tướng May được cho là đang cân nhắc cách thức phản hồi đối với đề nghị trưng cầu dân ý của Scotland. Có các đồn đoán rằng bà sẽ tìm cách trì hoãn cuộc trưng cầu cho tới khi tiến trình Anh rời EU hoàn tất trong 2 năm.

Điều đó sẽ cho phép chính phủ Anh tránh phải đối mặt với 2 “mặt trận” cùng lúc - đàm phán về một thỏa thuận với EU và một cuộc vận động trưng cầu dân ý của Scotland.

Các cuộc đàm phán chính thức về thời điểm tổ chức bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào sẽ không bắt đầu cho tới khi quốc hội Scotland bỏ phiếu về việc đề nghị chính phủ Anh kích hoạt điều 30 Đạo luật Scotland 1998. Trình tự này là cần thiết để đảm bảo rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý là ràng buộc về mặt pháp lý.

Thủ hiến Sturgeon sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội Scotland cho kế hoạch trưng cầu dân ý ở vào cuối cuộc thảo luận tại quốc hội Scotland vào tuần tới.

Chính phủ Scotland cho biết có thể cho phép các nghị sĩ thảo luận về vấn đề trên vào ngày thứ Ba và thứ Tư trước khi đưa ra bỏ phiếu. Bà Sturgeon muốn quốc hội trao cho bà quyền để đề nghị quốc hội Anh cho phép tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần hai.

Theo An Bình (Dân Trí)