Thế giới

Trăn khổng lồ nuốt chửng gã đàn ông say rượu rồi bò sang nước khác tấn công người, sự thật về 'kẻ sát nhân hàng loạt' này là gì?

Bài đăng này sau khi được đăng tải lên mạng xã hội vào tháng 11/2013 đã nhanh chóng trở nên viral, thu hút sự chú ý của đông đảo dân mạng.

Vào tháng 11/2013, mạng xã hội thế giới xôn xao với bài đăng của người dùng Twitter sở hữu tài khoản @mvnair212 nói về một người đàn ông say xỉn ở Attapady, Kerala, Ấn Độ, bị con trăn khổng lồ nuốt chửng khi đang nằm ngủ bên cạnh một cửa hàng bán rượu. Bài đăng kèm với bức ảnh ấn tượng cho thấy con vật khổng lồ nằm nghỉ mệt sau khi xơi tái con mồi ngon, lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo dân mạng.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi nuốt chửng người đàn ông say rượu ở Ấn Độ, con trăn được cho là bò sang Trung Quốc để tấn công một người khác, rồi lại đến Nam Phi để "xơi" một người phụ nữ. 

Trăn khổng lồ nuốt chửng gã đàn ông say rượu rồi bò sang nước khác tấn công người, sự thật về 'kẻ sát nhân hàng loạt' này là gì?

Trăn khổng lồ nuốt chửng gã đàn ông say rượu rồi bò sang nước khác tấn công người, sự thật về 'kẻ sát nhân hàng loạt' này là gì? - 1

Nhiều người thì tin sái cổ đoạn tin tức ngắn gọn này nhưng số khác thì bày tỏ sự nghi ngờ. Bằng chứng là đã có không ít người tìm kiếm tin tức này trên Google để xem liệu nó có thật sự xảy ra ở Ấn Độ hay chỉ là "tin vịt".

Thế là sau đó, Hoax-Slayer, trang tin chuyên phân tích tính xác thực của các câu chuyện được thành lập vào năm 2003, đã vào cuộc điều tra. Họ phát hiện rằng con trăn được mệnh danh là "kẻ giết người hàng loạt" trong ảnh không phải đến từ Ấn Độ mà dường như nó có "quốc tịch" Indonesia.

"Bức ảnh này từng được đăng tải ít nhất là từ tháng 9/2012. Linda Laina Nyatoro đăng bức ảnh này lên trang Facebook cá nhân vào tháng 6/2013 nhưng cô nói trong phần bình luận rằng bản thân không trực tiếp chứng kiến vụ tấn công. Những phiên bản khác của câu chuyện nói rằng con trăn trong ảnh đã nuốt chửng một người đàn ông say rượu nằm ngủ trên đường hay con vật đã tấn công một người đàn ông ở Jakarta, Indonesia, sau khi nơi đây bị lũ quét qua. Những câu chuyện này không hề được bất kỳ trang tin chính thống nào đưa tin hay xác nhận" - trang Hoax-Slayer viết.

Sau khi được đăng tải trên Reddit, câu chuyện cũng thu hút sự bàn tán của cư dân mạng, nhưng đa phần là nghi ngờ khả năng nuốt chửng cả một cơ thể người của con trăn. Một người cho rằng đó là trăn gấm, không có nguồn gốc ở Ấn Độ, đồng thời cũng không có khả năng ăn thịt người. Nhiều người khác thì tin rằng con vật sẽ phải vật lộn rất nhiều nếu như muốn cho cả cơ thể của người trưởng thành vào miệng như thế. Một vài ý kiến không loại trừ khả năng trong bụng con trăn kia là nai hoặc hươu.

Tất nhiên là với cùng một bức ảnh nhưng lại có quá nhiều câu chuyện sử dụng nó để minh họa, thì tính xác thực của nó cũng suy giảm dần theo thời gian. Các trang tin chính thống như India Today đã xác định đây là câu chuyện hư cấu không hơn không kém.

Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tran-khong-lo-nuot-chung-ga-dan-ong-say-ruou-roi-bo-sang-nuoc-khac-tan-cong-nguoi-su-that-ve-ke-sat-nhan-hang-loat-nay-la-gi-162212004210142104.htm