Thế giới

Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc: Ngoại giao thực dụng để thành công

Ngày 8.1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc bằng điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây - điểm xuất phát phía đông của Con đường Tơ lụa cổ đại, như một cử chỉ gật đầu đồng ý hợp tác với Trung Quốc khôi phục tuyến đường thương mại nổi tiếng.

Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc: Ngoại giao thực dụng để thành công
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron đến Tây An hôm 8.1 trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: France24

“Đường không chỉ một chiều”

“Con đường Tơ lụa cổ đại không chỉ là của Trung Quốc, mà có thể được chia sẻ. Nếu đã là đường thì chúng không chỉ một chiều” - Reuters dẫn lời Tổng thống Macron phát biểu trước các nhà nghiên cứu, sinh viên và doanh nhân ở Tây An. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, Trung Quốc và Châu Âu cần cùng nhau hợp tác trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” - một dự án táo bạo để xây dựng “Con đường Tơ lụa” hiện đại.

Được khởi động từ năm 2013, dự án “Vành đai, Con đường” nhằm kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á, vươn tới Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 5.2017, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết 124 tỉ USD cho dự án, nhưng vẫn đối mặt với sự hoài nghi của phương Tây rằng, kế hoạch này nhằm khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc hơn là mong muốn của Bắc Kinh muốn thúc đẩy thịnh vượng chung. Sự hoài nghi này cũng không nằm ngoài mối quan tâm và lo lắng ở Pháp. Do đó, giới quan sát đặc biệt chờ đợi Tổng thống Macron vạch rõ quan điểm của ông về dự án này với tư cách là một tiếng nói đang lên của một nhà lãnh đạo nổi bật Châu Âu.

Kinh tế là một trong những chủ đề chính trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Macron. Tháp tùng ông có 50 lãnh đạo doanh nghiệp Pháp. Chuyến thăm được trông đợi sẽ tăng cường, mở rộng hợp tác, hai bên dự kiến sẽ ký hơn 50 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, điện hạt nhân, kỹ thuật số, tài chính ngân hàng...

Ông Macron muốn cân bằng lại quan hệ thương mại Pháp - Trung vì mức thâm thủng mậu dịch lớn nhất của Pháp chính là với Trung Quốc, khoảng 30 tỉ euro. Nhưng vấn đề nhạy cảm nhất chính là việc EU muốn gia tăng kiểm soát các dự án đầu tư chiến lược của các tập đoàn không thuộc Châu Âu, mà chủ yếu là của Trung Quốc. “Pháp có ý định tìm kiếm sự tái cân bằng và tiếp cận thị trường, chẳng hạn trong các dịch vụ tài chính” - một quan chức Điện Elysse nói với AFP, trong bối cảnh các ngân hàng lớn của Pháp đang hy vọng nhanh chóng mở rộng vào thị trường Trung Quốc.

Chủ nghĩa thực dụng

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo Châu Âu kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10.2017. Còn đối với Tổng thống Pháp, đây là chuyến công du đầu tiên của ông ở Châu Á. Trung Quốc đã hoan nghênh quyết định của ông Macron chọn nước này là quốc gia Châu Á đầu tiên để viếng thăm. “Chúng tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ tăng cường sự tin cậy chính trị song phương và đối thoại chiến lược” - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói.

Ngay trước khi ông Macron đặt chân đến Tây An, Tân Hoa xã đăng bài xã luận cho rằng, chủ nghĩa thực dụng là chìa khóa thành công trong chuyến thăm Trung Quốc của vị Tổng thống Pháp. Hãng thông tấn này trích dẫn ông Macron mượn lời của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình “Mèo đen, mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột” trong chiến dịch tranh cử năm ngoái khi được hỏi về sự chia rẽ giữa cánh tả và cánh hữu ở Pháp. Với chủ nghĩa thực dụng tương tự, chuyến thăm Trung Quốc của ông Macron được kỳ vọng là cơ hội vàng để hai bên phối hợp hơn nữa trong các vấn đề quan trọng.

Phía Trung Quốc cho rằng, quan hệ Pháp - Trung đang ở đỉnh cao, Paris là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Bắc Kinh ở EU và Bắc Kinh đứng đầu trong số các đối tác thương mại của Pháp ở Châu Á. Trên bình diện toàn cầu, Pháp và Trung Quốc ngày càng gặp nhiều vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, chống khủng bố và cải cách quản trị. “Chủ nghĩa thực dụng sẽ giúp ông Macron đánh giá đầy đủ tiềm năng hợp tác giữa Pháp và Trung Quốc. Và chủ nghĩa thực dụng cũng giúp ông Macron thấy rõ rằng, Trung Quốc là cơ hội chứ không phải mối đe dọa với Pháp và Châu Âu nói chung” - Tân Hoa xã viết.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5.2017, ông Macron mới chủ yếu tập trung nỗ lực ngoại giao của mình ở Châu Âu, sau đó là Châu Phi và Trung Đông. Chuyến thăm Trung Quốc, do đó, sẽ gợi mở những dấu hiệu đầu tiên về việc Pháp tiếp cận Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung như thế nào. “Ngoài việc chuyến thăm này là cơ hội để thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương thì nó cũng phù hợp với tham vọng của ông Macron đóng vai trò có tính toàn cầu trong các vấn đề quốc tế” - tờ China Daily dẫn lời ông Chris Rowley, một chuyên gia về Châu Á và là giáo sư Trường Kellogg, Đại học Oxford - nhận định.

Theo Vân Anh (Lao Động)