Thế giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ Oracle mua Tiktok

Ông Trump hôm 19/09 cho biết ông ủng hộ việc Oracle đưa ra thỏa thuận với Tiktok để ứng dụng chia sẻ video có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ, sau khi đe dọa cấm ứng dụng này hồi tháng 08.

Trả lời phỏng vấn các phóng viên tại Nhà Trắng trước khi lên đường tới Bắc Carolina, tổng thống Trump cho biết ông "đã chấp thuận phương án thực hiện thương vụ".

"Ứng dụng sẽ được kiểm soát bởi Oracle và Walmart. Mọi sự kiểm soát nằm trong tay Walmart và Oracle, hai công ty Mỹ tuyệt vời. An ninh sẽ được đảm bảo 100%," ông Trump nói.

Công ty Tiktok Global có thể sẽ đặt trụ sở tại bang Texas và tuyển dụng ít nhất 25.000 người, ông Trump cho biết thêm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ Oracle mua Tiktok

Tổng thống Trump đưa ra bình luận trên chỉ một ngày sau khi Bộ Thương Mại Mỹ thông báo ứng dụng sẽ bị cấm tải tại nước này, bắt đầu từ 20/09.

Hôm 16/09, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xác định việc Tiktok coi Oracle là "đối tác công nghệ tin cậy" tại Mỹ là chưa đủ để bảo đảm an ninh quốc gia nước này.

Cùng ngày, tổng thống Trump nói rằng "nếu đó là sự thật, tôi sẽ không hài lòng với điều đó."

Sau thông báo của CFIUS, Tiktok tiếp tục thảo luận với các quan chức chính quyền Mỹ để tìm giải pháp cho những lo ngại về an ninh quốc gia, dù vẫn chưa rõ việc Oracle là "đối tác công nghệ" sẽ có tác động như thế nào.

Theo Bloomberg, Oracle sẽ có mã nguồn và các cập nhật của Tiktok để đảm bảo không có "cửa sau" cho phép gửi dữ liệu người dùng về Trung Quốc. Tuy vậy, ByteDance vẫn nắm phần lớn Tiktok.

Việc Tiktok và Oracle trở thành đối tác được coi là thành công với tổng thống Trump, bởi một yếu tố quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của ông năm nay là việc phản đối ứng dụng Tiktok, coi đó là động thái thể hiện lập trường cứng rắng với Trung Quốc.

Ông Trump cho rằng Tiktok cần được sở hữu bởi một công ty Mỹ để đảm bảo dữ liệu người dùng không được gửi về Trung Quốc, dù Tiktok và ByteDance đã nhiều lần bác bỏ điều này.

Trước khi Oracle trở thành ứng viên số 1 trong việc mua lại Tiktok, Microsoft cũng đã đàm phán mua Tiktok ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand với giá lên tới 30 tỷ USD. Tuy vậy hôm 12/09, công ty này cho biết ByteDance đã bác bỏ đề nghị của họ.

Đàm phán không đạt được tiến triển đáng kể nào trong ba tuần gần đây, sau khi Bắc Kinh công bố quy định kiểm soát xuất khẩu mới, giới hạn việc bán công nghệ - bao gồm thuật toán và AI - cho nước ngoài.

Điều này dẫn tới việc Bắc Kinh có thẩm quyền xem xét thương vụ bán Tiktok, do ứng dụng sử dụng công nghệ AI để chạy thuật toán theo dõi hành vi người dùng. Giới chuyên gia cho rằng không có công nghệ này, giá trị Tiktok sẽ giảm đáng kể.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)