Thế giới

Tổng lực chiến thuật ngoại giao cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt quyết định với các điều kiện để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài.

Tổng lực chiến thuật ngoại giao cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên
Các sinh viên vẫy cờ thống nhất bán đảo Triều Tiên bên ngoài cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn - Triều hồi tháng 4/2018. (Ảnh: Reuters)

Hàng loạt các chuyến thăm ngoại giao cấp cao, cùng các hội nghị thượng đỉnh song phương được các nhà lãnh đạo những nước liên quan lên kế hoạch, để không bỏ lỡ cơ hội quyết định này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 8/10 cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm Triều Tiên trong tương lai gần, trong khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang lên kế hoạch thăm Nga. Khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhật- Triều Tiên vẫn đang để ngỏ.

Có thể thấy một chiến thuật tổng lực ngoại giao đang được các nước tận dụng để nắm bắt cơ hội quan trọng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

“Cơn lốc ngoại giao cấp cao” được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc chuyến thăm Triều Tiên với các kết quả tích cực, đặt nền tảng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngoại trưởng Mỹ thăm 4 nước châu Á, mở ra “tương lai tốt đẹp” Mỹ-Triều VOV.VN-Ngày 8/10, ông Mike Pompeo thăm Trung Quốc, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm 4 nước châu Á, gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, một trật tự mới đang được tạo ra trên bán đảo Triều Tiên, dẫn đến trật tự mới tại Đông Bắc Á. Tất cả tiến trình này là cần thiết để hiện thực hóa phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ thúc đẩy nỗ lực hợp tác với Mỹ và các nước liên quan để xóa bỏ các tàn tích còn lại của chiến tranh Lạnh trên thế giới.

“Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Triều Tiên đã tạo ra các điều kiện và bầu không khí tích cực cho một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên thứ 2 diễn ra vào thời gian sớm nhất.

Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều có thể diễn ra sớm nhất có thể, đưa ra các bước tiến giúp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” - Tổng thống Moon Jae-in khẳng định.

Các chuỗi sự kiện ngoại giao đang được thực hiện là dấu hiệu cho thấy bước tiến trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên, nhưng cũng cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của các nước giảm thiểu các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 9 vừa qua tại Bình Nhưỡng khẳng định, Triều Tiên sẵn sàng phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ đưa ra các biện pháp phản ứng thích hợp. Điều này khiến giới quan sát nhận định, Triều Tiên cũng có thể muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế để đổi lấy việc phá bỏ các cơ sở hạt nhân.

Một sự kiện hiếm hoi - cuộc gặp cấp thứ trưởng 3 bên giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên - sẽ diễn ra tại Moscow vào ngày mai.

Theo Giáo sư Yang Moo-jin thuộc trường Đại học nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Hàn Quốc, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên tới Nga và có cuộc gặp 3 bên là một bước đi nhằm tăng cường sự phối hợp giữa 3 nước trong việc thúc đẩy dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước.

Giáo sư Yang Moo-jin cho rằng, sự phối hợp với Nga và Trung Quốc vào thời điểm này sẽ đảm bảo được lợi thế của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời là lá chắn đảm bảo cho Triều Tiên trong trường hợp quá trình đàm phán hạt nhân với Mỹ thất bại.

Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước cơ hội thực sự đạt được hòa bình lâu dài, nhưng nhiều nhà quan sát vẫn khá thận trọng về một kết quả sẽ đến sớm và dễ dàng.

Một quan chức tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ đến Triều Tiên cho rằng, chuyến thăm thứ 4 của ông Pompeo đến Bình Nhưỡng “tốt hơn những lần trước” nhưng vẫn còn con đường dài phía trước.

Giáo sư Kim Jae-chun thuộc trường đại học Sogang tại Seoul cũng nhận định, Mỹ và Triều Tiên dường như đang cố gắng thu hẹp bất đồng. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Triều Tiên là một bước tiến để hai bên thoát khỏi các bế tắc ngoại giao.

Động lực này sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, với cách tiếp cận từng phần này cũng khó có thể mong đợi một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên diễn ra trong thời gian sớm.

Theo Phạm Hà (Vov.vn)