Thế giới

Tốc độ điên cuồng của tên lửa Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất: Trường hợp xấu nhất là gì?

Long March 5B - tên lửa vũ trụ đang mất kiểm soát của Trung Quốc, sắp rơi xuống Trái Đất - là loại mạnh nhất trong dòng tên lửa Long March của nước này.

Tên lửa đẩy mạnh nhất Trung Quốc rơi xuống Bắc Kinh?

Theo tờ The Guardian của Anh, mạng thông tin vũ trụ SpaceNews của Mỹ và các phương tiện truyền thông nước ngoài khác đưa tin, sau khi tên lửa đẩy Long March 5B của Trung Quốc chở mô-đun cốt lõi của Trạm vũ trụ Thiên Cung lên bầu trời vào trưa ngày 29/4/2021, radar của quân đội Mỹ đã theo dõi phân đoạn tên lửa lõi này và đặt tên cho nó là 2021-035B. 

Theo dữ liệu giám sát thời gian thực của Orbit.ing-now.com, 2021-035B hiện đang di chuyển với tốc độ "điên cuồng" 28.000 km/giờ (tương đương 7.777 mét/giây) ở độ cao từ 160 đến 170 km so với mực nước biển và nó có thể quay quanh Trái Đất khoảng 90 phút một lần.

Từ đầu tuần, nó đã giảm độ cao gần 80km và SpaceNews báo cáo rằng hiện tại, 2021-035B đang mất kiểm soát trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) và "lộn xộn điên cuồng". 

Nhà thiên văn học Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian (CfA) của Mỹ cho biết, đường đi của 2021-035B kéo dài từ Bán cầu bắc đến New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha) và Bắc Kinh (Trung Quốc) ở phía bắc; ở phía nam, nó bay qua Chile và New Zealand.

"Trong nhiều thập kỷ, rất hiếm vật thể bay lớn như vậy rơi không kiểm soát xuống Trái Đất. Tôi nghĩ không thể chấp nhận được việc phần còn lại của tên lửa/trạm vũ trụ rơi trở lại Trái Đất mà không được kiểm soát bởi các tiêu chuẩn hiện đại" - Jonathan McDowell nói.

Các chuyên gia ước tính, đoạn tên lửa ngoài tầm kiểm soát có thể quay trở lại bầu khí quyển trong vài ngày đến vài tuần tới. Hiện tại vẫn chưa thể dự đoán chính xác địa điểm và thời gian rơi của tên lửa này.

Trường hợp xấu nhất là phần còn lại của tên lửa khổng lồ này có thể rơi vào khu vực đông dân cư. Các chuyên gia dự đoán rằng nó có thể rơi ở Bắc Kinh hoặc những nơi khác trong thời gian tới.

Điều nghịch lý là sau khi Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc tuyên bố phóng thành công tên lửa Long March 5B thì các nhà chức trách lại không hề đề cập đến kế hoạch nó rơi xuống an toàn hay không.

Holger Krag, người đứng đầu Văn phòng Chương trình An ninh Không gian của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), chỉ ra rằng: Tất cả các vật thể phóng lên vũ trụ phải tuân theo một quy tắc thông thường, đó là trọng lượng của vật thể rơi xuống Trái Đất phải bằng 20% ​​đến 40% trọng lượng ban đầu của vật thể đó.

Tên lửa đẩy Long March 5B là tên lửa bay thẳng vào quỹ đạo hạng nhất và hiện là tên lửa có sức chở lớn nhất trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp của Trung Quốc. Tổng chiều dài của tên lửa là 53,7 mét, chiều rộng là 5 mét, và trọng lượng cất cánh là 21 tấn. Tính đến nay, Long March 5B là tên lửa vũ trụ lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo ở Trung Quốc, Orbit.ing-now.com thông tin thêm.

Tốc độ điên cuồng của tên lửa Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất: Trường hợp xấu nhất là gì?
Tên lửa Long March 5B của Trung Quốc đã phóng một mô-đun của trạm vũ trụ của nước này vào ngày 29/4. Phần lõi của tên lửa đang rơi ra khỏi quỹ đạo Trái Đất và dự kiến ​​sẽ tái nhập một cách mất kiểm soát trong tuần này. Ảnh: VCG / Getty Images

Tên lửa Long March 5B (còn gọi là Chang Zheng 5B) của Trung Quốc được lên kế hoạch phóng mô-đun đầu tiên có tên Tianhe để lắp ghép cho Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSS) vào một quỹ đạo tròn có độ cao từ 340 km đến 450 km so với Trái Đất. Dự kiến, CSS sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Phó mặc cho bầu khí quyển!

Vào ngày 5/5/2020, Trung Quốc phóng tên lửa Long March 5B. Kết quả là, vật thể khổng lồ này thất bại và bị nghi là đã rơi xuống một ngôi làng địa phương ở Cộng hòa Côte d'Ivoire (Bờ Biển Ngà) ở châu Phi.

Tuy nhiên, trước sự cố rơi mất kiểm soát của Long March 5B vào thời điểm đó, chuyên gia hàng không vũ trụ Trung Quốc Xing Qiang đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Global Times rằng quỹ đạo của mảnh vỡ tên lửa Long March 5B Trung Quốc đã được lên kế hoạch chính xác, và hầu hết cấu trúc của tên lửa đã bị đốt cháy trong khí quyển và không gây hại cho mặt đất!

CNN đã đưa câu hỏi liên quan tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng khi đó người phát ngôn Zhao Lijian chỉ nói: "Tôi không biết điều anh (phóng viên) hỏi là gì, và tôi đề nghị anh hỏi cơ quan có thẩm quyền". Phản ứng này đã gây ra một sự náo động của giới truyền thông và công chúng sau đó.

Theo Trang Ly (Pháp luật & Bạn đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/toc-do-dien-cuong-cua-ten-lua-trung-quoc-sap-roi-xuong-trai-dat-truong-hop-xau-nhat-la-gi-162210505085527576.htm