Thế giới

Tòa Hàn Quốc buộc 1 doanh nghiệp Nhật bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến

Phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc có thể sẽ làm căng thẳng thêm những bất đồng giữa 2 đồng minh của Mỹ ở châu Á.

Tòa án Tối cao Hàn Quốc ngày 30/10 ra phán quyết yêu cầu một công ty sản xuất thép của Nhật Bản phải bồi thường cho các công nhân Hàn Quốc bị buộc phải lao động cho công ty trong Thế chiến 2. Phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc có thể sẽ làm căng thẳng thêm những bất đồng giữa 2 đồng minh của Mỹ ở châu Á.

Tòa Hàn Quốc buộc 1 doanh nghiệp Nhật bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến
Lee Chun-shik, một trong những nguyên đơn của vụ kiện, cùng với những người ủng hộ ở Seoul ngày 30.10. Ảnh: Reuters

Tòa án Tối cao Hàn Quốc ủng hộ phán quyết của tòa án cấp dưới, theo đó, công ty Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản phải đền bù 100 triệu won (88.700 USD) mỗi người cho 4 người đàn ông Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho công ty này từ năm 1941-1943.

Vụ việc này được dư luận Hàn Quốc và Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Hai nước vốn rơi vào những tranh chấp lãnh thổ nhạy cảm và các bất đồng khác xuất phát từ thời thuộc địa (1910-1945). Nhật Bản khẳng định tất cả những vấn đề liên quan tới lao động cưỡng bức đã được giải quyết theo các thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1965.

Tuy nhiên, ngày 30/10, Tòa án Hàn Quốc tuyên bố, những thỏa thuận đó sẽ không cản trở quyền đòi bồi thường của cá nhân các nạn nhân. Nếu Nippon Steel & Sumitomo Metal từ chối bồi thường, nguyên đơn và gia đình nạn nhân có thể đề nghị tòa án địa phương thu giữ các tài sản của công ty này tại Hàn Quốc.

Phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc có thể mở ra tiền lệ cho các nạn nhân lao động cưỡng bức khác hay gia đình của họ nộp đơn kiện Nippon Steel & Sumitomo Metal và các công ty khác của Nhật Bản.

“Tôi là người duy nhất vẫn còn sống để nhìn thấy ngày hôm nay”, Lee Chun-shik, 94 tuổi, một trong số các nguyên đơn, nói với các phóng viên bên ngoài trụ sở tòa án hôm 30/10.

Nippon Steel & Sumitomo Metal gọi quyết định của tòa là “vô cùng đáng tiếc” và nói rằng, nó trái với thỏa thuận năm 1965. Công ty này “sẽ xem xét cẩn thận quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc để đưa ra những bước đi tiếp theo, trong đó có thể bao gồm cả phản ứng của chính phủ Nhật Bản về vấn đề này, cũng như các yếu tố khác”.

Theo Thùy Linh (Vov.vn)