Thế giới

Tòa án Indonesia từ chối mở định vị, thuyền trưởng Việt Nam xin đi tù

Thuyền trưởng Lưu Văn Lý (đội nón, đeo kính, mặc áo sọc) và Lê Thanh Thừa (áo thun đỏ) ở toà án Ranai, Natuna - Clip: LÊ NAM

Đề nghị được mở thiết bị định vị (GPS) nhằm khẳng định mình bị bắt ở tọa độ thuộc chủ quyền VN đã không được chủ tọa phiên tòa người Indonesia chấp nhận. Các thuyền trưởng VN Lưu Văn Lý, Lê Thanh Thừa mong sớm được đi tù.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia lại tiếp tục không có mặt ở phiên tòa chiều nay 29-3 dù trước đó vị đại diện này có liên lạc với luật sư đại diện quyền lợi của của các thuyền trưởng xác nhận sẽ tham gia.

Tòa án Indonesia từ chối mở định vị, thuyền trưởng Việt Nam xin đi tù
Thuyền trưởng Lưu Văn Lý (phải) bước ra khỏi phiên tòa - Ảnh: LÊ NAM

Vô vọng sau nhiều lần phản kháng

Ở lần ra tòa trước (ngày 15-3) thuyền trưởng tàu cá Kiên Giang Lưu Văn Lý đã đề nghị được mở GPS để khẳng định vị trí tàu ông bị bắt còn nằm trong vùng biển VN. 

Tại tòa lần này, khi được chủ tọa Fahri cho phép phát biểu, ông nói: "Tôi mong muốn được mở lại thiết bị định vị để các vị thấy rằng tôi bị bắt trong vùng biển VN chứ không phải vị trí nằm sâu trong biển Indonesia được ghi trong biên bản tiếng Indonesia mà tôi bị buộc phải ký vào vì bị đe dọa tính mạng. Tôi đi đánh cá theo bản đồ hợp pháp của chính phủ VN cung cấp. Tôi cũng nhiều lần yêu cầu phải có đại diện Đại sứ quán VN tham gia phiên toàn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân VN nhưng các vị đó không có mặt". 

Ông Lý cũng cho biết đã nhờ người mang từ VN sang và chuẩn bị các thiết bị để có thể khởi động lại GPS. "Tôi muốn mở lại GPS", ông nói.

Chủ tọa Fahri cho biết ông hiểu yêu cầu của thuyền trưởng Lưu Văn Lý nhưng đã qua giai đoạn có thể mở thiết bị này. Nếu ông khăng khăng đòi mở lại thì tòa phải hủy toàn bộ quy trình điều tra, xét xử trong hơn 12 tháng qua để làm lại. "Ông có đồng ý không?", chủ tọa Fahri hỏi ông Lý.

Một hồi im lặng ông Lý không trả lời. 

Chủ tọa phiên tòa yêu cầu luật sư Christoper, bào chữa quyền lợi của thuyền trưởng Lý đọc lời bào chữa cho thân chủ của mình. 

Tới thời điểm này, điện phòng xử án vụt tắt. Cả phòng tối om nhưng phiên tòa vẫn tiếp diễn cho đến cả phiên tòa sau.

Ông Christoper nhấn mạnh thân chủ ông vô tội vì bị bắt khi đang đánh bắt trên vùng biển VN có vị trí tọa độ thuộc vùng biển VN. Hơn nữa căn cứ theo Hiệp định giữa chính phủ VN và chính phủ Indonesia về phân định ranh giới thềm lục địa ký kết năm 2003 nêu rõ nêu các loại tàu thuyền của hai nước đi vào lãnh thôi của nhau thì cơ quan có thẩm quyền quản lý biển của hai nước được phép yêu cầu các tàu thuyền đó dừng lại kiểm tra. Phía Indonesia chỉ được phép truy đuổi tàu cá của VN khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Indonesia.

Lúc này thuyền trưởng Lưu Văn Lý xin được có ý kiến. Ông cho rằng mình bị oan và nếu đề nghị mở GPS không được chấp thuận cùng với việc vắng sự có mặt của đại diện Đại sứ quán VN tại phiên tòa quyền lợi của ông không được đảm bảo. Ông xin sớm được đi tù "để tôi còn có cơ hội về đoàn tụ với gia đình và có cơ hội đi làm lại trả nợ cho gia đình". 

Chủ tọa tuyên bố sẽ tuyên án với ông Lưu Văn Lý vào ngày 17-4.

Tòa án Indonesia từ chối mở định vị, thuyền trưởng Việt Nam xin đi tù - 1
Thuyền trưởng Lưu Văn Lý (phải, mặc áo thu sọc) trong phòng xử án, phía xa là luật sư Christoper, bào chữa cho ông - Ảnh: LÊ NAM

Ở phiên xét xử thuyền trưởng Lê Thanh Thừa diễn ra ngay sau đó. Ông Thừa cũng yêu cầu mở lại GPS nhưng chủ tọa cũng không đồng ý với cùng lý do của thuyền trưởng Lý. 

Sau khi hội ý với luật sư Christoper, ông Thừa đề nghị được đi tù sớm như người đồng hương của mình. 

Chủ tọa phiên tòa tuyên bố sẽ tuyên án Lê Thanh Thừa vào ngày 17-4.

Trước đó, lúc 12h ngày 13-4-2017, các tàu cá do những thuyền trưởng này điều khiển (thuộc tỉnh Kiên Giang) được cấp phép khai thác ở vùng khơi biển VN tại khu vực cách đông nam Hòn Khoai, Cà Mau 148 - 155 hải lý thì bị lực lượng vũ trang của Indonesia rượt đuổi, vây bắt và cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Cả năm thuyền trưởng đều không thừa nhận cáo trạng của Viện Công tố tỉnh Natuna, Indonesia và kháng cáo.

Họ có đơn kêu cứu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Indonesia điều tra, xác định lại tọa độ các tàu cá trước và tại thời điểm bị bắt.

Theo Lê Nam (Tuổi Trẻ)