Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Tiết lộ sốc về chợ Vũ Hán: Manh mối quan trọng nhất về nguồn gốc đại dịch Covid-19?

Trong hai năm trước khi Covid-19 khởi phát, các khu chợ ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) bày bán hơn 30 loài động vật khác nhau có thể mang mầm bệnh lây lan sang con người, theo các nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu về các chợ động vật ở Vũ Hán mới được công bố trên tuần san Báo cáo Khoa học tuần này, tác giả là những nhà nghiên cứu có liên hệ với Đại học China West Normal, Đại học Oxford và Đại học British Columbia.

Trong khoảng từ 2017 tới 2019, một nhà nghiên cứu trong nhóm tác giả đã tổ chức thăm dò hàng tháng đối với 17 cửa hàng bán động vật hoang dã làm thức ăn hoặc vật nuôi tại các khu chợ ở Vũ Hán. Bảy trong số những cửa hàng này nằm tại Chợ Hải sản Hoa Nam, có liên quan tới một số ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong thành phố.

Nghiên cứu ban đầu được thực hiện để tìm hiểu một loài virus trên bọ tick, tuy vậy sau khi Covid-19 bùng phát, các tác giả cho rằng kết quả nghiên cứu của họ sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc đại dịch.

Tiết lộ sốc về chợ Vũ Hán: Manh mối quan trọng nhất về nguồn gốc đại dịch Covid-19?
Các tiểu thương trong một khu chợ hải sản tại Vũ Hán (Ảnh: AFP)

Trong số các loài động vật được bán ở Vũ Hán, theo các nhà nghiên cứu, bao gồm lửng, nhím, chồn, marmota, cáo đỏ, sóc bay, sáo mỏ ngà, rắn, rắn lục, rắn hổ mang, cá sấu Xiêm. Hầu hết các loại động vật “được bày bán khi còn sống, bị nhồi nhét trong những chiếc rọ trong điều kiện rất tệ”, các nhà nghiên cứu cho biết. Thông thường, những con vật này bị làm thịt ngay tại các khu chợ.

Được biết, nhóm nghiên cứu đã ghi chép việc buôn bán hơn 47.000 cá thể động vật thuộc 38 loài tại các khu chợ ở Vũ Hán trong thời điểm từ tháng 05/2017 tới tháng 11/2019. 33 loài động vật trong số này từng nhiễm bệnh hoặc có ký sinh trùng mang bệnh có thể lây lan cho con người, nhóm nghiên cứu cho hay.

Các nhà nghiên cứu cho biết đã phát hiện chồn nâu, cầy hương, lửng chó được bày bán ở các khu chợ tại Vũ Hán, nhưng họ không tìm thấy tê tê hay dơi, vốn được coi là hai loài động vật có liên quan tới nguồn gốc virus corona.

Trung Quốc đình chỉ việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã khi Covid-19 bắt đầu lây lan tại nước này hồi năm ngoái. Buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc từng đóng vai trò quan trọng trong đợt bùng phát dịch bệnh SARS hồi đầu những năm 2000.

Một nhóm chuyên gia WHO tham gia điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán hồi đầu năm đã xem xét hồ sơ của các tiểu thương và những bằng chứng khác từ các khu chợ động vật trong thành phố. Tuy vậy, họ không đưa ra kết luận cụ thể nào về vai trò của những khu chợ này trong đợt bùng phát dịch bệnh, cũng không kết luận loài động vật nào đã lây virus corona cho con người.

Một năm sau khi Covid-19 khởi phát, câu hỏi nguồn gốc virus vẫn chưa được trả lời. Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước tuyên bố sẽ nỗ lực điều tra giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán.

Động thái trên được ông Biden đưa ra trong bối cảnh các quan chức y tế Mỹ tuần này một lần nữa kêu gọi điều tra chặt chẽ hơn. Trước đó, đã có nhiều ý kiến chỉ trích báo cáo điều tra nguồn gốc dịch bệnh của nhóm chuyên gia WHO, khi họ gần như loại bỏ khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Nhiều nhà khoa học ủng hộ việc điều tra tất cả các khả năng, bao gồm giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, dù họ vẫn cho rằng virus có thể đã lây từ động vật sang người bên ngoài phòng thí nghiệm.

Angela Rasmussen, nhà virus học thuộc Tổ chức Vaccine và Bệnh Truyền nhiễm của Đại học Saskatchewan cho rằng nghiên cứu mới ủng hộ giả thuyết virus có nguồn gốc tự nhiên và đã lây lan qua một loài động vật trung gian.

Nghiên cứu “chưa chứng minh được điều gì”, nhưng là bằng chứng rõ ràng cho thấy “các chợ động vật hoang dã chưa được điều tra đúng mức”.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)