Thế giới

Tiết lộ gây bất ngờ về nguồn gốc biến thể Omicron

Giới khoa học Trung Quốc cho rằng biến thể Omicron có thể lây sang người từ chuột.

Tiết lộ gây bất ngờ về nguồn gốc biến thể Omicron
Ảnh minh họa

Vấn đề nguồn gốc của biến thể Omicron vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp dành cho giới khoa học, tuy vậy các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây cho rằng họ đã tìm thấy bằng chứng biến thể này có liên quan tới loài chuột.

Phân tích của giới nghiên cứu cho thấy Omicron có những đột biến giúp virus dễ lây nhiễm cho động vật hơn, đồng thời các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy động vật có thể nhiễm Covid-19 từ con người.

Omicron mang nhiều đột biến hơn các biến thể trước đây, và các nhà khoa học coi đây là bằng chứng cho thấy biến thể này không phải có nguồn gốc từ con người.

Đây không phải lần đầu tiên giới chuyên gia nêu giả thuyết biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện ở động vật gặm nhấm trước khi lây lan trở lại cho con người. Tuy vậy, phần lớn giới khoa học nhất trí rằng Omicron nhiều khả năng xuất hiện sau khi một người mắc chứng suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như các bệnh nhân HIV, mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã so sánh ADN của biến thể Omicron với phiên bản ban đầu và nhiều biến thể khác, bao gồm Alpha và Delta. Họ phát hiện Omicron có số lượng đột biến trung bình lớn hơn nhiều so với các biến thể khác (53,3 so với 28,4 - 35,4).

Bên cạnh đó, họ hàng gần nhất của Omicron là biến thể Gamma, lần đầu được phát hiện tại Brazil. Tuy vậy, hai biến thể này đã chia làm hai nhóm khác nhau từ giữa 2020.

Với "phả hệ dài" như vậy, các nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron "có thể đã tiến hóa trên một loài động vật không phải người".

Họ cũng so sánh Omicron với các đột biến trên 13 biến thể SARS-CoV-2 ít được biết đến từng được ghi nhận lây nhiễm ở chuột.

Kết quả cho thấy Omicron và các biến thể này có năm đột biến giống nhau. Các nhà khoa học cho rằng đây là bằng chứng cho thấy Omicron bắt nguồn từ loài chuột.

Các đột biến này bao gồm K417 và E484, được cho là giúp Omicron có thể né tránh kháng thể và N501, liên quan tới khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Ngoài ra, Omicron cũng có các đột biến Q493 và Q498 mà các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ giúp nó lây nhiễm ở chuột tốt hơn.

Giáo sư Xu Jianguo thuộc Viện Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Trung Quốc cho rằng các đột biến trên Omicron cho thấy "virus đã thích nghi với việc xâm nhập tế bào loài chuột".

"Chúng tôi tin rằng virus đã có nhiều đột biến trên chuột, trước khi lây nhiễm trở lại cho con người," Xu nói thêm.

"Những nghiên cứu kể trên cho thấy giới khoa học cần tập trung vào các biến thể SARS-CoV-2 được phân lập từ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là động vật gặm nhấm," Xu cho biết.

Hà An (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/tiet-lo-gay-bat-ngo-ve-nguon-goc-bien-the-omicron-tintuc807188