Thế giới

Thượng nghị sĩ Philippines bị tố cáo cắt xén ngân sách SEA Games

Thượng nghĩ sĩ Franklin Drilon bị cáo buộc cắt xén 49 triệu USD ngân sách dành cho công tác tổ chức SEA Games để phân bổ cho các dự án khác.

Theo thông tin do Inquirer.net, người lên tiếng cáo buộc thượng nghị sĩ Franklin Drilon là nghị sĩ Ron Salo ở Hạ viện Philippines.

Ông đưa ra cáo buộc này trong một bài phát biểu trước Hạ viện Philippines khi khẳng định nước này đã sẵn sàng cho SEA Games 30, bất chấp việc ngân sách bị cắt xén.

Thượng nghị sĩ Philippines bị tố cáo cắt xén ngân sách SEA Games
Ông Franklin Drilon bị cáo buộc cắt giảm ngân sách tổ chức SEA Games (Ảnh: Joseph Vidal/Senate PRIB)

Theo ông Ron Salo, ngân sách phát triển cở sở hạ tầng ở tỉnh Iloilo - quê hương của thượng nghị sĩ Franklin Drilon, đã tăng 2,3 tỷ peso Philippines (khoảng 42 triệu USD), trong khi ngân sách tổ chức SEA Games 30 bị cắt giảm 2,5 tỷ peso (tương đương 49 triệu USD).

"Tôi xin biểu dương các nhà tổ chức SEA Games, bởi dù ngân sách bị chậm phân bổ và thậm chí bị thượng nghị sĩ Drilon cắt giảm tới 2,5 tỷ peso, chúng ta vẫn sẵn sàng giới thiệu với thế giới về nền văn hóa và tài năng của chúng ta," ông Ron Salo nói trước Hạ viện Philippines.

"Điều đáng chú ý là trong khi ngân sách tổ chức SEA Games bị cắt giảm 2,5 tỷ peso thì đồng thời các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở tỉnh Iloilo được tăng thêm 2,3 tỷ peso," ông Ron Salo nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ Franklin Drilon hiện đang phải nhận chỉ trích Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á và Chủ tịch Hạ viện Alan Peter Cayetano về những bất cập trong công tác tổ chức SEA Games 30, ở thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là kỳ đại hội năm nay khai mạc.

Tuy nhiên, ông Drilon đã bác bỏ những cáo buộc này.

"Đó hoàn toàn là những lời dối trá. Ông Salo là một kẻ ba hoa, thích truyền bá tin giả," ông Drilon khẳng định trong một thông cáo báo chí mới được đưa ra ngày hôm qua 27/11.

Thượng nghĩ sĩ này cũng khẳng định các hồ sơ lưu trữ ở Thượng viện sẽ chứng minh cáo buộc của ông Salo và những nghị sĩ khác là không có cơ sở.

Công tác tổ chức SEA Games 30 của nước chủ nhà đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích của các đoàn thể thao khác trong khu vực Đông Nam Á.

Một số vụ việc được phản ánh bao gồm cơ sở hạ tầng không đảm bảo, các SVĐ vẫn đang trong tình trạng sửa chữa, nâng cấp dù một số môn thể thao, trong đó có bóng đá, đã chính thức khởi tranh.

Các đoàn thể thao bị mắc kẹt ở sân bay, bị nhầm lẫn khách sạn, bị thiếu đồ ăn, phải trải thảm ra sàn nhà để nghỉ ngơi. Một số tình nguyện viên cũng đã lên tiếng chỉ trích Ban tổ chức SEA Games 30 vì đối xử bất công với họ.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)