Thế giới >> Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố tham gia 'lật kèo' bầu cử

Thượng nghị sĩ Josh Hawley hôm 30/12 tuyên bố sẽ phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden khi Quốc hội Mỹ kiểm phiếu Đại cử tri đoàn vào ngày 06/01 tới.

Quyết định của Hawley sẽ dẫn tới việc Thượng viện và Hạ viện Mỹ tranh luận và bỏ phiếu riêng rẽ về kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn.

"Tôi không thể bỏ phiếu chứng nhận kết quả bầu cử ngày 06/01 mà không nhắc tới sự thật là một số bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân thủ luật bầu cử của chính bang đó," Hawley cho biết trong một thông báo.

"Và tôi không thể bỏ phiếu chứng nhận mà không chỉ ra những nỗ lực chưa có tiền lệ của các siêu tập đoàn, bao gồm Facebook và Twitter, nhằm gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử này, theo chiều hướng có lợi cho Joe Biden. Tối thiểu Quốc hội cần điều tra cáo buộc gian lận bầu cử và áp dụng các biện pháp bảo vệ sự toàn vẹn của bầu cử. Tuy vậy tới lúc này Quốc hội chưa có động thái gì," Hawley bổ sung thêm.

Văn phòng của Hawley chưa phản hồi về việc ông sẽ phản đối bang nào trong cuộc họp Quốc hội vào tuần sau.

Thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố tham gia 'lật kèo' bầu cử
Thượng Nghị sĩ Josh Hawley (Ảnh: Getty)

Quyết định được Hawley đưa ra sau khi một số Hạ Nghị sĩ phe bảo thủ, đứng đầu là Mo Brooks cam kết sẽ nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử bằng cách phản đối kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn.

Để có thể khiến lưỡng viện phải tranh luận và bỏ phiếu về việc họ phản đối kết quả bầu cử, các hạ nghị sĩ cần sự ủng hộ của mộ thượng nghị sĩ, và Josh Hawley đã đứng về phía họ.

Đây sẽ là lần thứ ba Quốc hội Mỹ tranh luận về việc phản đối kết quả bầu cử kể từ năm 1887, theo truyền thông Mỹ. Hai lần trước diễn ra vào các năm 1969 và 2005, tuy vậy kết quả bầu cử không thay đổi và việc phản đối bị bác bỏ.

Quốc hội Mỹ sẽ họp vào ngày 06/01 để chính thức kiểm phiếu bầu cử. Nếu có sự phản đối được một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ ủng hộ,  lưỡng viện sẽ tranh luận trong tối đa hai giờ đồng hồ và bỏ phiếu về việc có tán thành phản đối hay không.

Việc phản đối được cho là sẽ không được đa số các nghị sĩ tại lưỡng viện ủng hộ, theo truyền thông Mỹ.

Tuy vậy, các lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Hạ viện trước đó đã cố gắng tránh phải tranh luận về việc phản đối kết quả bầu cử. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnel hồi đầu tháng đã công khai kêu gọi thành viên đảng Cộng Hòa không ủng hộ việc phản đối kết quả bầu cử.

Đảng Cộng hòa lo ngại việc bỏ phiếu sẽ khiến các nghị sĩ đương nhiệm ra tranh cử năm 2022 rơi vào thế khó khi phải lựa chọn ủng hộ các cáo buộc gian lận bầu cử của tổng thống Trump hay phản đối điều này và làm mất lòng những người ủng hộ ông.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)