Thế giới

Thực hư vụ H&M chấp nhận đăng bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp theo yêu cầu của Trung Quốc

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc thông báo, sau khi phát hiện "bản đồ Trung Quốc có vấn đề" họ đã yêu cầu H&M sửa ngay, tuy nhiên có liên quan tới đường lưỡi bò phi pháp hay không thì chưa rõ.

Theo hãng thông tấn Associated Press (AP) đưa tin, vào ngày 2/4 vừa qua, nhà mốt H&M đã đồng ý sửa đổi bản đồ trên website chính thức của mình sau khi bị phía Trung Quốc chỉ trích rằng bản đồ của hãng "có vấn đề".

Cụ thể, tờ Thời báo hoàn cầu và CCTV đã đăng tải nội dung thông báo của Văn phòng thông tin Internet Thượng Hải như sau:

"Gần đây, cư dân mạng báo cáo với ban quản lý rằng có một 'bản đồ Trung Quốc có vấn đề' trên trang web chính thức của H&M (hm.com), Văn phòng Kế hoạch & Quản lý tài nguyên thành phố Thượng Hải đã ngay lập tức thông báo để nhanh chóng chỉnh sửa. Sau khi nhận được thông báo, H&M Hennes & Mauritz AB (Thượng Hải) - công ty điều hành trang web chính thức của H&M, đã sửa lỗi trong thời gian sớm nhất. 

Đồng thời, Văn phòng Kế hoạch & Quản lý tài nguyên và Văn phòng thông tin Internet Thượng Hải cũng tiến hành liên hệ làm việc với công ty này. Trong buổi nói chuyện, hai cơ quan đã nghiêm túc chỉ ra những sai phạm của công ty, đồng thời yêu cầu họ thiết lập hệ thống mạng theo quy định của pháp luật. H&M phải nghiên cứu kỹ 'Luật An ninh mạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa', 'Luật Bản đồ và Đo đạc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa', 'Quy định Quản lý Bản đồ' cùng các luật và quy định khác, đồng thời thiết lập một nền tảng vững chắc. Nhận thức về lãnh thổ quốc gia phải đảm bảo 'việc sử dụng bản đồ được tiêu chuẩn hóa không thể sai sót một chút nào'. 

Hai cơ quan yêu cầu và chỉ rõ người phụ trách chính của doanh nghiệp chủ trì công tác chấn chỉnh, chịu trách nhiệm về quản lý nội dung website, cơ quan quản lý sẽ thực hiện giám sát, kiểm tra trong thời gian tới. Công ty cho biết họ đã chấp nhận đề nghị nói trên và sẽ thực hiện việc chấn chỉnh và sửa đổi thật hiệu quả".

Thực hư vụ H&M chấp nhận đăng bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp theo yêu cầu của Trung Quốc
H&M đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng ở Trung Quốc sau tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương (Ảnh: Taiwan News)

Trước đó, chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết, người dùng Internet đã báo cáo với ban quản lý trang web của H&M rằng có tồn tại một "bản đồ Trung Quốc có vấn đề". Sau khi được triệu tập để làm việc, hãng thời trang này cho biết sẽ "sửa lỗi càng sớm càng tốt". Tuy nhiên, các bản đồ được chia sẻ trên mạng xã hội đều không chỉ ra đâu là nội dung "có vấn đề" và cả bản đồ sau khi được chỉnh sửa. Một số tài khoản MXH đăng kèm hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp nhưng đó là hình ảnh mà Trung Quốc đã lan truyền trước đây.

Mặc dù các cơ quan truyền thông Trung Quốc không chỉ ra cụ thể về những thay đổi trên bản đồ, nhưng theo ABC News, phía Trung Quốc yêu cầu hãng H&M phải hiển thị đầy đủ các khu vực mà nước này nhận có chủ quyền, không rõ là thêm đảo Đài Loan, đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) phi pháp, vùng tranh chấp tại biên giới Ấn Độ hay quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản?

Hiện vẫn chưa rõ bản đồ gốc ban đầu H&M đăng có nội dung như thế nào và hãng đã thực sự sửa đổi như phía Trung Quốc nói chưa. Trên website chính thức và cả tài khoản Weibo chính thức của H&M cũng không tìm thấy thông tin liên quan đến vấn đề này. Có thể thấy, thông tin về việc yêu cầu sửa bản đồ mới từ phía chính quyền Trung Quốc. Theo AP và Reuters, H&M chưa có bình luận chính thức.

Như vậy, đến thời điểm này đã có những thông tin sau được xác thực: Trung Quốc chắc chắn đã yêu cầu H&M chỉnh sửa "bản đồ có vấn đề" để phù hợp hơn theo quan điểm của nước này -  vốn có đường lưỡi bò phi pháp - còn phía H&M đã sửa hay chưa thì chưa rõ.

Theo báo Thanh Niên: "Bản đồ có vấn đề" thường được Trung Quốc sử dụng để nói về bản đồ mà Bắc Kinh xem là có yếu tố "gây phương hại chủ quyền, lãnh thổ, an ninh và lợi ích" của nước này. 

Trung Quốc đơn phương công bố đường lưỡi bò, nuốt gần trọn Biển Đông, đã bị cộng đồng quốc tế nhiều lần lên án. Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines năm 2016 cũng đã ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò này. 

Tuy nhiên, thủ đoạn cài cắm bản đồ đường lưỡi bò phi pháp vẫn được Trung Quốc ngang ngược thực hiện thông qua hàng loạt ấn phẩm khoa học, hàng hóa, các thiết bị di động, thậm chí đồ chơi trẻ em.

Hiện tại, vì nghi vấn này, trên các mạng xã hội tại Việt Nam đang có làn sóng tẩy chay nhãn hàng dữ dội, cư dân mạng cho rằng việc H&M chấp nhận thay đổi bản đồ như yêu cầu là không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tuy vậy, phía H&M đến thời điểm này vẫn chưa có động thái gì.

Sự việc này diễn ra chưa đến 10 ngày sau vụ việc H&M tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương, kéo theo loạt thương hiệu lớn khác cũng tham gia làn sóng tẩy chay vải bông từ Tân Cương. Nhưng cũng không được bao lâu sau đó, H&M đột ngột tuyên bố Trung Quốc là"thị trường quan trọng" và có ý muốn hoà giải với thị trường này sau khi bị đất nước tỉ dân tẩy chay.

(Theo AP, Thời báo hoàn cầu)

Theo Roy (Pháp Luật và Bạn Đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/thuc-hu-vu-hm-chap-nhan-dang-ban-do-co-duong-luoi-bo-phi-phap-theo-yeu-cau-cua-trung-quoc-162210304220906634.htm