Thế giới

Thủ tục hồi hương thi hài tại Vương quốc Anh

Tại Vương quốc Anh, khi một người nước ngoài qua đời, bước quan trọng nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ để xác nhận người đó đã chết và cung cấp giấy chứng tử, sau đó liên hệ với công ty hộ tang địa phương.

Thủ tục hồi hương thi hài tại Vương quốc Anh

Công ty làm dịch vụ tang lễ này sẽ liên lạc với nhân viên điều tra để thu thập các tài liệu liên quan cần thiết để sắp xếp việc hồi hương thi thể. Những giấy tờ này bao gồm giấy chứng tử, giấy chứng nhận ướp xác, giấy chứng nhận “thi thể không bị nhiễm trùng” để đảm bảo an toàn khi vận chuyển trên máy bay.

“Các tài liệu này là một biện pháp bảo vệ trong trường hợp người đi kèm bị hải quan nghi ngờ đang vận chuyển hàng cấm”, theo chỉ dẫn của công ty hộ tang quốc tế Rowland Brothers.

Ngoài các tài liệu nêu trên, những người muốn vận chuyển người thân đã mất của mình cần cung cấp bản gốc hoặc bản sao hộ chiếu của người đó.

Các công ty hộ tang thường sẽ làm việc cùng với các công ty bảo hiểm và công ty hỗ trợ với tư cách là nhà môi giới. Họ giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến tang lễ, hoàn thiện các giấy tờ và làm việc với cảnh sát, quan tòa, lãnh sự quán và các quan chức địa phương khác theo yêu cầu.

Thủ tục hồi hương thi hài tại Vương quốc Anh - 1
Các công ty hộ tang đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp hồi hương thi thể người nước ngoài.

Trong trường hợp có người nước ngoài tử vong, cảnh sát sẽ không can thiệp nếu đó là nguyên nhân tự nhiên, như đau tim hoặc đột quỵ, còn nếu nguyên nhân là do tai nạn hoặc bị sát hại thì các nhà điều tra sẽ tự động vào cuộc.

"Nếu đó là một vụ giết người, ở hầu hết các quốc gia, thi thể không được phép rời khỏi đất nước cho đến khi luật sư bào chữa không còn yêu cầu khám nghiệm tử thi và có sự chấp thuận của tòa án sở tại", đại diện của Rowland Brothers cho biết. “Thông thường phải mất 5 đến 7 ngày để hồi hương một thi thể từ nước ngoài, trong trường hợp là vụ án mạng thì sẽ mất từ 10 đến 15 ngày nhưng cũng có thể lên tới 3 tháng”.

Cuối cùng, nhân viên lãnh sự đại diện cho quốc gia mà thi thể được gửi về có thể tới kiểm tra quan tài và niêm phong nó trước khi đưa lên máy bay, nhưng thường các công ty hộ tang sẽ đảm nhận nhiệm vụ này.

Lý do đường hàng không được chọn để vận chuyển hài cốt người quá cố thay vì đường biển, đường sắt hoặc đường bộ vì đây là phương pháp an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian nhất.

Cũng có một lưu ý trước khi đưa thi thể lên máy bay, đó là không nên đặt các vật dụng - chẳng hạn như một số đồ đạc cá nhân của người đã chết, vào quan tài.

"Theo phong tục của một số quốc gia, người thân sẽ bỏ thêm đồ trang sức hoặc đồ vật cá nhân của người quá cố vào quan tài, nhưng trong quá trình hồi hương thì điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được vì lý do an ninh", theo ông Pauline Birdsall - Giám đốc công ty hồi hương thi thể KeyAir Repatriation.

Theo quy định của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, các quan tài được sử dụng để hồi hương phải được lót bằng kẽm thay vì chì, bởi chì có khả năng chống tia X quang từ các máy quét an ninh, tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng cấm.

Trong trường hợp những người quá cố đã được hỏa táng, bình chứa tro phải được niêm phong kín nhưng không cần phải lót kẽm.

Chi phí vận chuyển thi thể hồi hương bằng quan tài thường sẽ rất đắt đỏ và phụ thuộc vào các quy định của từng quốc gia khác nhau. Quan tài sẽ được vận chuyển như hàng hóa quốc tế và phải được niêm phong kín trên máy bay.

Cước phí vận chuyển phụ thuộc vào trọng lượng thi thể, quốc gia nơi người quá cố tử vong và giá cước của các hãng hàng không.

Ví dụ, chi phí hồi hương thi thể công dân Vương quốc Anh từ Australia rơi vào khoảng 13.000 đến 17.000 USD, nếu từ Tây Ban Nha là 4.700 đến 6.500 USD. Tuy nhiên, có một số công ty hộ tang nhỏ cung cấp các gói vận chuyển giá rẻ. Chi phí trọn gói để công ty Mears Repatriation có trụ sở tại London vận chuyển thi hài người quá cố từ Anh về Thái Lan chỉ rơi vào khoảng 2.800 bảng, khách hàng có thể lựa chọn 3 sân bay Chang Mai ở phía Bắc, Suvarnabhumi International gần Bangkok và Phuket ở phía Nam để đón người thân.

Giám đốc điều hành cấp cao của tổ chức International SOS Veenu Karir chỉ ra rằng việc vận chuyển tro cốt ít phức tạp hơn nhiều so với việc di chuyển toàn bộ thi thể.

“Có nhiều phương thức khác nhau để hồi hương tro cốt, bao gồm vận chuyển hàng không, dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc thậm chí là hành lý xách tay trên máy bay với một người đi kèm miễn là tất cả các tài liệu được sắp xếp theo thứ tự”, ông Karir cho biết.

Tại Anh, giá vận chuyển tro cốt người quá cố sẽ dao động từ khoảng 265-295 bảng (nếu đi tới châu Âu) và 650 bảng (nếu tới Australia và New Zealand), trong khi chi phí vận chuyển sang các nước như Mỹ, Canada hay Nam Phi là 850 bảng. Chi phí hồi hương tro cốt vào Vương quốc Anh tốn kém hơn là vận chuyển đi các quốc gia khác, nhưng vẫn rẻ rất nhiều so với chi phí hồi hương bằng quan tài.

Chi phí hồi hương, trong nhiều trường hợp, được chi trả bởi chính sách bảo hiểm du lịch và bảo hiểm y tế tư nhân quốc tế (PMI). "Hầu hết các chính sách bảo hiểm đều có giới hạn chi trả, mặc dù có một số chính sách cung cấp bảo hiểm 100%", Marco Gantenbein, giám đốc điều hành của hãng bảo biểm Swiss Partners Partners, cho biết.

Tuy nhiên, bảo hiểm du lịch hoặc PMI sẽ gần như không bao giờ trả chi phí chôn cất hoặc hỏa táng ở nước sở tại. “Phải luôn cẩn thận kiểm tra phạm vi bảo hiểm của bạn”, theo ông Gantenbein.

Khám nghiệm tử thi thường không nằm trong phạm vi các chương trình bảo hiểm. Tại Vương quốc Anh, chi phí cho một ca phẫu thuật khám nghiệm tử thi dao động từ khoảng 2.000 cho tới 6.000 bảng. Chi phí có thể cao hơn nhiều tùy thuộc vào các xét nghiệm nâng cao hoặc các khoản phí chuyên môn khác có thể được yêu cầu trong quá trình khám nghiệm.

Sau tất cả, điều quan trọng nhất là các gia đình có người thân qua đời không nên nản chí bởi các thủ tục pháp lý.

"Đó là một thủ tục tương đối đơn giản. Công ty hộ tang sẽ hướng dẫn gia đình những gì cần phải làm. Người thân phải đăng ký giấy chứng tử, những thủ tục còn lại sẽ do chúng tôi lo liệu”, ông Kevin McAlister - một quan chức từ công ty hộ tang lớn nhất nước Anh Co-op Funeralcare, chia sẻ.

Vào ngày 15/10 năm 2019, bác sĩ Sayed Mirwais Rohani (32 tuổi) đã tự sát tại một trung tâm chăm sóc y tế ở thành phố Brisbane, Australia. Rohani là một người tị nạn gốc Afghanistan, anh được cử đến làm việc tại đảo Manus (Papua New Guinea) vào năm 2013, 4 năm sau Rohani mắc chứng tâm thần và được chuyển đến điều trị ở Brisbane. Tuy nhiên, chính phủ Australia đã từ chối hỗ trợ chi phí để chuyển thi thể của Rohani trở về Afghanistan và không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào về trường hợp này. Hiện cha mẹ của Rohani đang kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để có được khoản tiền 15.000 USD giúp thi thể của con trai mình hồi hương, đã có 100 người quyên góp hơn 6.600 USD cho gia đình Rohani.

Theo Huy Vũ (Ngaynay.vn)