Thế giới

'Thủ phạm' gây ra vụ nổ kinh hoàng tại Beirut là gì?

Một lượng lớn ammonium nitrate được cất giữ trong một nhà kho tại cảng Beirut được cho là nguyên nhân gây ra vụ nổ.

Vụ nổ lớn tại một nhà kho cảng Beirut, Lebanon hôm 04/08 đã khiến hơn 100 người chết và hơn 4.000 người bị thương. Video ghi lại vụ nổ cho thấy một đám khói hình nấm màu đỏ-nâu, nhà cửa trong phạm vi hàng km bị san phẳng.

Hãng tin Al-Jazeera dẫn lời thủ tướng Lebanon Hassan Diab cho biết nguồn gốc của vụ nổ là hơn 2.700 tấn ammonium nitrate được lực lượng chức năng thu giữ cách đây sáu năm và được cất giữ tại một nhà kho ở bến cảng.

Ammonium nitrate là hợp chất hóa học thường được sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp. Nitơ trong ammonium nitrate được đánh giá là yếu tố quan trọng trong quá trình quang hợp của cây, chuyển hóa ánh nắng mặt trời thành năng lượng sử dụng chất diệp lục. So sánh với các loại phân bón khác, ammonium nitrate có nhiều ưu điểm trong ứng dụng thực tiễn.

Tuy vậy, ammonium nitrate cũng là hợp chất dễ nổ, được nhiều nơi trên thế giới sử dụng trong các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng. Trong điều kiện bình thường, hợp chất này rất khó phát nổ. Ammonium nitrate sẽ phát nổ khi tiếp xúc với tạp chất hoặc dầu nhiên liệu dưới nhiệt độ cao.

'Thủ phạm' gây ra vụ nổ kinh hoàng tại Beirut là gì?
Hiện trường vụ nổ tại Beirut, Lebanon hôm 04/08 (Ảnh: AP)

Khi bị nung đến nhiệt độ trên 76 độ C, ammonium nitrate sẽ bắt đầu phân hủy. Tuy vậy dưới nhiệt độ tăng nhanh hoặc được kích nổ, một phản ứng hóa học sẽ diễn ra, biến đổi ammonium nitrate thành nitơ, khí oxy và hơi nước. Các sản phẩm của phản ứng này là vô hại, tuy vậy quá trình phản ứng sản sinh ra nguồn năng lượng rất lớn.

"Việc tạo ra vụ nổ dựa trên nguyên tắc đi từ hợp chất năng lượng cao tới hợp chất năng lượng thấp. Năng lương sản sinh ra sẽ là sức mạnh của vụ nổ,"  Ian Rae, giáo sư Đại học Melbourne giải thích.

Để vụ nổ có thể diễn ra, áp suất phải được gia tăng trong một không gian khép kín, không thể phát tán ra bên ngoài. Việc đốt ammonium nitrate ngoài trời thường không gây ra một vụ nổ, theo giáo sư Rae.

Bên cạnh đó, trong một vụ nổ, không phải toàn bộ ammonium nitrate sẽ được sử dụng hết. Một số ít sẽ phân hủy chậm, tạo ra khí gas độc hại, chẳng hạn như nitrogen oxide. Đó là những khí gas tạo ra khói màu đỏ-nâu nhìn thấy được trong những hình ảnh, video ghi lại vụ nổ tại Beirut, ông Rae cho biết thêm.

Do ammonium nitrate có khả năng gây nổ rất cao, nhiều nước đã ban hành các quy định nghiêm ngặt trong việc bảo quản, xử lý hợp chất này.

"Hợp chất này thường được bảo quản trong các điều kiện nghiêm ngặt, với số lượng được điều chỉnh để giảm thiểu nguy cơ gây nổ," Brent Kaiser, nhà sinh vật học tại Đại học Sydney cho biết.

Aammonium nitrate được cho là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ nổ nghiêm trọng trong quá khứ. Năm 2015, các vụ nổ được cho là liên quan tới 800 tấn ammonium nitrate ở Thiên Tân đã xảy ra, khiến 173 người thiệt mạng.

Một trong những vụ tai nạn công nghiệp nghiêm trọng nhất lịch sử Mỹ cũng liên quan tới ammonium nitrate. Năm 1947, một con tàu ở cảng Texas chở khoảng 2.300 tấn ammonium nitrate bắt lửa, được cho là từ một mẩu thuốc lá, đã gây ra hàng loạt vụ nổ khiến 581 người thiệt mạng.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)