Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Thông tin trái ngược về chiến sự, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao 'rồng lửa' Nga cho Ukraine

Trong khi tình báo Anh cho biết quân Ukraine đã phản kích, đẩy lui các lực lượng Moscow ở một số nơi, phía Nga tuyên bố đã tiến sâu hơn vào lãnh thổ nước láng giềng.

Thủ đô Kiev của Ukraine đang bị hai đoàn xe thiết giáp chính của Nga từ phía đông và tây bắc áp sát, uy hiếp suốt 2 tuần qua. Tuy nhiên, trong báo cáo tình báo cập nhật tình hình chiến sự ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, quân Ukraine đã xúc tiến một đợt phản kích đánh bật các lực lượng Nga ở phía đông.

Thông tin trái ngược về chiến sự, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao 'rồng lửa' Nga cho Ukraine
Nhiều ngôi nhà ở làng Byshiv, ngoại ô Kiev bị san phẳng sau các đợt oanh tạc của lực lượng Nga. Ảnh: Reuters

"Các cuộc phản công của người Ukraine cũng như việc quân Nga gặp khó vì các nguồn tiếp tế bị kéo căng quá mức đã cho phép Ukraine tái giành quyền kiểm soát các thị trấn và vị trí phòng thủ ở cách Kiev tới 35km về phía đông", trích báo cáo.

Reuters dẫn lời Volodymyr Borysenko, thị trưởng của Boryspol, một vùng ngoại ô phía đông có đặt sân bay chính của Kiev, cho biết 20.000 dân thường đã rời khỏi khu vực, đáp ứng lời kêu gọi dọn đường để quân đội Ukraine có thể đẩy lùi quân Nga.

Ông Borysenko nói, quân chính phủ cũng chiếm lại một ngôi làng từ tay binh lính Nga ở giữa Boryspol và Brovary một ngày trước đó và có thể sẽ tiến xa hơn. Song, họ đã tạm dừng phản kích để tránh gây nguy hiểm cho dân thường.

Ở mặt trận chính khác phía tây bắc thủ đô, quân đội Ukraine đang cố gắng bao vây các lực lượng Nga ở những vùng ngoại ô lân cận như Irpin, Bucha và Hostomel, nơi đã trở thành đống đổ nát do giao tranh ác liệt trong vài tuần qua. Ở Bucha, cách Kiev 25 km về phía tây bắc, một nhóm nhỏ lính Ukraine được trang bị tên lửa chống tăng đang đào hầm, sẵn sàng kháng cự quân đối phương.

Ngược lại, trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã tiến sâu thêm 4km vào lãnh thổ Ukraine và thâu tóm kiểm soát thêm nhiều khu vực gồm Batmanka, Mikhailovka, Krasny Partizan, Stavki và Troitskoye.

Quân đội Nga cho biết đã dùng các tên lửa Kalibr phá hủy kho nhiên liệu Kalinovka then chốt của Ukraine ở ngoại ô Kiev đêm 24/3. Hiện tại, họ đang mở cuộc tấn công nhắm vào tiểu đoàn không quân 25 của Ukraine.

Interfax trích dẫn thống kê của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 1.351 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 3.382 quân nhân khác bị thương kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2. Các con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của Mỹ và dữ liệu do phía Ukraine công bố.

Thông tin trái ngược về chiến sự, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao 'rồng lửa' Nga cho Ukraine - 1
Ảnh vệ tinh cho thấy các xe chở dầu đang bốc cháy và khói đen bốc lên từ một khu công nghiệp của Chernihiv bị Nga oanh tạc. Ảnh: Maxar

Thủ hiến Chernihiv xác nhận, thành phố phía bắc Ukraine này đã bị các lực lượng Nga bao vây, cô lập. Ông nói, Chernihiv đang bị quân Nga pháo kích và dùng máy bay oanh tạc dữ dội. Thành phố đã bị cắt điện nhiều ngày và khoảng 150.000 người đang bị mắc kẹt tại đây với rất ít hy vọng nhận được đồ tiếp tế. Khoảng 10 người đã thiệt mạng trong một ngày do trúng đạn pháo.

Theo Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, Kiev muốn có một hành lang nhân đạo ở Chernihiv vào ngày 26/3. Song, quan chức này nói, đàm phán với Nga về việc thiết lập các hành lang nhân đạo rất khó vì Moscow muốn các dân thường sơ tán đến những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của họ.

Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, bưu cục Nova Poshta, nơi đã trở thành trung tâm chuyển giao hàng viện trợ nhân đạo cho các tổ chức từ thiện và các dân phòng ở Ukraine đã bị trúng pháo kích. Quân đội Nga đang không ngừng gia tăng bắn phá thành phố.

Thông tin trái ngược về chiến sự, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao 'rồng lửa' Nga cho Ukraine - 2
Cảnh đổ nát ở Kharkiv. Ảnh: Reuters

Trước thông tin Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao các hệ thống phòng thủ mệnh danh "rồng lửa" S-400 do Nga sản xuất cho Ukraine để hỗ trợ Kiev, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định vấn đề này đã khép lại. Lí do vì, các hệ thống vũ khí đó là tài sản của Ankara và chúng rất cần để đảm bảo an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tin trái ngược về chiến sự, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao 'rồng lửa' Nga cho Ukraine - 3
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo Ankara nói thêm, ông có kế hoạch hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tuần nhằm thảo luận về kết quả của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels trong tuần này. Ông Erdogan cũng nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không áp trừng phạt Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine như các đồng minh khác, đặc biệt xét về nhu cầu năng lượng.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, đang đứng ra làm trung gian hòa giải đàm phán giữa hai bên. Ông Erdogan tiết lộ, các đại diện Moscow và Kiev đã hiểu rõ các vấn đề khúc mắc chính và đang nỗ lực tìm tiếng nói chung.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tho-nhi-ky-tu-choi-giao-he-thong-phong-thu-s-400-cho-ukraine-825616.html