Thế giới

Thời điểm bất thường, nguyên nhân dai dẳng đằng sau đối đầu Trung Quốc - Ấn Độ ở biên giới

Cuộc đối đầu giữa 2 nước ở đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh được coi là thực sự nghiêm trọng, có thể nói là nghiêm trọng nhất kể từ vụ đối đầu ở Doklam năm 2017.

Đối đầu nghiêm trọng nhất từ 2017

Đối đầu giữa các lực lượng biên phòng Ấn Độ và Trung Quốc trên biên giới không phải là điều gì mới. Hàng năm có khoảng 400 - 500 vụ xâm nhập qua lại lẫn nhau trên biên giới, trong đó không ít lần binh sĩ hai nước ẩu đả và đối đầu căng thẳng với nhau. Tuy nhiên, vụ đối đầu lần này trên đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh được coi là thực sự nghiêm trọng, có thể nói là nghiêm trọng nhất kể từ vụ đối đầu ở Doklam năm 2017.

Khác với những lần trước, cuộc đối đầu lần này diễn ra trên diện rộng tại nhiều điểm trên đường LAC. Đầu tháng 5, gần 300 binh sĩ hai nước đã ẩu đả lẫn nhau gần hồ Pangong, sau đó căng thẳng lan ra một số điểm khác ở phía Đông Ladakh.

Khu vực căng thẳng nhất hiện nay là thung lũng Galwan, nơi cả hai bên đều đòi chủ quyền. Quân đội hai bên cũng xô xát ở mỏm Hot Springs. Tiếp đó, khoảng 150 binh sĩ hai bên cũng tham gia một vụ ẩu đả khác ở đèo Naku La tại phía Bắc bang Sikkim.

Vụ đối đầu lần này bắt đầu xảy ra khi hàng ngàn quân Trung Quốc sau khi kết thúc một cuộc tập trận trong khu vực Aksai Chin, đã xâm nhập vào một số điểm còn tranh chấp ở Ladakh, dựng lều bạt, đào công sự và đưa nhiều thiết bị quân sự hạng nặng tới đây. Cụ thể, một lữ đoàn Trung Quốc đã xâm nhập vào sâu 3 - 4km so với LAC và chiếm khoảng 15 - 20km ở khu vực sông Galwan và một lữ đoàn khác vào sâu 8-10km so với LAC và chiếm một diện tích khoảng 30km2 ở khu vực Bắc hồ Pangon. Trung Quốc cũng cho quân vượt qua đường LAC tại khu vực Hot Springs và khu vực Demchok.

Để đáp lại, Ấn Độ cũng điều một số tiểu đoàn từ sư đoàn bộ binh đóng tại thành phố Ladakh lên khu vực biên giới. Quân đội 2 bên đóng quân chỉ cách nhau khoảng 500m. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đã xâm nhập vào thung lũng Galwan, làm đường và thay đổi nguyên trạng dọc theo LAC, nên phía Trung Quốc phải đáp lại một cách kiên quyết. Trong khi đó phía Ấn Độ nói chính quân đội Trung Quốc đã cản trở các hoạt động tuần tra quân đội Ấn Độ ở trong lãnh thổ Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, quân đội Ấn Độ hoàn toàn nhận biết đường LAC và rất có trách nhiệm trong việc quản lý biên giới nhưng cũng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình.

Nguyên nhân dai dẳng

Cuộc đối đầu lần này có chung nguyên nhân giống như những lần trước, đó là đường biên giới giữa hai nước chưa được phân định rõ ràng. Đường biên giới Ấn - Trung dài 3.440km được trước đây được xác định bằng đường McMahon ở phía Đông và đường Johnson ở phía Tây, trong những thỏa thuận ký giữa Anh và với chính quyền Tây Tạng, nhưng Trung Quốc không thừa nhận.

Sau chiến tranh biên giới 1962, hai nước tạm thời quản lý đường biên giới bằng đường kiểm soát thực tế LAC. Tuy nhiên, đường LAC trên thực địa rất không rõ ràng và nhiều khu vực còn gây ra cách hiểu khác nhau. Hai bên bắt đầu đàm phán biên giới từ năm 1981, nhưng qua 20 vòng đàm phán, hai bên vẫn không đạt kết quả gì đáng kể, thậm chí chưa trao đổi bản đồ để xác định yêu sách chính xác của mỗi bên.

Thời điểm bất thường, nguyên nhân dai dẳng đằng sau đối đầu Trung Quốc - Ấn Độ ở biên giới

Vắng bóng một đường biên giới rõ ràng là nguyên nhân khiến các vụ xâm nhâm qua đường LAC thường xuyên xảy ra, có khi dẫn đến những cuộc đối đầu căng thẳng trên biên giới, như đã từng xảy ra năm 1986 tại thung lũng Sumdorong Chu ở Arunachal. Năm 1993, hai bên ký một thỏa thuận về các biện pháp giữ yên tĩnh trên biên giới và thiết lập cơ chế giải quyết các sự cố biên giới ở cấp địa phương. Nhiều vụ đối đầu đã được giải quyết nhanh chóng theo cơ chế này. Tuy nhiên, các vụ xâm nhập qua lại trên đường LAC không chấm dứt. Các vụ đối đầu nghiêm trọng như tại thung lũng Debsang tại Đông Ladakh năm 2013 hay vụ đối đầu tại Doklam năm 2017 đã không thể giải quyết được ở cấp địa phương.

Sự tranh giành vị trí chiến lược

Cuộc đối đầu lần này có một nguyên nhân cụ thể là việc cả hai bên xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá trong khu vực do mỗi bên quản lý. Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng trong khu vực Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát, nhưng lại không hài lòng khi Ấn Độ xây dựng sân bay và đường sá trong khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Năm 2007, Ấn Độ đã xây dựng một sân bay tại khu vực Bắc Ladakh và sau đó triển khai xây dựng một con đường dài 225km từ phía Nam Ladakh chạy song song với LAC tới Sân bay. Con đường này đã được khánh thành tháng 10/2019.

Đằng sau của câu chuyện xây dựng hạ tầng là sự tranh giành vị trí chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên thực địa. Các công trình hạ tầng của Ấn Độ có ý nghĩa lớn đối với việc bảo vệ khu vực Bắc Ladakh và khu vực sông băng Siachen. Con đường chay dọc LAC cũng như các đường nhánh dẫn ra LAC tạo nên một tuyến phòng thù dọc theo LAC và giúp Ấn Độ tăng khả năng di chuyển người và phương tiện nhanh chóng khi xảy ra chiến sự.

Về phần mình, sau chiến tranh 1962, Trung Quốc rút khỏi một số khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trước năm 1960, và chỉ giành quyền đã kiểm soát những vị trí tầm quan trong chiến lược ở khu vực Aksai Chin, nhằm bảo vệ chắc chắn con đường huyết mạch NH 219 nối Tây Tạng với Tân Cương. Do vậy, ban đầu Trung Quốc đơn giản chỉ muốn duy trì nguyên trạng tại LAC.

Tuy nhiên, khi Ấn Độ phát triển hạ tầng, đường sá tại Ladakh, đặc biệt khi Ấn Độ củng cố con đường dài 25 km nối Depsang nối với thung lũng Gallewan và đèo Karakoram, thì Trung Quốc lại cảm thấy bị đe dọa và tìm mọi cách ngăn cản. Trung Quốc lo ngại khu vực Aksai Chin và đường cao tốc (NH) của Trung Quốc có thể bị đe dọa. Căn cứ quân sự cùng sân bay Ngari của Trung Quốc nơi có đường cao tốc NH 219 đi qua, chỉ cách khu Demchok do Ấn Độ kiểm soát có 50km.

Thời điểm bất thường, nguyên nhân dai dẳng đằng sau đối đầu Trung Quốc - Ấn Độ ở biên giới - 1

Trung Quốc cũng lo ngại khi Ấn Độ củng cố cơ sở hạ tầng và thế đứng chiến lược sẽ từ đây sẽ đe dọa con đường cao tốc chiến lược Karakoram nối Trung Quốc với Pakistan và Hàng lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) mà Trung Quốc đã đầu tư 60 tỷ USD, như một phần của Sáng kiến Vành đại Con đường, để Trung Quốc có thể vận chuyển hàng hóa của mình từ Tây Tạng qua cảng Gwadar (Pakistan) ra biển Ả-râp. Thậm chí, Trung Quốc còn nghi ngờ rằng về lâu dài Ấn Độ muốn khôi phục hiện trạng trước năm 1950 tức là lấy lại toàn bộ khu vực Aksai Chin.

Thời điểm khác thường

Tại sao đối đầu nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Ladakh lại xảy ra vào lúc này?

Các nhà quan sát cho rằng cuộc đối đầu lần này là rất khác thường. Thông thường, các binh sĩ hai bên đối mặt nhau rồi rút lui trong hòa bình. Nếu có xảy ra đối đầu thì cũng được khoanh lại và giải quyết ở cấp địa phương.

Tuy nhiên, lần này đối đầu phân tán ra nhiều nơi và dường như được thiết kế một cách có chủ ý. Nhiều khả năng Trung Quốc đang tranh thủ khi đã thoát khỏi dịch Covid trong khi các nước xung quanh còn đang loay hoay với dịch bệnh, để khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình và phô trương sức mạnh của mình không chỉ trên biên giới với Ấn Độ mà cả với Biển Đông, Biển Hoa Đông, Đài Loan và Hồng Kông.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh vị thế quốc tế của Trung Quốc xuống mức thấp do bị chỉ trích che giấu thông tin dịch Covid, các công ty nước ngoài đang tháo chạy khỏi Trung Quốc, nội bộ có nhiều bất ổn, thì Trung Quốc càng giương vây lên để thể hiện hình ảnh mạnh mẽ không bị suy chuyển gì trước sự chỉ trích của thế giới. Có lẽ, Trung Quốc đang muốn bắn đi một tín hiệu về quyết tâm một trật tự thế giới mới do Trung Quốc là trung tâm, và các nước khác phải qui phục.

Thời điểm bất thường, nguyên nhân dai dẳng đằng sau đối đầu Trung Quốc - Ấn Độ ở biên giới - 2

Trung Quốc cho rằng Ấn Độ là vật cản trên con đường thực hiện mục tiêu của Trung Quốc. Trung Quốc rất không hài lòng với việc Ấn Độ quyết định thông qua Luật đưa khu vực Ladakh (mà Trung Quốc nghi ngờ có thể bao gồm cả khu vực Aksai Chin của Trung Quốc) vào lãnh thổ Liên bang Ấn Độ. Không những thế, Ấn Độ còn phản đối CPEC và từ chối tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.

Do vậy, Trung lợi dụng lúc Ấn Độ đang vướng bận chống đỡ Covid để dằn mặt Ấn Độ và đánh đi tín hiệu rằng bất kỳ nước nào chống lại Trung Quốc cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả tương tự. Dường như Trung Quốc đang muốn thử quyết tâm của không chỉ Ấn Độ mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

Sử dụng kênh đàm phán cấp cao?

Những nguyên nhân trên đây cho thấy đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên biên giới không dễ gì giải quyết và nếu có giải quyết được thì đối đầu cũng có thể tái diễn. Lập trường của hai bên hiện nay vẫn rất cứng rắn và đổ lỗi cho nhau. Phía Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp tục tăng quân tại khu vực Đông Ladakh để cân bằng với lực lượng của Trung Quốc đã đưa đến khu vực này và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực thuộc lãnh thổ Ấn Độ.

Thời điểm bất thường, nguyên nhân dai dẳng đằng sau đối đầu Trung Quốc - Ấn Độ ở biên giới - 3

Ấn Độ cũng khẳng định không dùng vũ lực để giải quyết vụ đối đầu này. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng không dễ gì dùng đối thoại để thuyết phục Trung Quốc rút khỏi khu vực mà Trung Quốc vừa xâm nhập. Đối với Trung Quốc thì vào lúc này xuống thang sẽ khó hơn leo thang. Đặc biệt, nếu cả hai bên đều muốn giữ lợi thế chiến lược của mình trên thực địa, thì căng thẳng sẽ còn kéo dài và thậm chí leo thang.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Ấn Độ và Trung Quốc là thấp vì cả hai nước đều có vũ khí hạt nhân và Ấn Độ đã có tiềm lực mạnh hơn nhiều so với khi xảy ra xung đột biên giới Trung - Ấn năm 1962. Cái giá phải trả cho một cuộc xung đột giữa hai bên là rất lớn, trong khi cả hai đều cần tập trung nguồn lực để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hơn nữa, Trung Quốc không thể đẩy Ấn Độ đi quá xa với Mỹ và phải đối phó với nhiều thách thức cùng một lúc.

Thời điểm bất thường, nguyên nhân dai dẳng đằng sau đối đầu Trung Quốc - Ấn Độ ở biên giới - 4

Do vậy, cho dù đối đầu cho đến nay vẫn chưa chấm dứt nhưng không còn căng thẳng như lúc đầu nữa. Điều thuận lợi là hai bên đã có sẵn các cơ chế để đối thoại với nhau. Các cấp quân sự hai bên đã có các cuộc gặp gỡ trong những ngày gần đây. Kênh ngoại giao cũng đã được kích hoạt ở cả thủ đô New Delhi và Bắc Kinh. Nếu các kênh đối thoại nói trên không mang lại kết quả gì, thì có thể hai bên sẽ phải sử dụng đến kênh đàm phán cấp cao giữa Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm chấm dứt đối đầu.

Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/thoi-diem-bat-thuong-nguyen-nhan-dai-dang-dang-sau-doi-dau-trung-quoc-an-do-o-bien-gioi-820209672237229.htm