Thế giới

Thị trưởng Hồi giáo của London không muốn Anh “trải thảm đỏ” đón ông Trump

Ông Sadiq Khan, Thị trưởng gốc Hồi giáo đầu tiên của London, kêu gọi Anh không “trải thảm đỏ” để đón Tổng thống Donald Trump vì những chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo và nhập cư.

Ông Sadiq Khan, Thị trưởng gốc Hồi giáo đầu tiên của London, kêu gọi Anh không “trải thảm đỏ” để đón Tổng thống Donald Trump vì những chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo và nhập cư.

Thị trưởng London Sadiq Khan (trái) và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: DNA)

“Tôi yêu nước Mỹ, tôi yêu người dân Mỹ và tôi tin tưởng rằng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước là một điều tốt đẹp. Khi bạn kết bạn với một ai đó, duy trì một mối quan hệ đặc biệt với họ, và tất nhiên song hành cùng họ cả trong những thời điểm khó khăn, nhưng nếu họ mắc sai phạm thì bạn cũng cần phải lên tiếng”, RT dẫn lời Thị trưởng Sadiq Khan nói trong một chương trình truyền hình phát sóng hôm 19/2.

“Tôi nghĩ lệnh cấm công dân từ 7 quốc gia có đông dân Hồi giáo và ngừng các chương trình tiếp nhận người tị nạn thật đáng xấu hổ. Trong trường hợp này, chúng ta không nên trải thảm đỏ”, ông Khan nói, ngụ ý tới việc Anh nên từ chối tiếp đón Tổng thống Donald Trump tới quốc gia này.

Bình luận của Thị trưởng Khan được đưa ra chỉ một ngày trước khi các nghị sĩ Anh tham gia tranh luận về một đơn kiến nghị trực tuyến, trong đó hối thúc chính phủ “giáng cấp” chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump tới Anh, dự kiến diễn ra vào mùa hè năm nay. Những người ký đơn cho rằng, Anh vẫn nên mời ông Trump tới thăm nhưng nhà lãnh đạo Mỹ không nên được tiếp đón theo nghi thức của chuyến thăm cấp nhà nước. Đơn kiến nghị cũng cảnh báo rằng chuyến thăm cấp nhà nước của tân tổng thống Mỹ sẽ khiến Nữ hoàng Anh “bối rối” và làm ảnh hưởng tới danh tiếng của Nữ hoàng.

“Ông Donald Trump không nên làm khách mời của Nữ hoàng vì những quan điểm không coi trọng phụ nữ. Do đó, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump không nên được mời đến Anh trong một chuyến thăm cấp nhà nước chính thức”, đơn kiến nghị nêu rõ.

Đơn kiến nghị trên được đệ trình từ tháng 11/2016, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, số người ký đơn bất ngờ tăng vọt, lên đến hàng trăm nghìn người, ngay sau khi ông Trump ký sắc lệnh di trú cấm công dân của 7 quốc gia có đông dân Hồi giáo vào Mỹ hồi tháng 1. Về nguyên tắc, bất kỳ đơn kiến nghị nào có hơn 100.000 chữ ký sẽ được Quốc hội Anh đưa ra xem xét và thảo luận công khai. Tính đến ngày 20/2, tức tròn 30 ngày ông Trump nhận nhiệm sở, hơn 1.850.000 người đã lên tiếng phản đối chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của tân tổng thống Mỹ tới Anh.

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức ngỏ lời mời Tổng thống Trump tới Anh - một động thái khiến bà vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận trong nước. Bà May cũng đã có chuyến thăm chính thức tới Mỹ hồi cuối tháng 1 và là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc tiếp xúc với ông Trump sau khi tỷ phú New York tuyên thệ nhậm chức.

Theo Thành Đạt (Dân Trí)