Thế giới

Thế giới ghi nhận gần 8,4 triệu ca mắc, hơn 450.000 người chết vì nCoV

Thế giới ghi nhận gần 8,4 triệu ca nhiễm và hơn 450.000 người chết do nCoV, trong bối cảnh vẫn còn nhiều "điểm nóng" như Nam Mỹ, Ấn Độ.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 15/6, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 8.382.495 trường hợp, trong đó 450.213 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 4.377.079 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.    

Thế giới ghi nhận gần 8,4 triệu ca mắc, hơn 450.000 người chết vì nCoV
Ảnh minh họa

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 23.675 ca mắc và 783 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 2.232.075 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 119.915 trường hợp.

Các quan chức Mỹ cho hay loại vaccine Covid-19 mà chính quyền Tổng thống Trump hy vọng sẽ có vào tháng một năm sau, có thể không cho hiệu quả như nhau với toàn dân. Họ cũng kỳ vọng khoảng 40 triệu người Mỹ sẽ có kháng thể SARS-CoV-2 vào cuối năm nay, làm giảm số người cần tới vaccine Covid-19. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) ước tính có tới 12% trong tổng số dân 331 triệu người của Mỹ sẽ không cần tiêm vaccine Covid-19 vì đã tiếp xúc với SARS-CoV-2 trước đó.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 31.475 ca nhiễm và 1.209 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 960.309 và 46.665.

Các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại số người chết vì Covid-19 trên thực tế tại Brazil bị che đậy, căn cứ vào tình trạng thiếu xét nghiệm, cùng sự tăng vọt số ca tử vong vượt mức, tức số người chết vượt quá dự đoán dựa trên tỷ lệ tử vong cùng kỳ những năm trước đây. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định hệ thống y tế của nước này vẫn chịu được áp lực.

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 194 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 7.478. Số ca nhiễm tăng thêm 7.843, lên 553.301, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ 30/4. Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ ngày 12/5 và các địa phương được phép áp dụng cách chống dịch khác nhau. Moskva từ ngày 9/6 được phép tự do ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 13.103 ca mắc và 341 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 367.264, trong đó có 12.262 ca tử vong.

Anh ghi nhận thêm 1.115 ca mắc và 184 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 17/6. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 299.251 trường hợp, trong đó có 42.153 ca tử vong. Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất châu Âu.

Tây Ban Nha ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại là 291.763 trong đó có 27.136 ca tử vong do Covid-19.

Peru đã vượt Italy trở thành nước có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ 7 thế giới với tổng số 240.908 ca mắc và 7.257 ca tử vong vì dịch bệnh này. Số ca mắc mới và tử vong ghi nhận trong ngày 17/6 tại Peru là 3.752 và 201.

Italy ghi nhận thêm 328 ca mắc mới và 43 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 237.828, trong đó có 34.448 ca tử vong.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 195.051 sau khi ghi nhận thêm 2.612 trường hợp. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 9.185 trường hợp.

Đức báo cáo thêm 1.797 ca nhiễm và 17 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 190.179 và 8.927. Cùng với Bỉ, Pháp và Hy Lạp, Đức đã mở cửa biên giới cho các nước trong khối EU từ hôm 15/6. Nước này sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng đến ngày 29/6. Thủ tướng Merkel cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến tháng 10.

Các nước trong khu vực Mỹ Latin tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Chile ghi nhận 184.449 và 3.615 ca tử vong. Các con số này tại Mexico là 154.863 và 18.310.

Bộ Y tế Chile ngày 17/6 cho biết đã công bố thiếu hơn 31.000 ca Covid-19 trên toàn quốc do quá trình nhập số liệu thống kê gặp lỗi kỹ thuật. Theo thông báo, sự thiếu sót các ca nhiễm bắt nguồn từ giữa tháng 3/2020. Hầu hết những trường hợp bị thiếu là các ca nhiễm bệnh thể nhẹ, không nhập viện mà tự điều trị tại nhà. Các báo cáo về các ca bệnh này được để ở trạng thái “đang xử lý” dẫn đến tình trạng thiếu sót khi nhập số liệu công bố trên trang web chính thức của Bộ Y tế. Dự kiến, chi tiết hơn 31.000 ca nhiễm bị thiếu sẽ được bổ sung và công bố vào ngày 18/6.

Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 1.429 ca mắc mới và 19 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 17/6. Tổng số ca mắc tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là 182.727 trường hợp, trong đó có 4.861 ca tử vong.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 17/6 là 158.174, trong đó tổng số ca tử vong là 29.575.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 83.265 trường hợp, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của ổ dịch Tân Phát Địa, nhiều chuyên gia Trung Quốc dự đoán, đợt dịch lần này có thể đã xuất hiện từ 1 tháng trước.

Trong một cuộc làm việc tại Thượng Hải hôm 16/6, ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc Cao Phúc cho biết: “Đợt dịch này ở Bắc Kinh không phải xuất hiện hồi đầu tháng 6 hoặc cuối tháng 5, mà rất có thể là từ 1 tháng trước ở đây đã có rất nhiều người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Như vậy mới có thể có nhiều virus như thế trong môi trường. Đây là suy đoán của chúng tôi lúc này, vẫn cần phải chứng thực tiếp”.

Trước đó, ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia trưởng của CDC Trung Quốc cũng nhận định, đặc điểm chung giữa dịch ở Vũ Hán và Bắc Kinh là cả 2 ổ dịch chợ đầu mối Tân Phát Địa và chợ hải sản Hoa Nam đều có môi trường ẩm thấp, tối lạnh. Đây có thể là những nơi phù hợp cho virus tồn tại.

Indonesia đã vượt Singapore trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với 41.431 ca mắc và 2.276 ca tử vong do Covid-19. Các con số này ở Singapore là 41.216 và 26, ở Philippines là 27.238 và 1.108, ở Malaysia là 8.515 và 121.

Việt Nam, Lào, CampuchiaĐông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

HP (Nguoiduatin.vn)