Thế giới

Thầy bói đã nói câu gì khiến vua Càn Long tự thoái vị và những điều đến tận ngày nay vẫn chưa có giải đáp

Tương truyền, trong một lần cải trang thành thường dân đi vi hành, vua Càn Long đã được một thầy tướng số xem bói và đưa ra một lời tiên đoán. Sau khi về cung, ông hoàng này quyết định thoái vị, nhường ngôi cho con trai. Cho đến tận ngày nay, lời người thầy bói nói với Càn Long là gì vẫn chưa được giải đáp.

Thanh Cao Tông (sinh ngày 25/9/1711, tức năm Khang Hi thứ 50 – mất ngày 7/2/1799, tức năm Gia Khánh thứ 4), niên hiệu Càn Long, húy Hoằng Lịch, là người con trai thứ 4 của Hoàng đế Ung Chính và là Hoàng đế thứ sáu của nhà Thanh. Càn Long là hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc (88 tuổi), thời kỳ trị vì của Càn Long kéo dài hơn 60 năm từ 11/10/1736 đến 1/9/1795, và là thời cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của nhà Thanh.

Từ trước tới nay, có rất nhiều tài liệu cũng như bằng chứng lịch sử nói về một trong những vị vua nổi tiếng này của lịch sử Trung Hoa, tuy nhiên có một số điều mà các nhà sử học vẫn chỉ biết bỏ ngỏ khi không tìm được lời giải đáp phù hợp về những bí ẩn xung quanh vị vua này.

Bí ẩn lời tiên tri khiến Càn Long thoái vị, nhường ngôi cho Gia Khánh

Thầy bói đã nói câu gì khiến vua Càn Long tự thoái vị và những điều đến tận ngày nay vẫn chưa có giải đáp

Vua Càn Long (1711 - 1799) là hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh. Ông lên ngôi báu vào năm 1736 và trị vì đất nước trong 60 năm. Vào năm 1796, hoàng đế Càn Long thoái vị, nhường ngôi cho con trai là hoàng tử Vĩnh Diễm (tức hoàng đế Gia Khánh). Theo đó, Càn Long trở thành Thái thượng hoàng.

Không chỉ có thời gian tại vị dài, hoàng đế Càn Long còn là vị vua sống thọ nhất lịch sử Trung Quốc thời phong kiến. Ông hoàng này sống thọ 88 tuổi. Sau Càn Long, chỉ có 2 quân vương sống thọ hơn 80 tuổi là: Võ Tắc Thiên (82 tuổi) và Lương Vũ Đế Tiêu Diễn của Nam Bắc triều (86 tuổi).

Khi tìm hiểu về cuộc đời vua Càn Long, các nhà nghiên cứu lịch sử biết được một giai thoại được lưu truyền trong dân gian liên quan đến quyết định thoái vị, nhường ngôi cho con trai của ông hoàng nổi tiếng lịch sử này.

Tương truyền, khi về già, vua Càn Long vẫn giữ thói quen thỉnh thoảng xuất cung, cải trang thành thường dân đi vi hành để tìm hiểu cuộc sống của dân chúng. Theo đó, ông hoàng này đi qua Tô Châu đã gặp một thầy tướng số có khí chất của một cao nhân. Mặc dù trong cung có những đạo sĩ lo xem bói, gieo quẻ nhưng vua Càn Long vẫn muốn để cho thầy tướng số ở Tô Châu xem vận mệnh, tương lai cho mình như thế nào.

Thầy bói đã nói câu gì khiến vua Càn Long tự thoái vị và những điều đến tận ngày nay vẫn chưa có giải đáp - 1
Ngay khi nghe xong lời người xem bói, vua Càn Long liền quyết định thoái vị nhường ngôi cho con.

Thay vì hỏi vua Càn Long bát tự của người xem bói để tiên đoán vậnh mệnh như nhiều người khác, thầy tướng số kia không làm như vậy. Ngay khi hoàng đế nhà Thanh vừa ngồi xuống ghế chưa nói câu gì thì thầy tướng số đã nhận ra ngay thân phận cao quý của "vị khách" đặc biệt này. Thầy tướng số liền nói một câu: "Cao cao tại thượng mệnh bất cửu hĩ, cấp lưu dũng thối hoán đắc tam tái". Câu nói này có nội dung là còn ở ngôi cao thì số mạng không dài, biết rút lui đúng lúc sẽ đổi lại thêm 3 năm tuổi thọ.

Sau khi nghe xong "tiên tri" của thầy tướng số, vua Càn Long rời đi với vẻ mặt bình thản nhưng trong lòng khá rối ren. Đi được một đoạn, ông sai người quay lại thủ tiêu thầy tướng số. Tuy nhiên, khi thuộc hạ của Càn Long quay trở lại, thầy tướng số đã biến mất. Trên bàn chỉ còn lại một tờ giấy có viết: "Cả thiên hạ này, lão phu chỉ xem quẻ cho một mình ngài".

Đọc xong tờ giấy đó, Vua Càn Long trăn trở rất nhiều. Vào cuối năm 1796, ông quyết định nhường ngôi cho con trai thứ 15 là hoàng tử Vĩnh Diễm và trở thành Thái thượng hoàng. Từ đây, nhiều người cho rằng, quyết định thoái vị của ông có thể liên quan đến "tiên tri" của thầy tướng số đã gặp ở Tô Châu. Theo đó, quyết định làm theo lời thầy tướng số được cho là giúp Càn Long sống thọ hơn.

Bí ẩn về thi thể của người phụ nữ trong lăng mộ vua Càn Long khiến ông lúc nào cũng bảo vệ?

Sử sách chép lại, trong suốt thời gian trị vì, vua Càn Long lập tới 3 hoàng hậu, hơn 40 bà phi chưa kể hàng trăm quý nhân, thường tại, đáp ứng khác. Tháng 8 năm 1928 sau khi nghe tin lăng mộ của tổ tiên bị đào bới, vua Phổ Nghi đã vô cùng tức giận và lệnh cho người đến xử lý. Khi dọn dẹp trong địa cung của Dụ lăng, mọi người phát hiện ra một thi thể nữ còn nguyên vẹn, điều này cũng được tìm thấy trong nhật ký ghi chép của Thanh thất dị thần khi tham gia chỉnh lý và dọn dẹp khu lăng mộ.

Theo phán đoán thì thi thể nữ này là của Lệnh nghi hoàng quý phi (sau được truy phong là Hiếu Nghi hoàng hậu) mẹ đẻ của hoàng đế Gia Khánh mất năm 49 tuổi. Lệnh phi nương nương tên thật là Ngụy Tiểu Ngọc. Là phi tần trong cung của Càn Long. Theo sử sách thì bà rất xinh đẹp, không những cầm kì thi họa, mà còn rất hiểu biết. Bà là một trong những phi tần được Càn Long sủng ái nhất, coi là tri kỷ bên mình. Tháng 10 năm Càn Long thứ 60, Lệnh Ý Hoàng Quý phi Ngụy thị được truy phong là Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu.

Thầy bói đã nói câu gì khiến vua Càn Long tự thoái vị và những điều đến tận ngày nay vẫn chưa có giải đáp - 2
Ai mới thực sự là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời vua Càn Long vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Tuy nhiên, ngoài Lệnh Phi, một người phụ nữ khác cũng được Càn Long sủng ái không kém, người này có tên là Hương Phi. Hương Phi sinh ngày 15/9/1734 tức năm thứ 12 Ung Chính. Nàng là hậu duệ của thủy tổ Hồi giáo phái Cát Mộc Ba Nhĩ, Bỉnh Trì, Tân Cương. Vào ngày 4/2/1760, tức năm thứ 25 Càn Long, hoàng đế đã phong ngay nàng là quý nhân không phải qua "thường tại" và "đáp ứng". Điều này chứng tỏ Càn Long rất mực yêu thương nàng. 

Mọi thói quen sinh hoạt và tín ngưỡng tôn giáo của nàng đều được nhà vua quan tâm và coi trọng. Càn Long còn cho mời đầu bếp đạo Hồi vào cung để nấu ăn cho nàng. Ngày 30/12/1761, Càn Long phụng ý chỉ của Hoàng thái hậu tấn phong cho nàng từ hòa quý nhân lên Dung tần. Năm sau phong cho Đồ Nhĩ Đô anh trai nàng là phụ quốc công.

Quay trở lại lăng mộ của Càn Long, nơi này có tổng cộng 6 ngôi mộ, có người chết và nhập táng trước bà, cũng có người sau bà, có người trẻ hơn có người thì già hơn nhưng tại sao tất cả 5 người khác thì đã hóa thành xương cốt mà duy nhất chỉ có thi hài của bà sau 153 năm vẫn nguyên vẹn không thối rữa, mặt mũi vẫn như đang sống đến nay vẫn chưa có lời giải thích.

Qủa thực, mỹ nhân sắc nước hương trời như Hương Phi hay tri kỷ trăm năm Lệnh Phi ai mới thực sự là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời ông vua Càn Long. Có lẽ cho đến nay chưa ai có thể lý giải được.

Bí mật về người tình tiền kiếp "không phải phụ nữ" của vua Càn Long

Có rất nhiều dị bản nói về mối quan hệ giữa hoàng đế Càn Long với Hòa Thân khiến người đời cảm thấy tò mò, khó hiểu. Trong số đó, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất chính là Hòa Thân - là truyền kiếp của một vị phi tử vì Càn Long mà chết. Theo đó, khi Càn Long còn nhỏ, mới chỉ là một hoàng tử, trong một lần đi dạo đã nhìn thấy một vị phi tử xinh đẹp của bố mình - vua Ung Chính - đang ngồi chải đầu. Vốn tính tò mò và nghịch ngợm, Càn Long đã nảy sinh ý định trêu đùa vị phi tử này. Ông đến gần và bịt mắt nàng từ phía sau. Bị giật mình, vị phi tử đã vô tình đập trúng chiếc lược gỗ vào mặt Càn Long.

Ngày hôm sau, vua Ung Chính thấy trên mặt con trai có vết xước, liền gặng hỏi nhưng Càn Long không dám trả lời. Mãi sau đó, ông mới thú nhận sự thật. Thái hậu khi đó rất tức giận, cho rằng vị phi tử kia muốn đùa giỡn và xúc phạm Càn Long nên đã ban cho nàng cái chết. Càn Long vô cùng hối hận vì gây ra cái chết cho vị phi tử này, do đó khi nàng ra đi, ông đã đánh dấu một vết máu đỏ lên tay nàng cùng lời hứa hẹn: "Là ta đã hại chết nàng. Nếu linh hồn nàng linh thiêng, 20 năm nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau".

Thầy bói đã nói câu gì khiến vua Càn Long tự thoái vị và những điều đến tận ngày nay vẫn chưa có giải đáp - 3
Càn Long và Hòa Thân trên phim ảnh.

Không biết thực hư thế nào nhưng nhiều năm về sau, Càn Long nối ngôi vua, trong một lần ra ngoài đi dạo không thấy lọng vàng, liền tức giận trách hỏi. Lúc này, một Loan nghi vệ (công việc cụ thể là khiêng kiệu) có tên Hòa Thân đã đứng ra nhận lỗi. Ngay khi vừa nhìn thấy Hòa Thân, vua Càn Long đã có cảm giác quen thuộc như từng gặp gỡ qua. Sau đó, ông còn sửng sốt hơn khi thấy trên tay cổ tay của Hòa Thân cũng có một vết bớt đỏ. Năm đó, Hoà Thân mới chỉ ngoài 20 tuổi.

Nhớ lại những chuyện trước đây từng xảy ra, đặc biệt là lời hứa của mình, vua Càn Long tin chắc rằng Hòa Thân chính là do vị phi tử đã chết năm nào đầu thai mà thành. Về mối quan hệ giữa Càn Long và Hòa Thân, nhiều người cho rằng vị quan được vua sùng ái kia chỉ là tên tham quan, chuyên nịnh hót, tuy nhiên, Hòa Thân không phải là một vị quan bất tài, chỉ nhờ sự sủng ái của vua mà thăng tiến. Tương truyền, ông tinh thông 4 thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh. Bên cạnh đó, Hòa Thân còn có tài chính trị, quân sự, ngoại giao, lập được nhiều công lớn trong lịch sử. Năm 1799, Hòa Thân qua đời, chỉ 15 ngày sau khi vua Càn Long băng hà.

QT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/thay-boi-da-noi-cau-gi-khien-vua-can-long-tu-thoai-vi-va-nhung-dieu-den-tan-ngay-nay-van-chua-co-giai-dap-d165601.html