Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Thành phố 13 triệu dân ở Trung Quốc đối diện khủng hoảng lương thực sau 7 ngày phong tỏa chống Covid-19

Bộ Thương mại Trung Quốc trấn an người dân thành phố Tây An đang bị phong tỏa rằng họ sẽ được nhận nhu yếu phẩm cần thiết, sau khi nhiều người phàn nàn thiếu lương thực.

Thành phố 13 triệu dân ở Trung Quốc đối diện khủng hoảng lương thực sau 7 ngày phong tỏa chống Covid-19
Nhân viên giao hàng chuẩn bị các túi lương thực cho người dân ở Tây An (Ảnh: Reuters)

Thành phố Tây An, dân số 13 triệu người ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) bị phong tỏa trong 8 ngày qua do bùng phát Covid-19.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng hôm 30/12 cho biết Bộ đã phối hợp cùng sáu tỉnh lân cận để đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm hàng ngày, trong khi Sở Thương mại ở Tây An cũng đang nỗ lực đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

155 trên tổng số 156 ca nhiễm Covid-19 địa phương mới được báo cáo ở Trung Quốc hôm 29/12 là ở Tây An, theo thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Ca nhiễm còn lại được ghi nhận ở tỉnh Quảng Tây. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng ghi nhận 51 ca nhiễm ngoại nhập.

Tây An đã ghi nhận tổng cộng 1.117 ca nhiễm trong đợt bùng phát bắt đầu từ 09/12. Giới chức đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt đối với thành phố này, bao gồm yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế di chuyển và xét nghiệm bắt buộc. Hôm 29/12, toàn thành phố bước vào một đợt xét nghiệm diện rộng mới.

Số ca nhiễm mới ở Tây An và ở Trung Quốc nhìn chung còn thấp so với một số nước khác trên thế giới, tuy vậy Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược "Zero Covid", giới chức các địa phương thường nhanh chóng áp dụng các biện pháp giới hạn nghiêm ngặt để dập dịch. Trung Quốc hiện có 2.563 người nhiễm bệnh, trong đó có 15 người bệnh nặng.

Trong khi đó, Mỹ, Anh và một số nước châu Âu đã báo cáo số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục, lên tới vài trăm ngàn, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan rộng. Trung Quốc tới nay đã báo cáo 9 ca nhiễm Omicron.

Tại Tây An, người dân không được phép ra đường, trừ khi đi xét nghiệm hoặc những lý do khác đã được chấp thuận, đồng nghĩa với việc họ phải trông chờ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác được giao tới nơi ở. Tuy vậy, trên các trang mạng xã hội, hàng ngàn người đã phàn nàn việc thiếu lương thực mà không thể mua thêm.

Chen Jianfeng, phó giám đốc Sở Thương mại thành phố Tây An hôm 29/12 cho biết lý do chủ yếu người dân "gặp khó khăn khi mua thực phẩm" là do thiếu nhân lực vận chuyển hàng hóa.

Trên Weibo, một người dùng tên là "Skinny" viết: "Mọi chuyện đang ngày càng lố bịch. Tôi không nghĩ đời mình lại có ngày không ngủ được vì thiếu đồ ăn."

Trong một bài viết khác, người dùng tên là "Shengquanlieshou" cho rằng việc thiếu thực phẩm trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán là có thể hiểu được, nhưng tình trạng tương tự xảy ra ở Tây An sau nhiều đợt phong tỏa là rất khó hiểu.

Đợt bùng phát ở Tây An được cho là có liên quan tới hành khách trên một chuyến bay từ Pakistan. Ổ dịch liên quan tới chuyến bay này đã lan ra sáu thành phố tại năm tỉnh.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/thanh-pho-13-trieu-dan-o-trung-quoc-doi-dien-khung-hoang-luong-thuc-sau-7-ngay-phong-toa-chong-covid-19-tintuc803530