Thế giới

'Thái tử Samsung' được ra tù sớm: Covid-19, cuộc khủng hoảng thiếu chip và thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Hàn Quốc

Lee vào tù để lại khoảng trống lãnh đạo tại nhà sản xuất chip nhớ, smartphone và thiết bị gia dụng hàng đầu thế giới đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung khiến cuộc cạnh tranh trong làng công nghệ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Sáng nay, "thái tử Samsung " Jay Y. Lee chính thức ra tù, một lần nữa được trả tự do. Lee được thả sau khi bị bắt lần thứ hai hồi tháng 1 năm nay với tội danh hối lộ. Tuy nhiên, nhân vật này vẫn có nguy cơ phải quay trở lại nhà tù nếu như bị kết tội trong một vụ án khác.

Tất cả các vụ án liên quan đến Lee đều xoay quanh những "phương tiện" mà người thừa kế của Samsung đã sử dụng để cố gắng giành lấy quyền kiểm soát tập đoàn được sáng lập bởi người ông của Lee – người được cho là đã góp phần hạ gục một vị Tổng thống và thổi bùng lên sự bất mãn của công chúng trước mối quan hệ quá thân thiết giữa chính phủ Hàn Quốc và các doanh nghiệp.

Lee vào tù để lại khoảng trống lãnh đạo tại nhà sản xuất chip nhớ, smartphone và thiết bị gia dụng hàng đầu thế giới đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung khiến cuộc cạnh tranh trong làng công nghệ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Lee cũng được thả vào đúng thời điểm nhạy cảm, khi chỉ còn vài tháng nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra.

'Thái tử Samsung' được ra tù sớm: Covid-19, cuộc khủng hoảng thiếu chip và thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Hàn Quốc

Jay Y. Lee là ai?

Năm nay 53 tuổi, Lee là phó Chủ tịch của Samsung Electronics và là người thừa kế của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Người cha Lee Kun-Hee đã dẫn dắt Samsung trong nhiều năm cho đến khi bị đau tim năm 2014. Ông qua đời ngày 25/10 năm ngoái sau nhiều năm đau ốm. Trong quãng thời gian đó Jay Y. Lee trở thành nhà lãnh đạo không chính thức của Samsung.

Lee đã củng cố quyền lực của mình sau khi thừa kế số cổ phần của người cha tại 3 công ty con và giải quyết vấn đề thuế thừa kế (Hàn Quốc là một trong những nước đánh thuế thừa kế cao nhất thế giới). Theo thống kê của chỉ số Bloomberg Billionaire Index, gia tộc Lee có tài sản vào khoảng 30 tỷ USD và số thuế thừa kế mà họ phải nộp là vào khoảng 10 tỷ USD.

Tranh cãi pháp lý xoay quanh "thái tử Samsung" là gì?

Đầu năm 2017, Lee lần đầu bị các thẩm phán đặc biệt của Hàn Quốc buộc tội tham nhũng. Theo đó Samsung đã biếu tặng những con ngựa và các khoản thanh toán cho bạn thân của 1 cựu Tổng thống để vụ thừa kế của Lee được ủng hộ.

Vụ việc thổi bùng lên làn sóng chỉ trích những tập đoàn tư nhân quyền lực nhất Hàn Quốc (chaebol) và cũng là nguyên nhân chính khiến bà Park Geun-hye mất chức Tổng thống. Ban đầu Lee bị kết án 5 năm tù, nhưng sau đó được giảm một nửa thời giant hi hành án và đến năm 2018 đã được trả tự do.

Tuy nhiên, tháng 8/2019 tòa án tối cao Hàn Quốc đảo ngược quyết định của tòa cấp thấp hơn và yêu cầu xét xử lại. Tháng 1 vừa qua Lee bị kết án 2,5 năm tù.

Vụ án đang tiếp diễn là gì?

Lee vẫn đang bị điều tra vì 1 vụ án khác được mở vào ngày 22/10/2020 và có thể kéo dài sang năm 2022, cộng thêm thời hạn 2 năm kháng cáo.

Các công tố viên buộc tội 11 người (trong đó có Lee và các cựu lãnh đạo của Samsung) sau khi đào sâu các chi tiết về vụ sáp nhập gây nhiều tranh cãi giữa 2 công ty con của Samsung Group từ năm 2015. Cuộc điều tra được khởi động sau khi cơ quan giám sát ngành tài chính kết luận rằng Samsung Biologics đã cố tình vi phạm luật kiểm toán và thổi phồng giá trị công ty trước khi IPO.

Cơ quan điều tra nghi ngờ điều này là để điều chỉnh tỷ lệ sáp nhập giữa Cheil Industries (chủ sở hữu lớn nhất của Biologics) và Samsung C&T, hướng đến mục đích cuối cùng là nâng giá trị cổ phần mà Lee nắm giữ tại Cheil cũng như tầm ảnh hưởng của Lee tại Samsung Group.

Bên cạnh đó, tháng 6 vừa qua Lee bị truy tố vì sử dụng trái phép propofol, 1 chất gây mê có tác dụng rất mạnh. Vụ việc sẽ bắt đầu được xét xử từ tháng 8 tới.

Samsung bị ảnh hưởng ra sao?

Theo quy định chính thức thì Lee cần được miễn trừ khỏi lệnh hạn chế làm việc trong 5 năm để có thể quay trở lại lãnh đạo Samsung. Tuy nhiên đây là 1 "vùng xám". Khoảng 2 năm qua Lee vẫn điều hành tập đoàn dù không ngồi trong hội đồng quản trị và có thể tiếp tục tham gia lãnh đạo công ty.

Suốt thời gian vừa qua Samsung gần như vẫn hoạt động bình thường và các nhà đầu tư cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên việc Lee quay trở lại có thể giúp thúc đẩy các sáng kiến như dự án đầu tư 17 tỷ USD ở Mỹ hay các vụ M&A lớn của Samsung.

Dư luận Hàn Quốc nói gì?

Quyết định trả tự do cho Lee cũng phản ánh bài toán khó mà Tổng thống Moon Jae-in đang phải đối mặt: bảo vệ di sản chính trị của bản thân và giúp đảng của ông chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử sắp tới. Các lãnh đạo đã bị buộc tội của các chaebol, trong đó có cả bố của Lee, thường được Tổng thống ân xá. Điều này được đánh giá là ít có rủi ro chính trị vì có thể được Bộ trưởng Tư pháp thông qua mà không cần được Tổng thống chấp thuận.

Vì đại dịch Covid-19 kéo dài và cuộc khủng hoảng thiếu chip ngày càng trầm trọng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi trả tự do cho Lee. Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc cho biết đã tính đến phản ứng của dư luận và cả tình hình kinh tế khi ra quyết định thả Lee.

Năm ngoái Lee có động thái hiếm thấy khi lên tiếng thừa nhận đã mắc sai lầm và xin lỗi công chúng, hứa sẽ không trao lại quyền lãnh đạo Samsung cho những đứa con của mình.

Samsung đã hành động rất tích cực trong cuộc chiến chống lại Covid-19 của Hàn Quốc, cung cấp bác sĩ và giúp đẩy nhanh sản xuất các bộ kit xét nghiệm. Đầu năm nay, tập đoàn đã ký thỏa thuận với Moderna để được chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Samsung có được thỏa thuận này một phần nhờ các cam kết đầu tư ở Mỹ.

Theo Thu Hương (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/thai-tu-samsung-duoc-ra-tu-som-covid-19-cuoc-khung-hoang-thieu-chip-va-the-tien-thoai-luong-nan-cua-tong-thong-han-quoc-161211308114803838.htm