Thế giới

Thái Lan đổ tiền giúp dân nghèo miền Bắc để ngăn cựu Thủ tướng Thaksin

Chính phủ quân sự Thái Lan đổ tiền cho dân nghèo vùng Đông Bắc để giành sự ủng hộ trước cuộc bầu cử năm tới và ngăn chặn ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Ở vùng nông thôn Đông Bắc xa xôi, quê hương của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin, những người nông dân trồng lúa như ông Wassan Chaipanya đang dần sung túc kể từ khi chính quyền quân sự nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.

Ông Wassan trồng lúa trên diện tích 4 mẫu ở Ubon Ratchathani, một trong những tỉnh lớn nhất vùng đông bắc. Ông nói chính quyền của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha đem lại hòa bình và giá gạo ổn định.

Chính sách phúc lợi và trợ cấp gạo của chính quyền quân sự đã giúp ông Wassan có thu nhập hàng năm khoảng 80.000 baht (57 triệu đồng).

"Chính phủ Thủ tướng Prayut rất tốt với chúng tôi" - ông Wassan, 39 tuổi, người ủng hộ đảng phái của Thaksin trong 2 thập kỷ qua, nói với tờ The Straits Times. "Kỳ bầu cử tới chúng tôi sẽ xem đảng nào ra tranh cử để bỏ phiếu".

Thái Lan đổ tiền giúp dân nghèo miền Bắc để ngăn cựu Thủ tướng Thaksin
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: FT

Vùng Đông Bắc Thái Lan đã giúp Thaksin và các đồng minh giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 2001. Nhưng đến bầu cử năm 2007 sau đảo chính, đồng minh của Thaksin chỉ giành được 4/11 phiếu ở tỉnh Ubon Ratchathani.

Giới quân sự Thái Lan đã giành chiến thắng ở Ubon Ratchathani, đây là 1 trong 5 tỉnh vùng Đông Bắc ủng hộ Hiến pháp do quân đội đề xuất trong cuộc trưng cầu dân ý 2016.

Hồi tháng 7 năm nay, Thủ tướng Prayut tổ chức cuộc họp nội các ở khu vực này để thúc đẩy kế hoạch của Chính phủ giải ngân 3 tỉ USD trợ cấp nông dân và thực hiện một loạt các dự án cơ sở hạ tầng.

Gần đây, ít nhất 7 nghị sĩ Đảng Pheu Thai của Thaksin đã bày tỏ ý định bỏ đảng này để ủng hộ đảng của chính phủ quân sự.

Thaksin, một tỉ phú viễn thông, đã sử dụng tài sản và chính sách dân túy như trợ giá lúa gạo, chăm sóc y tế giá rẻ để giành sự ủng hộ của người dân nông thôn vùng Đông Bắc. Nhưng những chính sách này là cái cớ để quân đội đảo chính năm 2014 lật độ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái Thaksin, cáo buộc bà lãng phí tiền của chính phủ bằng trợ giá lúa gạo. Bà Yingluck chạy khỏi Thái Lan để tránh án tù.

Tuy nhiên, để giành tình cảm của người dân nghèo, chính quyền quân sự vẫn sử dụng các chính sách tương tự, bao gồm cung cấp tiền mặt, cho vay và trợ cấp cho nông dân giúp họ bình ổn giá gạo.

Theo phát ngôn viên chính phủ, Thiếu tướng Sansern Kaewkaamnerd, cách tiếp cận của chính phủ quân sự thân thiện hơn với thị trường và không dẫn đến tích trữ lượng lớn lúa gạo.

"Chúng tôi có những chương trình giúp nông dân và khuyến khích họ đa dạng hóa mùa màng, không đặt cược cuộc sống của họ chỉ vào một loại nông sản, khắc phục tình trạng thừa cung trong mùa thu hoạch" - ông Sansern nói. "Chúng tôi không mù quáng đưa cho họ một khoản tiền lớn mà không tính đến thị trường hoặc loại mùa màng mà họ gieo trồng".

Mặc dù tướng Prayut không thể trực tiếp ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới, song ông nói vẫn muốn tham gia chính trường, và cần thêm thời gian để xem nên gia nhập đảng nào.

Theo Hiến pháp mới của Thái Lan - ủng hộ các đảng phái nhỏ - ông Prayut có thể vẫn giữ cương vị Thủ tướng nếu nhận đủ số phiếu ủng hộ của các chính trị gia được bầu.

Theo Ngọc Vân (Lao Động)