Thế giới

Tên lửa Mỹ từng “khủng bố” quân đội Nga: Trở lại và lợi hại hơn xưa

Gần đây, tên lửa Stinger ít được sử dụng tại Iraq và Afganistan, chủ yếu là do chúng không còn quá cần thiết trong bối cảnh khi mà Mỹ đã giành được sự bá chủ trên không trung.

Tên lửa Mỹ từng “khủng bố” quân đội Nga: Trở lại và lợi hại hơn xưa

Hệ thống phóng Avenger trên xe Humvee

Nhưng nếu như các lực lượng bộ binh gặp phải đối thủ tương xứng về lực lượng với không quân có khả năng cạnh tranh với Mỹ thì khi đó tên lửa Stinger sẽ lại trở thành vũ khí thích hợp để chống trực thăng và máy bay.

Không những thế, loại tên lửa này cũng có thể sử dụng để tiêu diệt các máy bay không người lái cỡ nhỏ, do vậy có thể phỏng đoán rằng tên lửa Stinger sẽ ngày càng được sử dụng thường xuyên hơn trong các cuộc chiến chống quân nổi dậy hoặc chiến tranh hỗn hợp.

Trở lại và lợi hại hơn xưa 

Theo thông tin mới nhất, Stinger hiện nay có khả năng tiêu diệt được các thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ nhờ đầu nổ hiện đại hơn, là loại đạn phân mảnh, có khả năng tự phân tán và kích nổ khi áp sát mục tiêu, giúp tăng xác suất diệt mục tiêu.

Trong thử nghiệm, khi được phóng đi từ hệ thống Avenger lắp trên các xe chiến đấu, tên lửa Stinger đã từng tiêu diệt những thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ ở cự ly hơn 1km nhờ được trang bị đầu đạn chạm nổ - công nghệ mới giúp nó bắt bám và tiêu diệt các mục tiêu cơ động và có kích thước nhỏ hơn so với những mục tiêu truyền thống của loại vũ khí này.

Công tác bắn thử nghiệm tên lửa lần đầu tiên trang bị đầu nổ tiếp xúc đã diễn ra vào hồi tháng 4 năm ngoái tại căn cứ không quân Eglin AFB ở bang Florida (Mỹ).

Tên lửa Mỹ từng “khủng bố” quân đội Nga: Trở lại và lợi hại hơn xưa - Ảnh 1.

Tên lửa Stinger gây ra nỗi "ám ảnh" với mọi đối thủ

Theo lời các kỹ sư chế tạo quân sự, tên lửa Stinger trở nên nổi tiếng sau khi chúng sử dụng hiệu quả để chống các máy bay trực thăng của Nga tại Afghanistan vào thập niên 1980. Khi đó, chúng sử dụng đầu dò hồng ngoại với khả năng hoạt động được cả trong tần sóng cực tím.

Ngoài ra, những tên lửa nói trên hiện giờ còn có thêm khả năng tiêu diệt được các thiết bị bay không người lái mini với trọng lượng từ 2 đến 20kg. Thông tin này được chuyên gia chế tạo các hệ thống tên lửa trên nền tảng Stinger, ông Wayne Leonard chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Scout Warrior.

Cựu chuyên gia nghiên cứu của Lục quân Mỹ nhấn mạnh, máy đo xa laser của hệ thống Avenger có khả năng sử dụng thuật toán bằng máy tính để xác định khoảng cách chính xác tới mục tiêu.

"Các mối đe dọa sẽ thay đổi, và hiện nay chúng ta, nhờ đầu đạn chạm nổ, có thể tiêu diệt được những thiết bị bay không người lái nhỏ gọn hơn. Tên lửa Stinger cảm nhận được tín hiệu nhiệt.

Một trong những thách thức liên quan tới những thiết bị bay không người lái nhỏ gọn hơn đó là chúng không tạo ra tín hiệu nhiệt giống như các trực thăng và máy bay có thiết kế cánh không thay đổi", Đại tá Chuck Worshim, lãnh đạo dự án chế tạo các hệ thống phòng vệ trước những tên lửa hành trình nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên tạp chí Scout Warrior.

Không ai muốn gặp loại tên lửa này

Những tên lửa này có khả năng tấn công cả mục tiêu được bảo vệ lẫn không được bảo vệ. Theo ông Worshim, tên lửa Stinger có thể được phóng độc lập hoặc phóng phối hợp với những hệ thống khác nhờ các công nghệ điều khiển và theo dõi.

Hệ thống phóng Avenger lắp đặt trên xe Humvee có thể phóng các tên lửa Stinger cũng như triển khai hỏa lực từ súng máy 12,7mm để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và tầm thấp.

Bán kính hoạt động của tên lửa Stinger ước vào khoảng 8km, còn tốc độ bay của nó nhanh hơn tên lửa Longbow Hellfire. Tên lửa Hellfire ban đầu được chế tạo để chống xe tăng, nhưng hiện nay danh sách các mục tiêu có thể bị tiêu diệt bởi nó đã được mở rộng.

Tên lửa Mỹ từng “khủng bố” quân đội Nga: Trở lại và lợi hại hơn xưa - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa Avenger trên xe Humvee

"Khi phóng từ bệ Avenger, tên lửa Stinger có thể tiếp nhận dữ liệu về mục tiêu mà không cần phải hướng trực diện vào mục tiêu. Còn hệ thống phóng vác vai của Stinger chỉ có thể được phóng ra khi nó được hướng trực tiếp vào mục tiêu", ông Worshim cho biết.

Theo Bảo Lam (Soha/Trí Thức Trẻ)