Thế giới

Tên lửa Kornet có khiến Trophy không kịp phản ứng?

Dù không được đánh giá cao trong chiến tranh hiện đại nhưng tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet vẫn đủ sức xuyên thủng lớp phòng vệ tối tân Trophy của Israel.

Theo Al-Masdar News, trong chiến dịch quân sự tại Lebanon năm 2006, Hezbollah đã đưa vào tham chiến rất nhiều tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Kornet do Nga sản xuất và gây thiệt hại đáng kể cho xe tăng chủ lực Merkava của Isarel.

Các xe tăng hạng nặng của Isarel đã mắc kẹt trong địa hình rừng núi chật hẹp của Lebanon, trở thành mục tiêu lí tưởng cho tên lửa chống tăng.

Chính vì sự thiếu hiệu quả của xe tăng, mà các chiến dịch chống du kích của Isarel phải sử dụng bộ binh như lực lượng chính, gây ra thiệt hại lớn.

Tên lửa Kornet có khiến Trophy không kịp phản ứng?
Tên lửa Kornet của Nga.

Theo số liệu được trang Military-Today công khai, trong cuộc chiến này, tổng cộng có khoảng 50 chiếc Merkava bị trúng đạn gây thiệt hại, 21 chiếc bị bắn xuyên giáp (15 vì tên lửa và 6 vì mìn chống tăng).

Trong số đó, đã ghi nhận 5-6 chiếc Merkava bị phá hủy bởi tên lửa chống tăng Kornet.

Ngay khi hứng chịu thất bại nặng nề trước một lực lượng không quá mạnh, người Israel nhanh chóng nghiên cứu phát triển hoàn thiện lớp giáp bảo vệ tốt nhất cho Merkava Mk 4 với hệ thống phòng vệ chủ động Trophy chuyên chống lại tên lửa chống tăng.

Trong một cuộc xung đột vào ngày 1/3/2011 (sau khi đã được trang bị hệ thống Trophy), xe tăng Merkava đã chứng minh rằng mình là "pháo đài bất khả xâm phạm" - hệ thống Trophy đã đánh chặn được tên lửa chống tăng Kornet của Hamas.

Thành công khiến Israel quyết định trang bị Trophy cho toàn bộ xe tăng Merkava và xe chiến đấu hiện có của mình. Theo giới thiệu của nhà sản xuất Rafale của Israel, Trophy-A là hệ thống phòng vệ chủ động dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép các loại, để đối phó với mối nguy hiểm đến từ tên lửa chống tăng.

Bộ phận quan trọng của Trophy ASPRO-A là radar EL/M 2133 băng tần F/G, có nhiệm vụ phát hiện, kiểm soát, phân loại các mối đe dọa từ tên lửa chống tăng. Radar có 4 ăng ten được gắn trên xe, cung cấp trường quan sát 360 độ, được hỗ trợ bởi các cảm biến.

Khi một tên lửa chống tăng hay đạn pháo chống tăng được bắn vào xe, máy tính trên xe dựa vào tín hiệu thu được về tên lửa thông qua radar và hệ thống cảm biến, sẽ thiết lập tính toán quỹ đạo bay, góc độ mà tên lửa sẽ tiếp cận xe tăng.

Khi mối đe dọa được xác định, máy tính sẽ tính toán thời gian và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa chống tăng và vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn. Hệ thống kích nổ bố trí hai bên hông của xe, sử dụng một tay robot nạp tự động đặt bên trong xe. Cánh tay được lập trình sẵn để hướng vụ nổ về phía mục tiêu.

Trong trường hợp tên lửa chống tăng không bị phá hủy hoàn toàn, năng lượng từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể, khiến quả đạn không thể thực hiện nhiệm vụ xuyên thủng vỏ giáp như mong muốn. Trong hầu hết các cuộc thử nghiệm của Rafale, Trophy-A hoành thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thậm chí, vụ thử được diễn ra trong một phạm vị hẹp vừa đủ để tiêu diệt tên lửa mà không gây tổn hại đến bộ binh đi kèm. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, hệ thống có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa từ tên lửa chống tăng cùng lúc từ mọi hướng.

Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)