Thế giới

Tăng trưởng GDP Trung Quốc 'thảm' nhất gần 30 năm qua

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3 năm nay thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng yếu nhất trong gần 3 thập kỷ qua của nước này.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc 'thảm' nhất gần 30 năm qua
Các container hàng hóa tập trung tại một cảng biển ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, những số liệu thống kê chính thức do Bắc Kinh công bố sáng nay (18-10) tiếp tục cho thấy xu thế tăng trưởng đã chững lại và sự giảm tốc của nền kinh tế nước này. Quý 2 năm nay tăng trưởng GDP Trung Quốc là 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế này đến từ tình hình sản xuất kém sôi động trong bối cảnh ảnh hưởng mạnh mẽ từ thương chiến Mỹ - Trung cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm.

Kết quả tăng trưởng kinh tế quý 3-2019 cũng đang ở điểm cận dưới trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 của chính phủ Trung Quốc là từ 6,0% - 6,5%.

Số liệu chính thức vừa công bố khác so với kết quả phân tích của hãng tin Reuters khi nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc giai đoạn từ tháng 7-9 năm nay đạt 6,1%.

Giới quan sát cho rằng với thực tế đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cần triển khai thêm các biện pháp kích thích, thúc đẩy kinh tế, và ngăn chặn đà giảm sâu của tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Các đối tác thương mại của Trung Quốc cũng như giới đầu tư đang theo dõi rất sát tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là trong bối cảnh có những hứa hẹn mới về việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

"Có rất nhiều sự thiếu chắc chắc liên quan tới vấn đề thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung”, bà Ho Woei Chen, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OUB của Singapore, nhận định.

"Tôi nghĩ các mức thuế quan dự kiến áp dụng từ 15-12 sẽ có những tác động rất quan trọng với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020", bà nói tiếp.

Những số liệu kinh tế "buồn tẻ" trong những tháng gần đây của Trung Quốc cũng cho thấy nhu cầu thị trường trong cũng như ngoài nước của Trung Quốc đã yếu đi.

Hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng quy mô tác động của các biện pháp kích thích mạnh mẽ ở Trung Quốc sẽ bị giới hạn với một nền kinh tế vốn đã bị đè nặng vì các khoản nợ công sau các chu kỳ nới lỏng kinh tế trước đây.

Tầm nhìn về kinh tế Trung Quốc lúc này cho thấy sẽ không dễ có những thay đổi sớm diễn ra ngay cả khi những căng thẳng trong cuộc thương chiến kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington được tháo gỡ phần nào.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận về giai đoạn một của thỏa thuận và tạm hoãn việc tăng áp thuế với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan chức Mỹ khẳng định vẫn còn rất nhiều việc phải làm tiếp theo.

Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) từng cảnh báo thương chiến Mỹ - Trung sẽ khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019 rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tuy nhiên cũng nói tình hình có thể đảo chiều nếu các chính sách phạt thuế qua lại giữa hai bên được dỡ bỏ.

Theo D.Kim Thoa (Tuoitre.vn)