Thế giới

Taliban tái lập hình phạt chặt tay, ném đá

Taliban tái lập Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại, vốn đã bị bãi bỏ sau khi quân đội Mỹ xuất hiện ở Afghanistan, khiến dư luận lo ngại.

"Mục đích chính là phụ vụ đạo Hồi, do đó bắt buộc phải có Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại," Mohammad Yousuf, 32 tuổi, chịu trách nhiệm "khu vực trung tâm" của Afghanistan nói với phóng viên của New York Post trong văn phòng của ông này ở thủ đô Kabul.

"Chúng tôi sẽ trừng phạt theo quy định của đạo Hồi. Đạo Hồi chỉ dẫn như thế nào, chúng tôi sẽ trừng phạt như vậy," Yousuf nói thêm.

Sẽ có những hình phạt đối với "các tội lỗi lớn theo quy định của đạo Hồi," chẳng hạn như quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, giết người, trộm cắp, ông này cho biết.

"Đạo Hồi có những quy định cho các tội lỗi lớn. Ví dụ, tội giết người có những quy định khác nhau. Nếu cố ý giết người, nếu biết nạn nhân và cố tình giết người, bạn sẽ bị tử hình. Nếu không cố ý sẽ có cách trừng phạt khác, như phạt một số tiền nhất định," Yousuf nói thêm. "Nếu trộm cắp sẽ bị chặt tay. Nếu quan hệ trái pháp luật, những người phạm tội sẽ bị ném đá".

Taliban tái lập hình phạt chặt tay, ném đá
Các quan chức Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại của Taliban (Ảnh: New York Post)

Yousuf cho biết phạm nhân nam và nữ đều sẽ bị trừng phạt hà khắc, tuy rằng Taliban trước đây thường chỉ áp dụng hình phạt ném đá đối với phụ nữ. Yousuf cho biết mỗi vụ án cần bốn nhân chứng, và những nhân chứng này "cần phải có lời khai giống nhau về vụ việc".

"Chỉ cần có khác biệt nhỏ, sẽ không có hình phạt nào được đưa ra. Nhưng nếu tất cả nhân chứng đều cùng nói một điều, hình phạt sẽ được áp dụng. Tòa án Tối cao sẽ giám sát tất cả những vụ việc đó. Nếu họ kết tội, chúng tôi sẽ trừng phạt," ông này cho biết thêm.

Trong giai đoạn Taliban nắm quyền những năm 1996-2001, Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại áp dụng nhiều biện pháp giới hạn hà khắc đối với phụ nữ. Họ phải mặc burqa, không được phép rời khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới giám sát, và không được học hành sau khi hoành thành lớp 6.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng áp dụng thời gian cầu nguyện, bắt buộc nam giới phải nuôi râu, cấm nhạc, hút thuốc và các hình thức giải trí khác như chơi cờ, nhảy múa và thả diều. "Cảnh sát đạo đức" cũng xuất hiện trên đường phố, những người vi phạm quy định bị đánh roi, chặt tay chân hoặc ném đá, tử hình công khai.

Tuy vậy, Yousuf cũng khẳng định Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại sẽ "khác với lần trước". Ông này cho rằng ở chính quyền trước không có nhiều học giả Hồi giáo quyết định các điều luật, trong khi lần này các quy định sẽ được xác định bởi các học giả sau khi chính phủ mới được thành lập.

"Trước đây chúng tôi dùng vũ lực để thực thi đạo Hồi và các quy định, nhưng lần này sẽ không như vậy. Chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi người, sẽ giúp họ hiểu điều hay lẽ phải," Yousuf nói thêm.

"Chúng tôi có thể sẽ dùng vũ lực, nhưng trước tiên chúng tôi sẽ cởi mở. Nhưng nếu người dân tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ dùng đến vũ lực," ông này cho hay.

Yousuf  cũng cho biết lực lượng "cảnh sát đạo đức" vẫn sẽ được triển khai, nhưng "nhân sự ít hơn". Những vấn đề khác như trang phục của phụ nữ hay liệu họ có được học hành, làm việc đầy đủ hay không sẽ sớm được quyết định.

Yousuf cũng khẳng định chương trình giảng dạy của các trường học sẽ được giữ nguyên, nhưng sẽ loại bỏ các chủ đề "đi ngược giáo lý đạo Hồi".

Yousuf cho biết Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại, đứng đầu là Mohamad Khalid, sẽ chuyển tới tòa nhà Bộ Nội vụ.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)