Thế giới

Tại sao những lăng mộ cổ không có dưỡng khí nhưng vẫn có những 'ngọn đèn vĩnh cửu' ngàn năm không tắt?

Khi những tên trộm mộ hoặc những nhà khảo cổ bước vào các lăng mộ, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy có những ngọn đèn vẫn sáng dù đã trải qua hàng nghìn năm.

Trong thời phong kiến cổ đại Trung Quốc thời xưa, những hoàng thân quý tộc luôn có những phong tục chôn cất vô cùng đặc biệt khi họ qua đời. Một trong những phong tục phổ biến nhất là việc chôn theo người đã khuất những của cải, vàng bạc châu báu có giá trị vô cùng lớn, tương xứng với địa vị xã hội của người đó. Chính điều này đã thu hút những kẻ trộm mộ có tâm địa xấu xa và tham lam, muốn độc chiếm những của cải của người đã khuất.

Tuy nhiên, khi bước vào những lăng mộ này, rất nhiều tên trộm mộ đã bất ngờ và kinh ngạc khi thấy tại đó có những ngọn đèn vĩnh cửu, vẫn cháy sáng hừng hực dù đã trải qua hàng trăm năm, thậm chí là cả nghìn năm. Sau này, các nhà khảo cổ học và chuyên gia cũng từng phát hiện những ngọn đèn vĩnh cửu như vậy trong các lăng mộ cổ. Điều đáng ngạc nhiên là những lăng mộ này nằm sâu dưới lòng đất, hoàn toàn không có dưỡng khí, không có oxy, vậy làm sao những ngọn đèn này có thể cháy mãi như vậy được?

Tại sao những lăng mộ cổ không có dưỡng khí nhưng vẫn có những 'ngọn đèn vĩnh cửu' ngàn năm không tắt?
Ảnh minh họa

Việc thắp đèn trong những lăng mộ cũng đều có lý do. Thứ nhất, nó có mục đích xua đuổi thú dữ và ma quỷ. Bên cạnh đó, theo quan niệm của người xưa, ngọn đèn này còn có tác dụng soi sáng con đường cho người đã khuất đi xuống âm tào địa phủ.

Trên thực tế, những ngọn đèn nghe rất phản khoa học này không chỉ được tìm thấy ở các lăng mộ Trung Quốc cổ đại, mà còn được phát hiện ở nước ngoài như Ai Cập, Hy Lạp, Anh...

Vào năm 527, khi Syria còn nằm dưới sự thống trị của Đế quốc Đông La Mã, các binh sĩ Đông La Mã đồn trú tại lãnh thổ Syria lúc đó đã phát hiện trong một hốc tường nọ tồn tại một ngọn đèn, bên ngoài được che bằng chiếc chụp rất tinh xảo. Chiếc chụp này dường như được thiết kế để chắn gió. Theo văn khắc được phát hiện vào thời điểm ấy, ngọn đèn đã được thắp từ năm 27, đồng nghĩa với việc, nó đã bền bỉ sáng suốt… 500 năm. Nhưng thật đáng tiếc vì đám binh sĩ đã làm hỏng ngọn đèn, khiến hậu thế không thể lý giải nguyên lý hoạt động kỳ diệu của nó.

Tại sao những lăng mộ cổ không có dưỡng khí nhưng vẫn có những 'ngọn đèn vĩnh cửu' ngàn năm không tắt? - 1
Ảnh minh họa

Một nhà sử học Hy Lạp cũng đã ghi chép về ngọn đèn thần luôn thắp sáng trên cửa đền thờ thần Mặt Trời tại Ai Cập. Ngọn đèn này không dùng bất cứ nhiên liệu gì nhưng vẫn chiếu sáng trong vài thế kỷ. Theo miêu tả của nhà thần học người La Mã là Saint Augustin, tại ngôi đền Isis của Ai Cập cũng có một ngọn đèn tương tự, thắp sáng vĩnh cửu bất chấp tác động của mưa gió.

Năm 1.534, đội quân của Vua Henry VIII xông vào giáo đường Anh, giải tán các đoàn thể tôn giáo và khai quật rất nhiều ngôi mộ. Khi đào bới mộ phần của cha Hoàng đế La Mã Constantine tại Yorkshire, họ phát hiện ra một ngọn đèn đang cháy sáng. Cha của vị vua này mất vào năm 300, cũng có nghĩa, ngọn đèn được tìm thấy đã có tuổi thọ đến 1.200 năm.

Ban đầu, sự tồn tại của những ngọn đèn vĩnh cửu này được cho là sản phẩm của trí tưởng tượng, những lời đồn thổi không có thật. Những về sau, các nhà khảo cổ học cũng đã chứng minh ngọn đèn này thực sự tồn tại. Việc xuất hiện trong những ngôi mộ cổ khiến chúng nhuốm màu sắc tâm linh, huyền bí. Sau nhiều năm, bí ẩn về những ngọn đèn không tắt chưa hề được giải mã. Hậu thế vẫn miệt mài tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi hãy còn bỏ ngỏ.

Một giả thiết đã được đưa ra từ lâu là những ngọn đèn không bao giờ tắt được thắp sáng từ một nguyên liệu đặc biệt là mỡ cá voi chứ không phải nến sáp như thông thường. Có ghi chép trong các sách cổ của Trung Quốc cho biết mỡ cá voi từng được dùng để thắp sáng vì chúng có độ bền vô cùng cao. Bên cạnh đó, đèn cũng được thiết kế một cách đặc biệt sao cho mỡ cá voi chảy ra lại rơi xuống bình chứa, từ đó có thể tái sử dụng bất tận. Tuy nhiên, cách giải thích này vẫn không hợp lý bởi mỡ cá voi có bền đến đâu cũng không thể cháy mãi ngàn năm được.

Tại sao những lăng mộ cổ không có dưỡng khí nhưng vẫn có những 'ngọn đèn vĩnh cửu' ngàn năm không tắt? - 2
Ảnh minh họa

Mãi sau đó, một nhà hóa học người Mỹ tên Simon Affik, sau 31 năm nghiên cứu với hơn 700 cuộc thí nghiệm, đã có thể đưa ra lời giài thích hợp lý nhất cho ngọn đèn vĩnh cửu trong các lăng mộ cổ.

Simon Affik đã thử đủ mọi nhiên liệu, điều chỉnh tỷ lệ khác nhau để cho ra được một loại nhiên liệu đặc biệt làm từ phốt pho trắng trộn với các chất cháy khác. Loại chất mới này có tính chất rất dễ bắt lửa, có thể tự phát cháy, độc hại và khó bay hơi. Khi xây dựng lăng mộ, tiền nhân đã dùng đèn thắp sáng bằng chất này để soi đường. Đến khi hầm mộ được đóng lại, oxy cạn kiệt dần, đèn cũng sẽ tự tắt.

Sau này, khi cửa lăng mộ được mở ra, oxy bay vào trong khiến cho ngọn đèn một lần nữa được cháy lên. Điều đó có nghĩa là những ngọn đèn này vốn đã tắt từ khi cửa hầm mộ đóng lại, sau đó khi con người mở cửa lăng mộ để đi vào thì nó mới phát sáng. Tuy nhiên, hậu thế không biết điều này nên mới nhầm tưởng rằng ngọn đèn đã cháy sáng cả ngàn năm.

Theo Doãn Kỳ (Phụ Nữ & Pháp Luật)




https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tai-sao-nhung-lang-mo-co-khong-co-duong-khi-nhung-van-co-nhung-ngon-den-vinh-cuu-ngan-nam-khong-tat-a577766.html