Thế giới

Sự tuyệt vọng của những bệnh nhân không mắc Covid-19 giữa đại dịch ở Mỹ: Đối mặt với cái chết vì bị hoãn điều trị, dời lịch phẫu thuật

Ở những bang có quá nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19, các bệnh viện đã trì hoãn điều trị và phẫu thuật cho những người mắc các bệnh nghiêm trọng khác.

Bị đau mãn tính, bà Mary O’Donnell 80 tuổi, sống ở Aloha, Oregon không thể đi lại được nhiều. Dù đã rất cố gắng, bà chỉ có thể đi một trong thời gian ngắn ở bếp hoặc vườn, trước khi phải ngồi xuống nghỉ ngơi vì đau. Bà nói: "Thật sự bực mình trong lúc này. Tôi chán nản lắm".

Bà đã chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật lưng vào ngày 31/8 vừa qua, với hy vọng cuộc phẫu thuật dài 5 tiếng đồng hồ sẽ giúp bà di chuyển được linh hoạt hơn. Nhưng một ngày trước cuộc phẫu thuật, tại Trung tâm Y tế OHSU Health Hillsboro, bà biết rằng cuộc phẫu thuật đó đã bị hủy. "Không, bà không thể đến được. Bệnh viện của chúng tôi đầy bệnh nhân rồi", bà kể lại về thông báo mình nhận được.

Đối mặt với sự gia tăng số ca nhập viện vì Covid-19 tại Oregon, bệnh viện vẫn chưa thể lên lịch phẫu thuật cho bà. "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra", bà O’Donnell thở dài bởi nỗi lo khả năng đi lại của mình có thể suy giảm vĩnh viễn nếu buộc phải chờ đợi quá lâu.

Sự tuyệt vọng của những bệnh nhân không mắc Covid-19 giữa đại dịch ở Mỹ: Đối mặt với cái chết vì bị hoãn điều trị, dời lịch phẫu thuật
Paul McAlvain, 41 tuổi tại bệnh viện OHSU ở Portland, Oregon, Mỹ. Vào tháng này, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến khiến bệnh viện phải hoãn ca phẫu thuật hở van tim của anh.

Đại dịch Covid-19 lại một lần nữa khiến các bệnh viện ở Mỹ quá tải. Hơn 90.000 ngàn bệnh nhân ở Mỹ đang được điều trị mỗi ngày tại các bệnh viện. Và một lần nữa, nhiều bệnh viện đã phải đóng cửa trong 2 tháng qua, lần này là do biến thể Delta. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt đang thực sự quá tải, bệnh nhân phải chuyển viện, thậm chí có trường hợp qua đời trong khi chờ đợi cấp cứu hoặc chăm sóc đặc biệt.

Trong làn sóng mới nhất này, các quản lý bệnh viện và bác sĩ đã cố gắng tránh tình trạng ngưng các ca phẫu thuật và các thủ tục khác không phải là trường hợp khẩn cấp thực sự như những gì đã xảy ra vào giai đoạn đầu của đại dịch. Nhưng ở nơi nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, họ vẫn đang đối đầu với những khó khăn trong việc lựa chọn bệnh nhân nào có thể điều trị. Và bệnh nhân phải đợi vài tuần, hoặc có thể lâu hơn để được phẫu thuật.

"Chúng tôi đang đối mặt với tình huống nghiêm trọng", Tiến sĩ Marc Harrison, Giám đốc điều hành của Intermountain Healthcare thông báo tạm dừng gần như tất cả các ca phẫu thuật không khẩn cấp vào ngày 10/9. "Chúng tôi không có đủ khả năng để chăm sóc những người đang trong tình trạng rất khẩn cấp, mạng sống đang bị đe doạ", ông phát biểu tại buổi họp báo.

Các quan chức cũng đã phải cân nhắc nguy cơ của việc nhận những bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cho người khác. Nhưng các bác sĩ cũng đang phải theo dõi một số tác động lâu dài trong thời gian chờ đợi đối với những bệnh nhân không mắc Covid-19 trong đại dịch này. Và sự chờ đợi vẫn vô cùng căng thẳng, gây khó khăn cho cả bác sĩ và lẫn bệnh nhân với sự bức xúc.

Ở thành phố Columbus, bang Georgia, bác sĩ của cô Robin Strong cách đây vài tuần đã thông báo rằng vì các ca bệnh Covid-19 đang gia tăng nên việc chữa dây thanh quản bị liệt của cô do lần phẫu thuật trước sẽ phải hoãn lại. 

Cũng bởi tình trạng này mà Robin dễ bị sặc và khó thở. "Tôi chỉ biết khó vì hoàn cảnh của mình", Robin buồn bã chia sẻ. Sự thất vọng của cô còn ở việc rất nhiều người trong bang cô ở không được tiêm vaccine ngừa Covid-19. 

Sự tuyệt vọng của những bệnh nhân không mắc Covid-19 giữa đại dịch ở Mỹ: Đối mặt với cái chết vì bị hoãn điều trị, dời lịch phẫu thuật - 1
Cô Robin Strong

Theo dữ liệu mới nhất từ các quan chức y tế liên bang và tiểu bang, chỉ có 66% người lớn ở Georgia được tiêm mũi 1, còn con số này ở các nơi khác trên khắp nước Mỹ là 77%. 

Dave Jeppesen, Giám đốc Sở Y tế và Phúc lợi Idaho phát biểu: "Chúng tôi không có đủ nguồn lực để điều trị đầy đủ cho các bệnh nhân trong bệnh viện của chúng tôi, cho dù bạn đến vì Covid-19 hay cơn đau tim, hoặc vụ tai nạn xe hơi". Với rất ít giường chăm sóc đặc biệt sẵn có, các bệnh viện Idaho phần lớn đã ngừng cung cấp các ca phẫu thuật thoát vị hoặc thay khớp háng trước khi có lệnh mới.

Brian Whitlock – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Bệnh viện Idaho – cho biết, họ cũng đang trì hoãn các ca phẫu thuật tim và ung thư. Các bệnh viện ở đó "đã làm tốt nhất khả năng của họ", ông phát biểu.

Còn ở bang Alaska, tại bệnh viện lớn nhất của bang – Trung tâm Y tế Providence Alaska ở Anchorage – cũng đã bắt đầu phân bổ điều trị khi bệnh nhân đợi hàng giờ để được vào phòng cấp cứu và các bác sĩ thì không ngừng tìm giường bệnh. "Dù đã làm hết sức mình, chúng tôi vẫn không thể nào điều trị đúng tiêu chuẩn cho từng bệnh nhân cần sự giúp đỡ của chúng tôi", nhân viên của y tế bệnh viện viết trong một bức thư gửi cộng đồng vào giữa tháng 9.

Khi đại dịch lần đầu tiên "tấn công" các bệnh viện vào năm ngoái, nhiều nơi không tìm được giải pháp thay thể để hoãn các thủ tục không cần thiết. Trong làn sóng dịch bệnh mới nhất này, các bệnh viện và đội ngũ bác sĩ đã sẵn sàng hơn trong việc tiếp tục làm các thủ thuật như soi ruột kết cho bệnh nhân nếu có thể. Tiến sĩ Matthias Merkel - Phó Giám đốc y tế cấp cao về quản lý năng lực và lưu lượng bệnh nhân tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon – phát biểu: "Chúng tôi muốn tiếp tục làm nhiều nhất có thể trong tất cả các khu vực. Bệnh viện chúng tôi cân bằng lại từ những thứ tồn đọng mà chúng tôi đã tạo ra".

Mặc dù vậy, một số bệnh nhân mắc bệnh nặng lại đang đối mặt với tình trạng nguy hiểm. Paul McAlvain, 41 tuổi đã phải đợi nhiều tháng cho ca phẫu thuật trị hở van tim tại bệnh viện OHSU ở Portland, Oregon. "Họ liên tục nói tình trạng của tôi tệ như thế nào, họ cần phải đưa tôi đến bệnh viện ngay lập tức như thế nào", anh cho biết. Và ngày phẫu thuật của anh đã được ấn định vào 1/9. 

Nhưng sự gia tăng đột ngột các ca nhiễm Covid-19 trong mùa hè này đã làm ca phẫu thuật của anh bị hoãn. Anh nói: "Tôi đã sắp xếp công việc, cuộc sống, sẵn sàng về mặt tinh thần. Nhưng cuối cùng nó đã được dời sang vào ngày 8/9".

Sự tuyệt vọng của những bệnh nhân không mắc Covid-19 giữa đại dịch ở Mỹ: Đối mặt với cái chết vì bị hoãn điều trị, dời lịch phẫu thuật - 2
Paul McAlvain, 41 tuổi

Tiến sĩ Merkel thừa nhận những thiệt hại có thể xảy ra với bệnh nhân. "Về mặt y học, nó có thể không có gì khác biệt, nhưng về mặt cảm xúc thì nó tác động rất lớn", ông phát biểu. Còn Tiến sĩ Bryan Alsip – Giám đốc y tế của Đại học Y tế ở San Antonio, Texas – cho biết: "Rõ ràng là nhiều người trong số những người này đã bị trở nặng hơn so với mức bình thường". Bệnh viện của ông hiện vẫn đang lên lịch cho các ca phẫu thuật không yêu cầu nằm viện.

Không chỉ có vậy, các bệnh viện vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu y tá trầm trọng trong khi các trang thiết bị y tế vẫn được cung cấp đầy đủ. Tiến sĩ David Hoyt – Giám đốc điều hành của American College of Surgeons – cho biết: "Tất cả chúng tôi đã học được rất nhiều điều trong hơn 1 năm rưỡi qua".

Tuy nhiên, vài tuần gần đây, các y tá và nhân viên bệnh viện đã trải qua cuộc thử thách không giống với giai đoạn trước của đại dịch. Tiến sĩ Merkel mô tả rằng, 2 tuần qua là giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình.

Dù cho vaccine giờ đã khá phổ biến nhưng Tiến sĩ Merkel và các đồng nghiệp lại đang chăm sóc cho những bệnh nhân trẻ hơn trước, dưới 50 tuổi, những người đang nguy kịch vì các biến chứng của Covid-19 bao gồm suy nội tạng và hội chứng suy hô hấp cấp tính. Nhiều người đã được chuyển đến từ các bệnh viện khác vì tình trạng quá nặng.

"Thật khó để chứng kiến một bệnh nhân qua đời mà lẽ ra chúng ta có thể có biện pháp can thiệp, phòng ngừa", Merkel bộc bạch.

Theo Đại Lâm Mộc (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluat.suckhoedoisong.vn/su-tuyet-vong-cua-nhung-benh-nhan-khong-mac-covid-19-giua-dai-dich-o-my-doi-mat-voi-cai-chet-vi-bi-hoan-dieu-tri-doi-lich-phau-thuat-162212509144759159.htm