Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Sự thay đổi chiến lược của Mỹ trong giai đoạn 2 cuộc chiến Nga - Ukraine

Khi chiến dịch tấn công quân sự của Nga ở Ukraine biến thành cuộc chiến tranh tiêu hao, không có khả năng đạt thỏa thuận hòa bình trong nay mai, Mỹ và các đồng minh bắt đầu thay đổi chiến lược ứng phó.

Mỹ gần đây đã hé lộ một mục tiêu mới, lâu dài hơn cho xung đột: đánh bại Nga một cách dứt khoát trên chiến trường, khiến Nga sẽ không thể tái phát động một cuộc tấn công tương tự nữa. Thông điệp được đưa ra rõ ràng nhất vào hôm 25/4, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trao đổi với các phóng viên sau chuyến công du đến thủ đô Kiev của Ukraine.

Sự thay đổi chiến lược của Mỹ trong giai đoạn 2 cuộc chiến Nga - Ukraine

"Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm được những việc như hiện nay với Ukraine. Một trong những mục tiêu của chúng tôi là hạn chế khả năng Nga tái thực hiện những điều tương tự như vậy. Đó là lí do tại sao chúng tôi trang bị cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ trước các cuộc tập kích của Nga và đó cũng là lí do tại sao chúng tôi sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhắm trực tiếp vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nhằm cắt giảm sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này...", ông Austin chia sẻ.

CNN dẫn lời phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, phát biểu của ông Austin phù hợp với các mục tiêu của Washington trong nhiều tháng qua. Người phát ngôn nói, Mỹ muốn biến chiến dịch quân sự ở Ukraine thành "một thất bại chiến lược đối với Nga". Các quan chức khác của Mỹ đã xác nhận mục tiêu trên, điều chính quyền Tổng thống Joe Biden từng né tránh công khai một cách rõ ràng suốt thời gian dài vì vẫn lạc quan thận trọng về việc Moscow và Kiev có thể đạt được một dạng thỏa thuận nào đó thông qua hòa đàm.

Một quan chức Đông Âu từng bày tỏ sự thất vọng với cách làm trước đây của Mỹ. Ông tin, giải pháp duy nhất cho vấn đề là Ukraine phải giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Nga.

Sự thay đổi trong chiến lược của Washington đã diễn ra trong vài tuần qua, thể hiện qua việc chấp nhận rủi ro ngày càng gia tăng thông qua chuyển giao các loại vũ khí ngày càng tân tiến, phức tạp hơn (bao gồm cả 72 hệ thống lựu pháo và máy bay không người lái chiến thuật "Bóng ma phượng hoàng") cho Kiev cũng như niềm tin rằng, các mục tiêu của Tổng thống Nga Putin ở Ukraine sẽ không kết thúc ngay cả khi các lực lượng Nga tìm cách chiếm được một phần lãnh thổ Ukraine như năm 2014, khi bán đảo Crưm sáp nhập vào xứ sở bạch dương.

Các quan chức lí giải, sự thể hiện cùng những tổn thất đáng kể trên chiến trường của các lực lượng Nga đã góp phần đáng kể vào thái độ ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với Moscow. Dù Washington trước đây từng lo ngại rằng việc gửi pháo hạng nặng cho Kiev có thể bị coi là một hành động khiêu khích, nhưng việc ông Biden công bố gói viện trợ vũ khí mới, trị giá hàng tỉ USD bao gồm xe tăng, tên lửa và đạn dược trong tháng qua, là dấu hiệu cho thấy một số lo lắng ban đầu về nguy cơ leo thang xung đột đã giảm bớt.

Mỹ cũng đang chuẩn bị huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng các hệ thống khí tài hiện đại hơn, có khả năng tương thích với NATO, động thái sẽ cho phép các chính phủ phương Tây chuyển giao các vũ khí mạnh hơn cho quốc gia Đông Âu một cách nhanh chóng hơn.

Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sử dụng các lời lẽ ngày càng nặng nề hơn khi lên án người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Dù một số cố vấn lo ngại rằng ngôn ngữ như vậy có thể chọc giận lãnh đạo Điện Kremlin, nhưng ông Biden trấn an rằng, việc phơi bày sự thật còn quan trọng hơn việc mạo hiểm leo thang căng thẳng. Ông thậm chí quả quyết, khả năng quân sự của Nga không mạnh như Mỹ từng dự đoán.

Các quan chức trong chính quyền Biden lạc quan rằng, mục tiêu của Washington trong giai đoạn 2 của cuộc chiến Nga - Ukraine là khả thi và việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine có thể dẫn đến những tổn thất lớn, làm giảm khả năng quân sự lâu dài của Nga và mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ. Tuy nhiên, họ lưu ý, Mỹ và các đồng minh đang hành động một cách thận trọng khi giáng đòn trừng phạt Nga, cả vì những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt khắc nghiệt có thể gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như nguy cơ Moscow có thể phản ứng mạnh tay nếu bị dồn vào chân tường.

Một nguồn tin nắm rõ các báo cáo tình báo của Mỹ về Nga tiết lộ, Washington vẫn đánh giá các lằn ranh đỏ của Moscow về việc dùng vũ khí hạt nhân không thay đổi, nhưng mọi chuyện có thể diễn biến khác nếu ông Putin cảm thấy việc cầm quyền của ông bị đe dọa nghiêm trọng.

Một quan chức khác của Mỹ lại cho rằng, phát biểu của Austin không hữu ích vì lí do đó và vì nó có thể được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của Nga rằng NATO và Mỹ đã hỗ trợ Ukraine trong một "cuộc chiến ủy nhiệm" nhằm cạnh tranh quyền lực. Quan chức này lưu ý, mục tiêu của Washington không phải là muốn Moscow hiểu "dù thế nào Mỹ và NATO sẽ làm suy yếu Nga", mà nên là "phương Tây sẽ nhắm trừng phạt Nga nếu nước này vẫn duy trì chiến tranh với Ukraine".

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ hành xử ra sao với các lệnh trừng phạt nếu Nga đạt một thỏa thuận hòa bình có ý nghĩa với Ukraine và rút quân về nước. Theo giới quan sát, trong viễn cảnh đó, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để tỏ thiện chí nhưng sẽ duy trì các lệnh trừng phạt còn lại. 

Theo một số nguồn thạo tin, Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Anh, đang cân nhắc tính khả thi của một cơ chế "phản hồi nhanh", cho phép họ nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Moscow vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào đã đạt được với Kiev.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn và triển vọng về một thỏa thuận hòa bình ngày càng mờ nhạt, các giải pháp trên có lẽ còn rất lâu mới có cơ hội được hiện thực hóa. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 3 từng nhấn mạnh, Nga cần phải đảm bảo "không đảo ngược" các cam kết với nước láng giềng trước khi Washington xóa tên Moscow khỏi "danh sách đen". Dù thế nào, các diễn biến tiếp theo của chiến sự sẽ quyết định chiến lược ứng phó của Mỹ và phương Tây trước Nga.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/su-thay-doi-chien-luoc-cua-my-trong-giai-doan-2-cuoc-chien-nga-ukraine-2013336.html