Thế giới

Sự thật về 'ngành công nghiệp' mang thai hộ chuyên nghiệp ở Mỹ và sự tồn tại ngang nhiên của 400 cơ sở 'đẻ thuê chui' tại Trung Quốc

Sau khi scandal ra nước ngoài thuê người mang thai hộ của nữ minh tinh Cbiz Trịnh Sảng khiến làng giải trí Châu Á chấn động, "ngành công nghiệp" mang thai hộ ở Mỹ và Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận nhiều nước.

Quy luật bất biến của thị trường là có cầu ắt sẽ có cung. Trên thực tế, nhu cầu "đẻ thuê - mang thai hộ" vẫn luôn tồn tại, thậm chí còn ngày càng phổ biến và thu lợi nhuận cao ngất ngưởng.

Theo khảo sát của trang web 21jingji về 1 tổ chức mang thai hộ ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, giá bán trứng cơ bản dao động trong khoảng 10-50 nghìn tệ (tương đương 35-190 triệu đồng), trong khi giá đẻ thuê là 170 nghìn tệ (tương đương 605,5 triệu đồng).

Sự thật về 'ngành công nghiệp' mang thai hộ chuyên nghiệp ở Mỹ và sự tồn tại ngang nhiên của 400 cơ sở 'đẻ thuê chui' tại Trung Quốc
Cặp đôi Trịnh Sảng - Trương Hằng hiện đang là tâm điểm của dư luận vì ra nước ngoài tìm người mang thai hộ

Một tháng gần đây, các chủ đề liên quan đến mang thai hộ đã nhiều lần trở thành "hot search" trên mạng xã hội. Đầu tiên phải kể đến bộ phim Baby do Trần Khải Ca đạo diễn, đã vạch trần những điều cấm kỵ về đạo đức và các vấn đề pháp lý đằng sau việc mang thai hộ, đồng thời miêu tả nó rất sinh động.

Ngành công nghiệp mang thai hộ chuyên nghiệp ở Mỹ

Sau khi scandal ra nước ngoài thuê người mang thai hộ của nữ diễn viên Trịnh Sảng nổ ra, 1 bộ phận cư dân mạng đã chỉ ra rằng việc cô lựa chọn hình thức này có lẽ là do không muốn việc mang thai ảnh hưởng đến sự nghiệp diễn xuất của mình.

Cho đến nay, Mỹ là nơi thu hút rất nhiều cặp vợ chồng đến từ châu Âu, châu Á và Úc để tìm kiếm dịch vụ mang thai hộ. Nhiều công ty dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ ăn nên làm ra nhờ vào lượng khách hàng quốc tế ngày một tăng.

Annie Liu, người sáng lập bệnh viện phụ sản Global Fertility Genetics (gọi tắt là GFG) ở thành phố New York đã trả lời trong 1 cuộc phỏng vấn rằng: "Ngành công nghiệp mang thai hộ thương mại đã được tiêu chuẩn hóa ở Mỹ, bao gồm bố mẹ ruột và người mang thai hộ sẽ thống nhất thuê 1 luật sư để làm thủ tục và ký hợp đồng có hiệu lực pháp lý. Sau khi hợp đồng được ký kết, sẽ chuyển người mang thai đến bệnh viện chăm sóc."

Sự thật về 'ngành công nghiệp' mang thai hộ chuyên nghiệp ở Mỹ và sự tồn tại ngang nhiên của 400 cơ sở 'đẻ thuê chui' tại Trung Quốc - 1
Ảnh minh họa

Anh Vương, người đã từng sử dụng dịch vụ mang thai hộ ở GFG cho biết: "Để tìm được người mẹ mang thai hộ phù hợp rất mất thời gian, thậm chí người có kinh nghiệm và người chưa từng mang thai giá tiền cũng khác nhau. Giá thấp nhất là 40 nghìn đô la Mỹ (tương đương 923 triệu đồng) và cao nhất trong khoảng 60 nghìn đô la Mỹ (tương đương 1,4 tỷ đồng)."

Người đàn ông còn chia sẻ thêm đa số các bà mẹ mang thai hộ là người da trắng và gốc Tây Ban Nha, trong khi đó người châu Á lại rất hiếm.

Mặc dù chi phí đắt đỏ, nhưng dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ vẫn ăn nên làm ra. Theo Stuart Bell - đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ mang thai hộ Growing Genarations ở Los Angeles, cách đây 4 năm chỉ có khoảng 20% khách hàng từ nước ngoài, song con số này hiện đã tăng hơn một nửa. Các công ty khác cũng có số lượng khách hàng tương tự. Công ty dịch vụ mang thai hộ Circle ở thành phố Boston nhận đăng ký khoảng 140 trường hợp mỗi năm và con số này không ngừng tăng lên. Hiện nay, Circle đã mở thêm chi nhánh ở California để phục vụ số khách hàng châu Á đang gia tăng.

Dịch vụ mang thai hộ bất hợp pháp ở Trung Quốc

Nhu cầu thuê người mang thai hộ thường xuất phát từ những cặp vợ chồng giàu có ít có khả năng sinh con do lập gia đình muộn. Nhiều người cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí, đất trồng và nước góp phần làm gia tăng các trường hợp vô sinh, mặc dù điều này chưa được khoa học chứng minh. Một số cặp vợ chồng tìm đến dịch vụ mang thai hộ vì đứa con duy nhất của họ đã qua đời. Đó là những lý do khiến dịch vụ mang thai hộ bùng nổ và dẫn đến nhiều câu chuyện buồn.

Sự thật về 'ngành công nghiệp' mang thai hộ chuyên nghiệp ở Mỹ và sự tồn tại ngang nhiên của 400 cơ sở 'đẻ thuê chui' tại Trung Quốc - 2
Những đứa trẻ sơ sinh không có người nhận ở 1 trung tâm đẻ thuê tại nước ngoài

Vào tháng 8/2018, 1 cặp vợ chồng gần 40 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã tìm đến 1 cơ sở mang thai hộ, với hy vọng biến mong muốn có con thành hiện thực. Theo thỏa thuận mà 2 bên ký kết, nếu sinh ra 1 bé trai khỏe mạnh, vợ chồng họ sẽ trả 85 nghìn tệ (tương đương 303 triệu đồng) cho cơ sở mang thai hộ, đồng thời quy định rõ nếu là bé gái thì đối phương sẽ phải hoàn trả mọi chi phí. Tháng 9/2019, công ty mang thai hộ đã trao cho cặp đôi 1 bé trai kháu khỉnh. Thế nhưng, cậu bé lại bị khiếm khuyết bẩm sinh về thính giác. Do đó, giữa hai bên xảy ra tranh chấp, cặp vợ chồng yêu cầu công ty mang thai hộ phải bồi thường.

Vào tháng 1/2019, 1 người phụ nữ họ Trương chưa kết hôn, sống ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc đã chủ động đi làm thụ tinh ống nghiệm. Cô chi trả tổng cộng 1 triệu tệ (tương đương 3,5 tỷ đồng), trong đó 70 nghìn tệ (tương đương 249,5 triệu đồng) trả cho nam tình nguyện viên cung cấp tinh trùng và 50 nghìn tệ (tương đương 179 triệu đồng) cho người mẹ mang thai hộ cùng nhiều chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, do người phụ nữ kia bị sảy thai nên cô Trương đã yêu cầu công ty bồi hoàn lại 1 khoản phí nhất định.

Trong 1 trường hợp khác, người phụ nữ họ Triệu cùng người yêu họ Trần quyết định đến Mỹ và chi hàng triệu đô la để hoàn thành việc đông lạnh trứng ở California. Tuy nghiên, sau này cô gái mới biết anh Trần là người đã có gia đình nên đâm đơn kiện ra tòa.

400 cơ sở chui hoạt động ngang nhiên tại Trung Quốc

Cũng như phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, mang thai hộ được coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Nhưng sự kết hợp giữa tình trạng vô sinh đang gia tăng, cùng với sự nới lỏng của chính sách 1 con tại nước này đã dẫn đến sự bùng nổ thị trường đen mang thai hộ ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Những loại hình đẻ thuê "chui" vẫn luôn tồn tại, điển hình là dưới dạng những tờ quảng cáo "việc nhẹ lương cao" hấp dẫn xuất hiện đầy rẫy trong các nhà vệ sinh nữ.

Sự thật về 'ngành công nghiệp' mang thai hộ chuyên nghiệp ở Mỹ và sự tồn tại ngang nhiên của 400 cơ sở 'đẻ thuê chui' tại Trung Quốc - 3
Ảnh minh họa

Một nữ sinh viên họ Lý đang theo học tại 1 trường đại học ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc kể lại 1 lần thoát chết: "Tôi đã tin tưởng vào những gì tờ quảng cáo viết, chỉ với 2 từ ‘không đau’ đã khiến tôi lu mờ lý trí. Họ tiêm thuốc rụng trứng tầm nửa tháng trước khi làm phẫu thuật. Vào hôm đi lấy trứng tôi bị đưa lên ô tô, bịt mắt và bị dẫn vào 1 phòng khám nhỏ, lúc mổ không có thuốc gây mê, tôi đau đến chết đi sống lại. Sau lần đó tôi bị nhiễm trùng khiến bụng dưới tích nước và không thể cử động trong suốt gần 1 tháng điều trị ở viện."

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Nhật báo Pháp luật, hiện Trung Quốc có hơn 400 cơ sở mang thai hộ, hầu hết là "giao dịch chui". Trải nghiệm kinh hoàng của cô gái trên chỉ là 1 trong số những trường hợp điển hình do các tổ chức đẻ thuê gây nên. Đối tượng của họ đa phần là những cô sinh viên có ngoại hình ưa nhìn, học vấn cao nhưng thiếu kinh nghiệm như Lý. Sau khi lấy được trứng "tươi", họ sẽ đóng gói, bán lại và thậm chí còn đấu giá.

Sự phức tạp của việc mang thai hộ đã vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người bình thường. Nó không chỉ là vọng tưởng của một số người về quyền sinh sản, mà còn ẩn chứa hành vi bóc lột giá trị cơ thể của người phụ nữ; nó có thể giúp những người tuyệt vọng đang mắc kẹt trong nghèo khó thoát ra khỏi bóng tối, nhưng cũng có thể khiến các cô gái trẻ rơi xuống vực thẳm vô biên...

Theo Nguyên Dũng TT (Trí Thức Trẻ)




http://ttvn.toquoc.vn/su-that-ve-nganh-cong-nghiep-mang-thai-ho-chuyen-nghiep-o-my-va-su-ton-tai-ngang-nhien-cua-400-co-so-de-thue-chui-tai-trung-quoc-2202120165740706.htm