Thế giới

'Squid Game' phơi bày cuộc sống bộn bề nỗi lo ở Hàn Quốc, cơ hội nào cho tầng lớp 'thìa đất'?

Bộ phim Squid Game trên Netflix đình đám đã đánh vào nỗi lo của người dân Hàn Quốc về giá cả nhà cửa đắt đỏ, khan hiếm việc làm và những nỗi lo vốn đã quen thuộc với khán giả của bộ phim ở Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới.

Squid Game xoay quanh Seong Gi-hun, một người đàn ông 40 tuổi nghiện cờ bạc, không có tiền để mua quà sinh nhật cho con gái, cũng không có khả năng chi trả chi trả y tế cho người mẹ già của mình. Một ngày nọ, anh được cơ hội tham gia Squid Game. Để giành được giải thưởng 38 triệu đô la Mỹ (hơn 860 tỉ đồng, khoảng 45 tỉ won), các thí sinh phải trải qua 6 vòng thi là 6 trò chơi dân gian của trẻ em Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu thất bại, họ phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Những nhân vật trong phim - 456 người đang đối mặt với nợ nần chồng chất, tuyệt vọng về tài chính - đã trực tiếp nói lên rất nhiều nỗi lo lắng của đất nước Hàn Quốc. Một người tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Seoul - trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc - bị truy nã vì xử lý sai những khoản tiền quỹ của khách hàng. Một người khác là người phụ nữ chạy khỏi Bắc Triều Tiên - người phải chăm sóc em trai và giúp mẹ cô cũng rời khỏi đất nước này. Một nhân vật khác là một lao động nhập cư bị ông chủ quỵt tiền lương.

'Squid Game' phơi bày cuộc sống bộn bề nỗi lo ở Hàn Quốc, cơ hội nào cho tầng lớp 'thìa đất'?

Koo Yong-hyun, một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Hàn Quốc, chưa bao giờ đối mặt với những kẻ sát nhân đeo mặt nạ hay những đối thủ sẵn sàng cắt cổ mình như các nhân vật trong bộ phim gặp phải. Nhưng anh cho biết, anh đồng cảm với các nhân vật và cuộc đấu tranh của họ để tồn tại trong xã hội bất bình đẳng nặng nề của đất nước Hàn Quốc.

Anh Koo Yong-hyun đã thất nghiệp và chỉ sống bằng nghề tự do cùng khoản trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Anh hầu như không thể sống thoải mái với mức lương của một nhân viên bình thường ở một thành phố mới giá nhà cao ngất ngưởng. Giống như nhiều người trẻ ở Hàn Quốc và các nơi khác, Koo Yong-hyun nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng để giành lấy một miếng bánh đang bị thu nhỏ, giống hệt như các thí sinh trong Squid Game.

Hàn Quốc phát triển vượt bậc trong thời kỳ hậu chiến, trở thành một trong những quốc gia giàu nhất châu Á và một số nhà kinh tế nhận định sự phát triển của nước này là "điều kỳ diệu trên sông Hàn". Thế nhưng sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi nền kinh tế đã trưởng thành.

'Squid Game' phơi bày cuộc sống bộn bề nỗi lo ở Hàn Quốc, cơ hội nào cho tầng lớp 'thìa đất'? - 1

Yun Suk-jin - nhà phê bình kiêm giáo sư văn học tại Đại học Quốc gia Chungnam cho biết: "Người Hàn Quốc từng có tinh thần cộng đồng, tinh thần tập thể. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 đã làm suy yếu sự tăng trưởng tích cực của quốc gia và khiến mọi người phải chiến đấu vì chính mình".

Quốc gia này hiện xếp thứ 11 về hệ số Gini - thước đo về bất bình đẳng thu nhập - trong nhóm các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đứng vị trí thứ 6 là Mỹ.

Khi các gia đình Hàn Quốc tiếp tục cố gắng, tình trạng nợ hộ gia đình gia tăng khiến các nhà kinh tế cảnh báo rằng khoản nợ này có thể làm kìm hãm nền kinh tế phát triển. Giá nhà đã tăng đến mức khả năng chi trả nhà ở đã trở thành chủ đề chính trị nóng hổi ở đất nước này. Giá nhà ở Seoul đã tăng hơn 50% trong nhiệm kỳ của tổng thống Moon Jae-in, dẫn đến vụ bê bối chính trị.

Shin Yeeun, người tốt nghiệp đại học vào tháng 1/2020, cho biết: "Squid Game đặt ra một tình huống trớ trêu giữa áp lực xã hội phải thành công ở Hàn Quốc và nỗi khó khăn để đạt được điều đó. Ở tuổi 27, cô nói rằng mình đã dành hơn 1 năm để tìm việc ổn định nhưng nó rất khó với cho người ở độ tuổi đôi mươi tìm một công việc toàn thời gian trong giai đoạn này".

'Squid Game' phơi bày cuộc sống bộn bề nỗi lo ở Hàn Quốc, cơ hội nào cho tầng lớp 'thìa đất'? - 2

Ngoài ra, ở Hàn Quốc tỉ lệ sinh cũng giảm mạnh, một phần do giới trẻ ý thức được rằng nuôi dạy con cái là quá tốn kém. Cô Shin nói: "Ở Hàn Quốc, tất cả các bậc cha mẹ đều muốn con mình được học ở trường học tốt nhất. Để làm được điều đó, bạn phải sống trong những khu phố tốt nhất, nghĩa là phải tiết kiệm để mua một ngôi nhà - mục tiêu quá viển vông, đến nỗi tôi thậm chí còn chưa bao giờ bận tâm đến việc tính toán xem mình sẽ mất bao lâu để làm được".

Các nhân vật trong phim đã nhận được sự đồng cảm từ giới trẻ Hàn Quốc - những người không thể nào thấy được cơ hội thăng tiến trong xã hội. Họ bị xem như là một tầng lớp "thìa đất" - những người sinh ra trong gia đình thu nhập thấp, khó có thể vươn lên trong xã hội Hàn Quốc. Nhiều người trong số này bị ám ảnh bởi cách làm giàu nhau chóng như tiền ảo, xổ số khi Hàn Quốc là một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới.

Giống như tiền thưởng trong Squid Games, tiền ảo mang đến cho "mọi người cơ hội đổi đời trong giây lát", anh Koo Yong-hyun chia sẻ. Anh cũng cho biết, vì kiếm tiền quá khó khăn nên đó là lý do khiến người Hàn Quốc ám ảnh với việc kiếm tiền thật nhanh chóng.

"Tôi tự hỏi sẽ có bao nhiêu người tham gia nếu Squid Game được tổ chức ngoài đời thực", anh phát biểu.

Theo Đại Lâm Mộc (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluat.suckhoedoisong.vn/squid-game-phoi-bay-cuoc-song-bon-be-noi-lo-o-han-quoc-co-hoi-nao-cho-tang-lop-thia-dat-162211110114524817.htm