Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Số ca nhiễm tăng chóng mặt, Thụy Điển vẫn tin sắp đạt 'miễn dịch cộng đồng' trước Covid-19

Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ cho rằng chiến lược phòng chống dịch Covid-19 của nước này đang thành công và thủ đô Stockholm sẽ đạt miễn dịch cộng đồng trong vài tuần tới.

"Khoảng 30% người dân Stockholm đã đạt một mức độ miễn dịch. Chúng tôi có thể đạt miễn dịch cộng đồng ở thủ đô vào tuần tới," đại sứ Karin Ulrika Olofsdotter nói với kênh NPR.

Miễn dịch cộng đồng có nghĩa là một phần dân số miễn nhiễm trước một căn bệnh truyền nhiễm, có thể là sau khi đã khỏi bệnh hoặc nhờ tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu tin rằng miễn dịch cộng đồng trước Covid-19 sẽ có thể đạt được khi 60% dân số đã nhiễm bệnh.

Tuy vậy, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy bệnh nhân Covid-19 sau khi đã phục hồi sẽ không bị tái nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/04 nói vẫn chưa thể chứng minh việc nhiễm Covid-19 một lần là đủ để có miễn dịch.

Đại sứ Olofsdotter đồng tình với ý kiến cho rằng cần nghiên cứu và thử nghiệm thêm để trả lời các câu hỏi về miễn dịch trước Covid-19. Chính phủ Thụy Điển sẵn sàng thay đổi chiến lược chống dịch nếu tình hình bắt buộc, tuy vậy hiện chưa có kế hoạch thay đổi điều này, bà cho hay.

Số ca nhiễm tăng chóng mặt, Thụy Điển vẫn tin sắp đạt 'miễn dịch cộng đồng' trước Covid-19
Người dân Thụy Điển đổ ra đường tận hưởng ánh nắng mặt trời hôm 22/04 (Ảnh: AFP/Getty)

Các trường học, nhà hàng, trung tâm mua sắm vẫn mơ cửa tại Thụy Điển. Chính phủ nước này đã ban hành hướng dẫn về giãn cách xã hội, khuyến cáo người dân không nên di chuyển nếu không cần thiết và đề nghị người trên 70 tuổi ở nhà. Giới chức cũng cấm tụ tập hơn 50 người và không cho phép người dân tới thăm các cơ sở dưỡng lão.

Tuy đại đa số người dân Thụy Điển tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ, tin tức từ truyền thông cho thấy nhiều người dân ở Stockholm đã bắt đầu vi phạm các quy định khi thời tiết ấm dần lên. Chính phủ nước này đã phải cảnh báo sẽ cho đóng cửa các nhà hàng, quán bar nếu không tuân thủ giãn cách xã hội.

"Tôi không muốn nhìn thấy những nhà hàng ngoài trời chật kín người ở Stockholm hay ở nơi nào khác. Nếu không làm vậy, các cửa hàng sẽ bị đóng cửa," Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển  Mikael Damberg nói hôm 24/04.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Thụy Điển đã ghi nhận hơn 18.500 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.194 trường hợp tử vong, tính tới ngày 26/04. Số liệu cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh của Thụy Điển chưa đạt hiệu quả như tại các nước Bắc Âu khác.

Đan Mạch đã ghi nhận 8.800 ca nhiễm và mới chỉ 422 trường hợp tử vong, sau khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Phần Lan cũng mới chỉ ghi nhận hơn 4.500 ca nhiễm và 190 trường hợp tử vong. Hai nước đều có dân số khoảng 5 triệu người, bằng một nửa Thụy Điển.

"Chúng tôi có cùng mục tiêu với các nước khác, cứu sống càng nhiều người càng tốt và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi phải đối mặt với thực tế như mọi nước khác. Khác biệt ở đây, tôi muốn nhấn mạnh sự khác biệt giữa các nước, là các chính trị gia sẽ thực hiện các biện pháp mà họ cho là có hiệu quả tốt nhất với đất nước và công chúng nói chung," đại sứ Olofsdotter nói.

Hơn một nửa số trường hợp tử vong tại Thụy Điển xảy ra ở các viện dưỡng lão, theo nhà dịch tễ học Anders Tegnell tại Cơ quan Y tế Công Cộng Thụy Điển. Chính phủ nước này đang điều tra xem lý do vì sao tỷ lệ tử vong tại các viện dưỡng lão lại cao như vậy.

"Một khi biết virus xâm nhập vào các cơ sở dưỡng lão như thế nào, chính phủ có thể đưa ra khuyến nghị và các biện pháp để ngăn chặn điều này, bởi một trong những điều thương tâm nhất về dịch bệnh là các viện dưỡng lão bị ảnh hưởng rất nặng nề," bà Olofsdotter cho hay.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)