Thế giới

SIPRI: Mỹ khẳng định ngôi đầu trong xuất khẩu vũ khí

Theo báo cáo ngày 21/2 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm, Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới về buôn bán vũ khí.

Theo báo cáo ngày 21/2 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm, Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới về buôn bán vũ khí.

Số liệu của SIPRI cho thấy, hoạt động chuyển giao vũ khí trên thế giới đã tăng trong mấy năm gần đây và Mỹ ngày càng chiếm vai trò chi phối đối với hoạt động này trong bối cảnh số lượng vũ khí bán cho các khách hàng châu Á, Trung Đông và châu Phi ngày một lớn.

Theo bản báo cáo này, số lượng các vụ chuyển giao vũ khí lớn, bao gồm cả hoạt động mua bán và viện trợ, đã tăng 14% trong giai đoạn 2011-2015 so với 5 năm trước đó.

Giám đốc Chương trình Chi tiêu Quân sự và Vũ khí của SIPRI, Aude Fleurant cho rằng các cuộc xung đột trong khu vực và căng thẳng giữa các quốc gia là nguyên nhân của việc Mỹ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, Mỹ xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho các khách hàng châu Á trong 5 năm qua, trong đó 41% là xuất cho Saudi Arabia và các nước Trung Đông. Ngoài ra, ngành công nghiệp vũ khí nước này hiện vẫn còn một số lượng lớn đơn đặt hàng, trong đó có hơn 600 máy bay tiêm kích đa năng F-35.

Tiêm kích F-35B.

Trong khi đó, báo cáo của SIPRI vẫn xếp Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới và Ấn Độ tiếp tục là khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga. Trung Quốc đã vượt qua Pháp và Đức để trở thành nước xuất khẩu vũ khí nhiều thứ 3 thế giới, với tốc độ tăng 88% từ năm 2011-2015 so với 5 năm trước đó.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến Mỹ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu quốc phòng? Theo mạng tin MVS của Mexico, việc Mỹ bán vũ khí - chủ yếu là vấn đề chính trị.

Nguồn tin dẫn phân tích của chuyên viên Vladimir Yevseyev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị xã hội của Nga, nói: “Khá nhiều quốc gia sản xuất vũ khí chất lượng. Chẳng hạn, vũ khí của Israel có chất lượng rất cao. Nhưng, tiềm năng của Israel và tiềm năng của Mỹ không so sánh được.

Đồng thời, Mỹ thường xuyên sử dụng các yếu tố như áp lực chính trị, ví dụ trong cuộc đấu thầu về máy bay trực thăng cho Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống HQ-9 do Trung Quốc sản xuất. Nhìn chung, các quyết định về việc mua vũ khí đều mang tính chất chính trị”.

Mỹ rất khéo léo sử dụng bản đồ địa chính trị để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Mỹ và làm thay đổi cán cân lực lượng quân sự ở các bộ phận khác nhau của thế giới, Vladimir Yevseyev nhấn mạnh.

Quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất

Theo báo cáo mới công bố của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS), Hàn Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong năm 2014.

Báo cáo của CRS được tờ The New York Times đăng tải, năm 2014, Hàn Quốc đã chi 7,8 tỷ USD cho các hợp đồng mua bán vũ khí từ nước ngoài và trở thành nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Tiêm kích F-15K của Hàn Quốc.

Trong đó đáng chú ý nhất là các hợp đồng mua máy bay vận tải, các phương tiện hỗ trợ cũng như các máy bay trinh sát không người lái từ Mỹ. Tờ Dong-a Ilbo cho biết thêm, trong tổng số 7,8 tỷ USD vũ khí mà Hàn Quốc nhập từ nước ngoài, có tới 90% là từ Mỹ.

Nếu tính trong giai đoạn 2010-2014, Hàn Quốc cũng là nước mua vũ khí nhiều thứ tư thế giới, chiếm 3% tổng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, trong đó 89% lượng vũ khí nhập khẩu của Hàn Quốc có xuất xứ từ Mỹ.

Được biết, trong năm 2014, Hàn Quốc đã dành 20,3% tổng ngân sách quốc phòng cho dự án phát triển máy bay chiến đấu tự chế (KF-X) và các máy bay trinh sát, trực thăng vận tải.

Theo trang koreatimes.co.kr, tháng 9/2014, Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua 40 máy bay chiến đấu F-35 của Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, kèm theo một thỏa thuận bên lề mua 25 công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu.

Seoul dự định sẽ sử dụng các công nghệ này vào dự án KF-X nhằm phát triển các máy bay chiến đấu mang thương hiệu riêng để thay thế các máy bay F-4 và F-5 già cỗi của không quân nước này vào năm 2025.

Đứng ngay sau Hàn Quốc trong danh sách những quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất năm 2014 là Iraq với tổng trị giá các hợp đồng nhập khẩu lên tới 7,3 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, Iraq mua sắm nhiều như vậy là để nhằm củng cố sức mạnh quân đội trong bối cảnh các binh sĩ Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Đông. Brazil xếp thứ ba với các hợp đồng mua máy bay quân sự từ Thụy Điển trị giá 6,5 tỷ USD nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang nước này.

Theo Chúc Sơn (Đất Việt)