Thế giới

Rúng động vụ bạo hành trẻ em ở Anh: Khi tiếng nói của nạn nhân không được lắng nghe

16.000 trẻ em tại Anh có thể đã bị bạo lực gia đình trong dịp Giáng sinh năm nay. Con số đáng báo động này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi tại sao chúng ta vẫn thất bại trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em - những nạn nhân ít có cơ hội được lắng nghe nhất, trong chính gia đình của mình.

Đầu tháng 12 vừa qua, cái chết thương tâm của cậu bé 6 tuổi Arthur Labinjo-Hughes đã gây chấn động cả nước Anh. Cậu bé bị mẹ kế và cha của mình bạo hành dã man về cả thể xác và tinh thần, dẫn đến cái chết thương tâm. Mẹ kế và cha của Arthur đều đã bị kết án nhưng 50 năm tù không làm thỏa mãn những tiếng nói giận dữ trước tội ác của cặp đôi gây ra cho đứa trẻ 6 tuổi. Nhiều chuyên gia cảm thấy thất vọng khi chúng ta vẫn thất bại trong việc bảo vệ những đứa trẻ trong chính gia đình của mình. Đối với Athur, cậu bé đã nhiều lần kể với mọi người và ở trường rằng cậu gặp nguy hiểm nhưng tiếng nói của cậu bé không được chú ý đến.

Rúng động vụ bạo hành trẻ em ở Anh: Khi tiếng nói của nạn nhân không được lắng nghe
Cái chết thương tâm của cậu bé 6 tuổi Arthur Labinjo-Hughes đã gây chấn động cả nước Anh. Ảnh: Reuters

Chuyên gia bảo vệ trẻ em tại Anh, Giáo sư Jode La Hunty cho rằng: “Chúng ta cần lấy ví dụ về điển hình của Athur khi những người lớn có thể nhìn thấy những vết thương trên cơ thể em, thậm chí đứa bé còn nói ở trường về việc mình bị đánh, nhưng lời nói của em đã không được hiểu thấu đáo và nhìn nhận ra vấn đề từ những người xung quanh”.

Tổ chức Can thiệp sớm (EIF) ở Anh ước tính 3,2% trẻ em dưới 11 tuổi và 2,5% trẻ em từ 11 đến 17 tuổi bị bạo lực gia đình trong 2 tuần nghỉ lễ Giáng sinh tại Anh. Có nhiều lý do khiến tỷ lệ trẻ em bị bạo hành trong gia đình tăng như áp lực dịch bệnh Covid-19 hay phong tỏa… Vụ việc cũng khơi mào cho hàng loạt các chương trình, hội thảo bàn về các biện pháp để bảo vệ trẻ em.

Tiến sĩ Jo Casebourne, giám đốc điều hành EIF cho rằng, điều quan trọng là phải hiểu rõ cách tốt nhất để giúp đỡ những nạn nhân. Chiến lược chống bạo lực gia đình phải tập trung vào việc cải thiện các dịch vụ cho trẻ em bao gồm các đường dây nóng, các trung tâm hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành gia đình, tăng cường chiến dịch nâng cao nhận thức, tổ chức các buổi đào tạo hiểu “tiếng nói con trẻ” để sớm nhận ra các dấu hiệu bạo hành trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Bộ Nội vụ Anh dự kiến công bố chiến lược chống bạo lực gia đình vào năm 2022, với những biện pháp cụ thể bảo vệ trẻ em.  Bà Anna Ed Musson Chuyên gia Quỹ từ thiện bảo vệ trẻ em hàng đầu nước Anh NSPCC cho rằng, sự vào cuộc của các biện pháp chính trị sẽ rất hiệu quả

“Sau vụ việc cậu bé Athur, tôi cho rằng cần có sự thay đổi hệ thống từ việc tăng cường đầu tư hệ thống chăm sóc dịch vụ trẻ em đến các quyết sách quan trọng mạnh mẽ hơn của chính phủ. Việc công bố dự luật mới sẽ là cơ hội vàng để chúng ta sẽ không còn chứng kiến các vụ việc đau lòng tương tự”

Bộ Nội vụ Anh khẳng định không chỉ trẻ em mà không ai nên cảm thấy không an toàn khi ở trong chính ngôi nhà của mình. Anh quyết tâm đảm bảo tất cả các nạn nhân của bạo lực gia đình, bao gồm cả trẻ em, nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Đạo luật chống bạo lực gia đình mới thay đổi cơ bản các biện pháp phản ứng, vì công nhận trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình theo tất cả các hình thức, với những biện pháp để giải quyết tất cả các hình thức tội phạm này./.

Theo Phạm Hà (VOV.vn)




https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/rung-dong-vu-bao-hanh-tre-em-o-anh-khi-tieng-noi-cua-nan-nhan-khong-duoc-lang-nghe-post916974.vov