Thế giới

Rộ tin TQ 'thủ tiêu bằng chứng' rò rỉ Covid giữa đêm, Bắc Kinh 'nhắc nhẹ' vụ bẽ mặt kinh điển của Mỹ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/8 đã bác bỏ báo cáo được đưa ra mới đây bởi các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ về nguồn gốc Covid-19.

Vào ngày 2/8 (giờ địa phương), nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, công bố báo cáo nói rằng có nhiều bằng chứng virus corona mới (SARS-Cov-2) gây bệnh Covid-19 bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán (WIV) vào khoảng trước tháng 9/2019.

Trung Quốc phản ứng gay gắt báo cáo nguồn gốc Covid-19

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/8 đáp trả rằng báo cáo trên "hoàn toàn dựa trên những lời dối trá bịa đặt và sự thật bị bóp méo, mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào, là không đáng tin cậy hay có cơ sở khoa học".

Bắc Kinh cáo buộc nghị sĩ McCaul "bôi nhọ Trung Quốc hoàn toàn vì lý do lợi ích chính trị" và tuyên bố "phản đối mạnh mẽ" bản báo cáo. Trung Quốc nhắc lại cuộc điều tra mà nước này hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành hồi đầu năm, với báo cáo được công bố hồi tháng 3 nói giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm "hầu như không có khả năng".

"Vào năm 2003, Mỹ đã dùng một lọ bột giặt làm 'chứng cứ' buộc tội Iraq sở hữu vũ khí sát thương quy mô lớn. Bài học còn trước mắt, xã hội quốc tế không nên để sự kiện như thế tái hiện," đại diện Trung Quốc nói, châm biếm bằng câu chuyện Mỹ dựng lên để làm căn cứ cho việc phát động cuộc tấn công nhằm vào Iraq năm 2003.

Bắc Kinh đồng thời kêu gọi các nghị sĩ Mỹ thúc giục chính phủ nước này công khai sớm nhất dữ liệu y tế của những bệnh nhân của đợt bùng phát bệnh hô hấp không rõ nguyên nhân ở bang Virginia và EVALI ở bang Wisconsin và Maryland vào năm 2019.

Hồi cuối tuần qua, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn thông tin độc quyền từ các nhà khoa học nước này, cho biết họ nghi ngờ khả năng một số bệnh nhân mắc tổn thương phổi cấp tính liên quan đến thuốc lá điện tử (e-cigarette or vaping associated acute lung injury - EVALI) ở Mỹ năm 2019 trên thực tế chính là các bệnh nhân Covid-19.

Rộ tin TQ 'thủ tiêu bằng chứng' rò rỉ Covid giữa đêm, Bắc Kinh 'nhắc nhẹ' vụ bẽ mặt kinh điển của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cầm chiếc lọ mà Mỹ tuyên bố là chứa "bằng chứng" Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt tại phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, ngày 5/3/2003 tại trụ sở LHQ ở New York (Ảnh: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)

Lại nóng giả thuyết virus rò rỉ từ Vũ Hán

Báo cáo của các thành viên Cộng hòa ở Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ ngày 2/8 là phụ lục cho bản báo cáo ban đầu về nguồn gốc Covid-19 mà họ đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái. Dù giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm được đề cập phổ biến trên cả truyền thông và từ các quan chức Mỹ, song giả thuyết này chưa có được sự ủng hộ chắc chắn của cộng đồng tình báo Mỹ.

Trong khi báo cáo tháng 9/2020 tập trung vào vai trò của Trung Quốc khi "làm giảm nhẹ" mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, báo cáo mới đưa ra thêm những chi tiết từ các dữ liệu được công bố trong năm qua, từ đó đi đến kết luận rằng SARS-Cov-2 bị rò rỉ một cách ngẫu nhiên từ phòng thí nghiệm của WIV.

Đội ngũ Cộng hòa của Ủy ban tin rằng Covid-19 rò rỉ vào thời gian trước ngày 12/9/2019. Trong báo cáo nói rằng đây là ngày mà cơ sở dữ liệu công khai của WIV về các mẫu và chuỗi virus bị "gỡ xuống" vào giữa đêm. Cùng ngày, WIV thông báo gói thầu 1.2 triệu USD để thuê đội ngũ bảo vệ và gác cửa, lắp đặt hệ thống camera giám sát và tuần tra an ninh trong cơ sở nhằm xử lý công việc "đăng ký và tiếp nhận nhân sự nước ngoài".

Báo cáo cũng nêu ra giả thuyết virus ban đầu lây lan trong đội ngũ nhân viên phòng thí nghiệm bởi những điều kiện không an toàn, lưu ý rằng hệ thống xử lý chất thải nguy hại tương đối mới và hệ thống điều hòa không khí trung tâm của WIV đã được cải tạo vào tháng 7 và tháng 9/2019.

Các hạ nghị sĩ Cộng hòa cho rằng những nhân viên WIV đầu tiên bị nhiễm virus từ cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2019 và sau đó virus đã lây lan ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Báo cáo năm ngoái chỉ nói rằng virus xuất hiện vào giữa tháng 11/2019.

Rộ tin TQ 'thủ tiêu bằng chứng' rò rỉ Covid giữa đêm, Bắc Kinh 'nhắc nhẹ' vụ bẽ mặt kinh điển của Mỹ - 1
Nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul tại phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ, ngày 10/3/2021 (Ảnh: Ken Cedeno/Pool via AP)

Trong báo cáo hôm mùng 2, Military World Games 2019 - tổ chức ở Vũ Hán tháng 10/2019 - được cho là một trong những sự kiện "siêu lây nhiễm" đầu tiên và khiến cho virus SARS-Cov-2 lây lan ở mức độ toàn cầu. Nhiều vận động viên dự sự kiện được cho là bị ốm với các triệu chứng tương tự Covid-19.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/8 đã đề cập Military World Games ở Vũ Hán năm 2019 và đáp trả bằng cách kêu gọi giới chức Mỹ công khai dữ liệu y tế của các quân nhân Mỹ bị ốm khi tham gia sự kiện này. Bắc Kinh cũng nhiều lần yêu cầu WHO tiến hành cuộc thanh tranh toàn diện nhằm vào phòng thí nghiệm ở Fort Detrick của quân đội Mỹ cùng hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở nước ngoài.

"Chúng tôi thúc giục Mỹ tôn trọng sự thật và khoa học, tập trung sức lực vào chống dịch bệnh và bảo vệ tính mạng con người, ngưng lợi dụng dịch bệnh để chơi trò thao túng chính trị, đùn đẩy trách nhiệm," Trung Quốc tuyên bố.

SARS-Cov-2 rò rỉ từ Vũ Hán là giả thuyết được phe Cộng hòa Mỹ thúc đẩy, bao gồm Thượng nghị sĩ Tom Cotton và cựu Tổng thống Donald Trump, song từng bị coi như một thuyết âm mưu.

Giả thuyết được quan tâm trở lại gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu giới tình báo nước này điều tra triệt để về nguồn gốc Covid-19, trong khi WHO đã đưa ra đề xuất điều tra giai đoạn 2 ở Trung Quốc và đề nghị Bắc Kinh "minh bạch hơn" trong chia sẻ dữ liệu. Các động thái của Mỹ-đồng minh lẫn WHO vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Cuộc điều tra của tình báo Mỹ - được yêu cầu báo cáo ông Biden trong vòng 90 ngày - được cho là có thể đưa ra một báo cáo vào cuối tháng này.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/ro-tin-tq-thu-tieu-bang-chung-ro-ri-covid-giua-dem-bac-kinh-nhac-nhe-vu-be-mat-kinh-dien-cua-my-161210408113232088.htm